Vàng tấn và vàng giả
SGTT.VN - Người ta nói, tới Yangon mà chưa đến chùa Shwedagon (người Việt thường gọi là chùa Vàng), thì coi như chưa đến Myanmar. Và đứng giữa ngôi chùa toàn vàng, kim cương ấy, bỗng thấy giá trị của vàng còn là sự thanh thản.
Chùa vàng Shwedagon. Ảnh: Tất Đạt |
Trước khi đến chùa Shwedagon, không ít người đùa với nhau, không biết người Miến Điện phải làm sao để bảo vệ ngôi chùa quý giá này bởi nó toàn là vàng, là kim cương. Chỉ đỉnh tháp chùa Vàng thôi đã cao đến 10m được làm bằng bảy vòng đai bằng vàng ròng, thân tháp được phủ bằng 9.300 lá vàng hình vuông và trên ngọn tháp ấy là 5.448 viên kim cương. Ấy là chưa kể, trong khuôn viên rộng lớn của chùa, các lá cờ gió cũng được làm bằng vàng, có đến hơn 1.000 quả chuông vàng, hàng trăm quả chuông bạc.
Nghĩa là, đứng giữa ngôi chùa ấy, khách thập phương đang đứng giữa cả tấn vàng, giữa cả một kho châu báu.
Nhưng thật lạ, ở giữa một nơi chỉ toàn vàng như thế, người ta lại không thấy động một chút lòng tà nào, dù không hề có sự canh gác nghiêm ngặt bởi họ tin vào sự trung thực, tánh bổn thiện ở từng con người. Sự thanh thản hiện lên ở từng gương mặt ở đây. Trong không gian ngôi chùa ấy, sự thành kính, hiền hoà hiện diện ở khắp mọi nơi. Ở các góc chùa không khó để gặp những người dân đến chia sẻ câu chuyện của mình với các nhà sư, để nghe lời khuyên nhằm tìm sự thanh thản. Ở gốc bồ đề nơi để bức tượng Đức Phật ngồi thiền, những du khách người Ấn tìm đến để cầu nguyện bất chấp mọi sự chung quanh. Và ở các bức tượng thánh, thần phù trợ cho những lời nguyện ước bên ngoài, cũng dễ dàng bắt gặp từng gương mặt thành tâm khấn nguyện. Và có những người đến chùa, chỉ để tìm sự bình an qua từng nét mặt của người khác.
Ở ngôi chùa Vàng này, vàng bỗng trở thành điều gì đó hết sức bình thường, thậm chí việc cho đi để lòng nhẹ hơn trở thành hiện thực. Những người ở chùa bán những tấm vàng với giá 3,5 kyat hoặc hơn để khách thập phương có thể dát tấm vàng mỏng ấy lên các bức tượng, bức tường chưa được dát vàng trọn vẹn. Theo người dân địa phương, những bức tượng vàng cứ dần xuất hiện nhờ lòng hảo tâm thế này.
Và trong cái không gian đầy huyền ảo ấy, bỗng dưng chợt nhớ đến những miếng vàng mà các đội tranh nhau tại SEA Games này. Tiếc thay ở SEA Games không phải là chốn thanh tịnh nên đôi khi, người ta cũng phải chấp nhận cả vàng giả, thay vì chỉ tưởng thưởng, xác nhận cho những nỗ lực của vận động viên. Mấy ngày qua, chuyện trọng tài ép để giúp đội này, đội khác có huy chương được giăng đầy các mặt báo. Nhưng còn một sự thật mà ít người biết đến, đó chính là việc quan chức các đoàn đã bàn, đã biết trước chuyện chia huy chương và chấp nhận như một phần cuộc chơi khiến giọt nước mắt của vận động viên trở nên mặn đắng hơn.
Tấm huy chương vàng kia có thể khiến cho các quan chức vui vẻ với thành tích, khiến vận động viên được chọn để thành công vui hơn. Tuy vậy, liệu đó có phải là niềm vui, sự vinh hạnh trường tồn. E rằng không, bởi ở SEA Games 22 diễn ra tại Indonesia, liên đoàn Pencak Silat Indonesia đã phải xin lỗi người dân, vận động viên mới hôm trước còn hớn hở thì hôm sau đã phải viết thư xin lỗi vì sự cố “đoạt” huy chương bằng mọi giá. Và vận động viên này ngay sau đó vì quá tủi hổ đã tuyên bố giải nghệ.
Ở Myanmar, người dân tin rằng, chỉ khi nào những người có quyền hành trung thực và coi sự thanh thản của người dân là điều quý giá nhất, khi ấy họ sẽ hiểu được giá trị của vàng. Có lẽ điều ấy cũng phù hợp với những người tổ chức SEA Games, những quan chức ngành thể thao nơi họ vẫn gọi SEA Games là ngày hội để thắt chặt tình hữu nghị và đoàn kết các nước Đông Nam Á.
Tất Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét