Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Đánh cược với tử thần

Đánh cược với tử thần

Trời kêu không dạ


Đánh cược với tử thần


SGTT.VN - Biết rằng nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ tới 90%, nhưng chị Đinh Thị Ngần (42 tuổi, ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) tha thiết được phẫu thuật để thoát khỏi khối u bạch mạch đeo đẳng 40 năm khiến chị phải hàng chục lần nhập viện. Chị vừa được BS Bruno Navailles, chuyên gia tai mũi họng – phẫu thuật đầu cổ của Pháp và các bác sĩ bệnh viện Việt Đức mổ thành công.










Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải khám cho bệnh nhân Đinh Thị Ngần trước khi chị ra viện.



40 năm vác khối u đi tìm cơ hội sống


Để có được cuộc mổ sống còn ấy, chị Ngần phải chờ đợi trong đau đớn rất nhiều năm. Chị bị khối u bạch mạch bẩm sinh lớn tại vùng cổ và mang tai phải. Trong những năm gần đây, vì u thường xuyên bội nhiễm chèn ép, chị thường xuyên phải đi bệnh viện. Chị đến rất nhiều bệnh viện ở Hà Nội nhưng không nơi nào nhận mổ vì khối u đã bị xơ hoá, chèn ép động mạch cổ, chỉ một sơ suất trong cuộc mổ có thể dẫn đến tử vong.


Phẫu thuật lần đầu năm hai tuổi, rồi bệnh tái phát, chị mổ lần hai năm 18 tuổi. Chồng chị – anh Nguyễn Văn Sinh – bị tật từ nhỏ, chỉ có một tay. Anh làm tay giả, nhờ thế ngoài việc nhà đỡ đần vợ con, anh còn làm nghề bốc vác. Chị quanh năm đi nhặt giẻ thuê, nhồi gối. Hai đứa con trai lần lượt ra đời, may mắn là đều khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. Dù không lấy gì dư dả, anh chị vẫn chắt chiu nuôi con ăn học. Gia đình được xếp vào hộ nghèo, UBND xã cấp cho 30 triệu đồng, nhờ xóm giềng và người thân anh chị cũng làm được ngôi nhà cấp 4.


Nhưng rồi, năm 2006 anh Sinh bị ung thư gan, mất một năm sau đó. Khối u của chị lại to dần lên, chèn ép vùng thực quản, cổ họng khiến ăn uống, nói năng đều khó. Ba sào ruộng chỉ đủ gạo ăn, thu nhập từ việc nhặt giẻ thuê 100.000 đồng/ngày khiến cả nhà lo ăn từng bữa. Cháu Nguyễn Văn Lợi, con trai đầu của chị phải nghỉ học khi vừa bước qua lớp 8, đi phụ việc kiếm sống. Chị Ngần có sáu chị em, thỉnh thoảng ghé qua cho miếng thịt, con cá để chị bồi dưỡng. Chị chỉ ăn cháo hoa mà dành thịt cá cho con.


Rồi chị không ăn được cơm nữa, chỉ húp cháo và uống sữa, sức khoẻ kém dần. Các lần phải đi cấp cứu vì nghẹt thở do khối u chèn ép, đau âm ỉ đầu dày lên, lúc đầu là một năm, rồi vài tháng và hai năm trở lại đây mỗi tháng một lần. Ai mách ở đâu có thuốc gì, chị đều uống nhưng khối u vẫn phát triển. Tháng 4.2012, chị có cơ hội gặp BS Bruno Navailles tại bệnh viện Việt Đức, ông đã khám và nhận định đây là khối lymphangioma, có thể mổ được, nhưng không sắp xếp được bàn mổ. Sau hơn một năm, đầu tháng 11 vừa qua, ông trở lại Việt Nam, BS Nguyễn Hoàng Hải – khoa khám bệnh bệnh viện Việt Đức đã liên lạc với gia đình chị Ngần một lần nữa. Gia đình hai bên nội – ngoại gấp gáp họp, bởi BS Bruno chỉ lưu lại Việt Nam một tuần. Biết nguy cơ tử vong ngay tại bàn mổ vẫn là 90%, nhưng chị Ngần tha thiết được phẫu thuật. Bởi với cuộc sống quá đau đớn, kiệt sức như hiện nay, có lẽ chị cũng chỉ sống được vài tháng nữa. Thà một lần đánh cược với số phận!


“Chị đã khỏi bệnh rồi!”


Chị cả nghĩ dặn dò con trai lớn đã đi làm công nhân, con trai nhỏ năm nay học lớp 8: “Anh em phải thương yêu, đùm bọc nhau”. Chị cũng dặn em trai Đinh Văn Lĩnh rằng anh thợ lò hàng xóm có lòng tốt đưa 10 triệu đồng để chị có thêm chi phí, nhưng chị chỉ dám cầm 3 triệu, ngộ nhỡ có chuyện gì thì gia đình gửi lại anh ấy.


Anh Lĩnh nhớ lại buổi sáng chờ mổ ấy, cả gia đình hơn 20 người có mặt tại bệnh viện, xác định có thể đây là lần cuối gặp chị. BS Bruno cho biết thời gian mổ sẽ kéo dài ba tiếng rưỡi. Cuộc mổ diễn ra suôn sẻ, phần lớn khối u được lấy ra mà không gây tổn thương các mạch máu chính và thần kinh. Vết thương sau khi rút ống nội khí quản chưa lành nhưng các bác sĩ cho biết, chị sẽ dần phục hồi khả năng nói. Ít nhất trong mười năm tới, chị có thể sống khoẻ mạnh và không quá lo ngại về khả năng tái phát.


Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, chị ăn được bát cơm đầy. Chị lấy tay bịt vết thương trên cổ, cố gắng nói với chúng tôi một câu ngắn gọn – điều chị mong mỏi từ quá lâu: “Chị đã khỏi bệnh rồi”. Rồi chị lấy trong túi ra chứng minh thư và thẻ học sinh của hai đứa con, nghẹn ngào ngắm. Vài ngày nữa thôi, chị đã được về nhà gặp con, và có cơ hội một ngày nào đó nhìn thấy hai con trưởng thành, lập gia đình. Giờ đây, đó là hy vọng lớn nhất của đời chị.


bài và ảnh: Gia Bảo









Bà bầu uống rượu, con có thể bị u bạch mạch ThS.BS Phạm Cẩm Phương, trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, u bạch mạch (lymphangioma) là dị tật của hệ thống bạch huyết, 90% xảy ra ở trẻ em dưới hai tuổi và hay gặp ở vùng đầu, cổ. U bạch mạch có thể bị bẩm sinh hoặc mắc phải (sau chấn thương...) U bạch mạch bẩm sinh thường được chẩn đoán trước sinh, trong thời kỳ bào thai, qua siêu âm thai; u bạch mạch mắc phải xuất hiện sau chấn thương, viêm, hoặc tắc nghẽn bạch huyết… Nguyên nhân trực tiếp của lymphangioma là sự tắc nghẽn hệ thống bạch huyết từ thời kỳ bào thai, bởi mẹ sử dụng rượu hay nhiễm virút trong thời kỳ mang thai. Thường các u bạch mạch chỉ được điều trị khi ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc tổn thương u ở các cơ quan quan trọng có thể dẫn đến các biến chứng.


Lê Hương (ghi)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ