Giá thuốc giảm, chất lượng tăng?
SGTT.VN - Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là cơ sở đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện hình thức đấu thầu thuốc năm 2013 – 2014 theo thông tư liên tịch số 01 do liên bộ Y tế – Tài chính (có hiệu lực từ 1.6.2012). Cục Quản lý dược (bộ Y tế) khẳng định hình thức đấu thầu này thuốc vào bệnh viện đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế thuốc vào bệnh viện đang bị than là kém chất lượng.
Thuốc vào bệnh viện đang bị than là kém chất lượng? Ảnh: Thanh Hảo |
Một bệnh nhân bị viêm phúc mạc sau mổ cắt túi mật ở bệnh viện tuyến tỉnh vừa được chuyển lên bệnh viện Việt Đức, dù đã được mổ cấp cứu, được chỉ định dùng một loại kháng sinh tương đối tốt nhưng đến hai ngày sau bệnh nhân vẫn không cắt được sốt, bụng vẫn trướng lên và buộc phải thay một loại kháng sinh khác. Ngay sau khi dùng một ngày bệnh nhân đã cắt sốt, tỉnh táo, bụng xẹp.
Đưa ra một ví dụ này, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Quyết, giám đốc bệnh viện Việt Đức chứng minh cho việc sử dụng thuốc kém chất lượng. BS Quyết cũng bày tỏ lo lắng của mình về chất lượng thuốc vào bệnh viện. Ông nói: “Nếu bệnh viện ham rẻ, đấu thầu thuốc rẻ thì chính người bệnh khổ, bởi thuốc chất lượng không tốt không thể nào chữa bệnh được. Trên thực tế đã có những loại thuốc có đầy đủ các tiêu chí đấu thầu, giá rẻ bằng 1/10 thuốc khác, thế nhưng bệnh nhân dùng thì không khỏi. Thử hỏi như vậy làm sao dám để những thuốc đó vào bệnh viện. Người phải hứng chịu đầu tiên là bệnh nhân”.
Cũng theo BS Quyết, chấm thầu cho thuốc có giá thành thấp, tiền sẽ ít đi. Về mặt quản lý, bệnh viện sẽ chi ít tiền. Nhưng là những người chịu trách nhiệm cho tính mạng bệnh nhân, đứng trước sự sống – chết của người bệnh, ông không thể làm thế được. Nó cũng tăng gánh nặng cho người bệnh và kéo dài ngày điều trị tại bệnh viện, gây tình trạng quá tải đang chưa có cách “chữa”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Hùng, phó cục trưởng cục Quản lý dược (bộ Y tế) khẳng định, qua đánh giá quá trình tổ chức thực hiện việc mua sắm thuốc năm 2013 của các bệnh viện, cũng như kết quả đấu thầu, đã cho thấy sự ưu việt và hiệu quả của các quy định mới. Tất cả các thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu theo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam, hoặc các tiêu chuẩn dược điển Mỹ (USP), dược điển Anh (BP), dược điển châu Âu… Vì vậy, ý kiến cho rằng thuốc trúng thầu giá rẻ chất lượng không đảm bảo “là cảm tính, không có cơ sở, gây hiểu nhầm cho dư luận”. Ông Hùng còn đưa ra dẫn chứng: những mặt hàng đã được các đơn vị phê duyệt trúng thầu và sử dụng trong năm 2012 với mức giá cao hơn nhiều so với giá trúng thầu năm 2013, nhưng không thấy đơn vị nào phản ánh về chất lượng của nó.
Trên thực tế, hàng năm số lượng thuốc kém chất lượng mà cục Quản lý dược thu hồi vẫn không hề nhỏ. Bộ Y tế đã thành lập ban soạn thảo để sửa đổi, bổ sung thông tư liên tịch số 01 và thông tư số 11 về đấu thầu mua thuốc. Theo đó, xem xét việc phân nhóm sâu hơn đối với các thuốc đạt tiêu chuẩn cao, để tăng cơ hội cho các cơ sở y tế trong việc lựa chọn được các thuốc có chất lượng cao của các nhà sản xuất uy tín trúng thầu, bổ sung phân nhóm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu được sản xuất bởi các nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP…
Lệ Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét