Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Nóng dân sinh, sốt ruột kinh tế

Nóng dân sinh, sốt ruột kinh tế

Kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM khoá VIII


Nóng dân sinh, sốt ruột kinh tế


SGTT.VN - Tuy chỉ là buổi thảo luận tại hội trường nhưng hôm qua 10.12, các đại biểu HĐND TP.HCM đã liên tiếp đặt ra những “đầu bài” để chính quyền thành phố giải quyết, nhằm nâng cao đời sống dân sinh và phát triển kinh tế một cách bền vững. Và các đầu bài này theo chủ toạ của buổi thảo luận là “hết sức thiết thực và cần phải lưu ý thực hiện”.










Phí đường bộ qua trạm thu phí Bình Triệu và xa lộ Hà Nội tới đây sẽ được tăng. Ảnh: Phan Quang



“Trụ” và giành lại thị trường


Đại biểu Trương Vĩnh Kiến (quận 8) cho rằng, doanh nghiệp hiện nay khó khăn chồng chất. Trong đó, vấn đề thuế đang là chuyện đau đầu của hàng ngàn doanh nghiệp, trong khi thành phố lại đang phấn đấu thu ngân sách đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra, thì quả là càng khó cho doanh nghiệp. Theo đó, để “cứu” các doanh nghiệp này, ông Kiến đề nghị, thành phố nên kiến nghị với Chính phủ nhiều chính sách ưu đãi về thuế hơn nữa như khoanh nợ thuế cho những doanh nghiệp khó khăn rồi phân kỳ trả nợ thuế dần.


Còn đại biểu Từ Minh Thiện thì chia sẻ, thị trường bán lẻ ở Việt Nam, đặc biệt TP.HCM là thị trường tiềm năng, có khả năng thu lợi khổng lồ nhưng thời gian qua dường như bị xem nhẹ nên dần rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. “Giành lại thị trường này là vấn đề hết sức cấp thiết vừa thu lợi vừa cứu không ít doanh nghiệp. Ngay bây giờ, thành phố phải có chính sách cụ thể nếu không sẽ quá trễ”, ông Thiện quan ngại.


Ngoài chuyện giãn hay khoanh nợ thuế, giành lại thị trường bán lẻ, các đại biểu đã đưa ra hàng loạt giải pháp để thổi sinh lực cho các doanh nghiệp đang kinh doanh trên địa bàn TP.HCM.


Theo đại biểu Thái Tuấn Chí, nhất thiết TP.HCM cần phải nhanh chóng lập ban nghiên cứu các cơ hội của hai hiệp định TPP và hiệp định Đối tác kinh tế Việt – Nhật để tư vấn chiến lược và đề xuất các chính sách đón đầu các nguồn vốn trực tiếp và gián tiếp. Đặc biệt, phải xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cao có tính kết nối giữa nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và đào tạo.


Điển hình, ngành dệt may là một trong những ngành trọng tâm được dự báo là sẽ bùng nổ với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50 tỉ USD sau hiệp định TPP nhưng hiện tại ở TP.HCM cũng như toàn quốc không có một đại học nào đào tạo về ngành này. Trong khi đó, ngay sau khi hiệp định kinh tế Việt – Nhật được ký, một nghị sĩ của Nhật đã cam kết sẽ khởi công xây dựng trường đại học Việt – Nhật tại Hà Nội trong năm 2014, để cung cấp nguồn nhân lực cho làn sóng đầu tư của Nhật vào Việt Nam. “Tại sao Nhật nghĩ ngay đến đào tạo còn chúng ta thì không. Vì thế, thành phố phải làm cấp tốc chứ không thể chỉ bàn bạc suông được”, ông Tuấn thẳng thắn.


Đóng góp của các đại biểu được bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP.HCM – điều hành buổi toạ đàm – lưu ý các cơ sở ngành liên quan xem xét và có những đề xuất cụ thể đề xuất cho thành phố, nhằm triển khai ra thực tế.









Chỉ có ba “tư lệnh” trả lời chất vấn


Theo thông tin từ Thường trực HĐND TP.HCM, trong kỳ họp lần thứ 12, khoá 8 của HĐND lần này sẽ chỉ có ba đơn vị trả lời chất vấn của các đại biểu vào ngày hôm nay (11.12).


Các đơn vị trả lời chất vấn gồm: sở Giao thông vận tải, sở Khoa học – công nghệ và trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM. Trong đó, sở Giao thông vận tải sẽ phải trả lời về các vấn đề liên quan đến vận tải hành khách công cộng; sở Khoa học – công nghệ trả lời về các vấn đề ứng dụng công nghệ vào sự phát triển của thành phố; còn trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập sẽ phải trả lời về hiệu quả của các dự án, chương trình chống ngập.



Liên quan đến chuyện giãn, khoanh nợ thuế, trả lời thảo luận của đại biểu Trương Vĩnh Kiến và một số đại biểu khác, bà Đào Thị Hương Lan, giám đốc sở Tài chính khẳng định rằng, thành phố chỉ phấn đấu đạt chứ không vượt thu ngân sách. Hơn nữa, theo số liệu của cơ quan thuế thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn số giảm, chứng minh nguồn thu của thành phố là có cơ sở.

Bảo vệ con em bằng cách nào?


Liên quan đến các vấn đề dân sinh, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thuỷ đặt vấn đề, làm thế nào để không còn cảnh trẻ em bị tử vong khi được cha mẹ gửi cho các nhóm trẻ coi giữ, vì thực tế thời gian gần đây đã ít nhất xảy ra hai vụ việc thương tâm. Các chính sách về xây dựng nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đã được thực hiện thế nào?


Còn đại biểu Huỳnh Công Hùng (trưởng ban văn hoá – xã hội, thuộc HĐND TP.HCM) nêu câu hỏi: Thành phố cần làm gì để không xảy ra tình trạng trẻ em dưới một tuổi khi tiêm chủng (nhất là tiêm vắcxin 5 trong 1) bị sốc đến chết như các địa phương khác?


Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc sở Y tế TP.HCM cho rằng, chương trình tiêm chủng mở rộng thành phố tiếp tục từ ngày 11.11 cho đến ngày 6.12.2013 đã được tiến hành trên diện rộng với hơn 20,000 mũi tiêm. Các phản ứng sau khi tiêm chỉ ở mức độ nhẹ dưới 0,5%, số ca vì phản ứng phải nhập viện cũng rất thấp (0,05%). Như vậy, chương trình được tổ chức lại theo tiêu chí của bộ Y tế đã hạn chế được tối đa những tình huống không đáng có. Theo quy định mới, cơ sở tiêm chủng không được tiêm quá 50 trẻ một ngày, đặc biệt các trẻ phải được khám cẩn thận trước khi tiêm chủng loại vắcxin 5 trong 1, cũng như quản lý và bảo quản vắcxin phải đúng theo quy trình.


Về chuyện bảo đảm an toàn cho trẻ ở độ tuổi mầm non, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM nói, các nhóm trẻ gia đình phát sinh ngày càng nhiều theo nhu cầu thực tế. Các nhóm trẻ này được giao cho chủ tịch UBND phường, xã chịu trách nhiệm cấp phép và quản lý. Thực tế, các trường hợp trẻ tử vong thời gian vừa qua đều rơi vào các nhóm trẻ không phép.


Đào Lê









Tăng viện phí, phí cầu đường


Cũng tại buổi làm việc ngày 10.12, các đại biểu HĐND đã thống nhất thông qua hàng loạt các tờ trình của UBND TP.HCM. Trong đó, đáng kể nhất là tờ trình về tăng một phần giá các dịch vụ khám, chữa bệnh áp dụng cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn TP.HCM; và tờ trình tăng phí đường bộ qua trạm thu phí Bình Triệu và xa lộ Hà Nội.


Theo đó, từ 1.6.2014 áp dụng viện phí mới (tăng) đối với các dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá giường bệnh/ngày; các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm (477 dịch vụ) với mức bằng 75% khung giá do bộ Y tế quy định. Giá dịch vụ của nhóm này sẽ tiếp tục tăng thêm từ ngày 1.6.2015 với mức bằng 85% khung giá do bộ Y tế quy định và tăng đến mức bằng 100% khung giá của bộ từ ngày 1.6.2016.


Đối với nhóm các phẫu thuật, thủ thuật: từ ngày 1.6.2014 áp dụng mức giá bằng 65%, từ 1.6.2015 bằng 75% và từ 1.6.2016 bằng 100% khung giá quy định của bộ Y tế.


Các mức đề nghị tăng phí đường bộ đối với ba nhóm xe và giữ nguyên đối với hai nhóm xe. Cụ thể, nhóm xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt phải chịu mức thu tăng so với mức đang thu là 1,5 lần. Nhóm xe từ 12 – 30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: mức thu tăng 1,35 lần. Nhóm xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: mức thu tăng 1,16 lần. Hai nhóm xe được giữ nguyên mức đang thu gồm: xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, container 20 feet; xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet.


Đ. Thông







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ