Đặt hàng trước: lợi, hại song hành...
SGTT.VN - Bán hàng theo kiểu khách đặt hàng trước đã phổ biến từ lâu trên thế giới và đang lan toả rộng tại Việt Nam, đặc biệt khi có hỗ trợ của internet. Nhiều sản phẩm của các thương hiệu lớn, tiếp thị tốt, biết trước cháy hàng khi chưa ra đời, báo hiệu thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà kinh doanh cũng phải xử lý không ít trục trặc trong khâu tổ chức.
Hình thức bán hàng đặt hàng trước (pre-order) đang được nhiều nhà bán lẻ áp dụng với mục đích tiếp thị là chính. Trong ảnh: dòng smartphone Gionee Pioneer P3 chuẩn bị được áp dụng hình thức đặt hàng trước. Ảnh: Minh Phúc |
Dienmay.com đang mời khách hàng đặt hàng trước (pre-order) với dòng Gionee Pioneer P3 đến ngày 13.12.2013. Cách đây không lâu, từ ngày thứ nhất – 6.12.2013, Thế Giới Di Động đã áp dụng hình thức đặt hàng trước cho dòng smartphone Mobiistar 402M. Theo đó, nếu vào ngày 1, khi khách hàng đặt hàng sẽ được giảm giá 500.000 đồng (giá gốc là 1,8 triệu đồng), ngày thứ hai được giảm 400.000 đồng... Còn vào ngày thứ sáu, nếu có đặt hàng, giá sẽ ở mức 1,8 triệu đồng. Từ ngày 12 – 14.12, Thế Giới Di Động sẽ cho đặt hàng trước với dòng Alcatel One Touch Pop C7 có giá 3,59 triệu đồng. Trong ngày 12, nếu đặt hàng sẽ có giá 2,59 triệu đồng, còn ngày 13 có giá 3,09 triệu đồng, nếu ngày 14 có giá 3,49 triệu đồng...
Là chiêu tiếp thị
Cuối năm 2012, Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ đã áp dụng hình thức đặt hàng trước theo gợi ý của một hãng sản xuất với ưu tiên: độc quyền bán 500 chiếc đầu tiên trước khi các nhà bán lẻ khác có dòng sản phẩm này. Trước đó, dòng sản phẩm này đã được lan truyền trên mạng với những tính năng, mà theo nhà sản xuất có thể “bằng vai phải lứa” với các sản phẩm của đối thủ Apple, Samsung... “Chỉ trong vài ngày sau khi thông tin đặt hàng trước được công bố trên website, lượng hàng đã hết”, bà Lê Thảo Trang, giám đốc tiếp thị của Thế Giới Di Động cho biết.
Sau đó, nhiều nhà bán lẻ khác như FPT Shop, Viễn Thông A, Mai Nguyên, gần đây có Nguyễn Kim cũng áp dụng hình thức này. Bà Lê Bạch Điệp, tổng giám đốc FPT Shop cho biết, bán hàng theo hình thức đặt trước phần lớn do các hãng sản xuất đề xuất, cũng có một vài sản phẩm nhà bán lẻ tự tổ chức. “Tại sao phải là nhà sản xuất đề nghị? Vì hình thức đặt hàng trước luôn gắn liền với những ưu đãi như giá thấp hơn khoảng 10% và kèm theo những món quà có giá trị. Nhà bán lẻ không đủ sức áp dụng những hình thức khuyến mãi nên phải thông qua nhà sản xuất hỗ trợ nguồn tài chính để làm chương trình. Cũng có nhà bán lẻ tự tổ chức nhưng ít lắm”, bà Điệp giải thích. Mặt khác, những sản phẩm được đặt hàng trước chính là những sản phẩm chiến lược của các hãng, họ muốn tạo tiếng vang với cộng đồng khi thông tin sản phẩm bị “rò rỉ” và được đặt hàng trước, trước khi hàng có mặt chính thức trên thị trường.
Quan sát trên thị trường, trong năm nay, những sản phẩm “đinh” của các hãng sản xuất như: Nokia 1020, Samsung Galaxy Note 3, Sony Experia Z1, LG G2, iPad Air, iPhone 5S/5C, Lenovo S5000... là những sản phẩm đã được các hãng bật đèn xanh “đặt hàng trước”. Theo các nhà bán lẻ, hầu hết những sản phẩm này đã “hoàn thành tốt nhiệm vụ” của giai đoạn đặt hàng trước.
Việc mua hàng theo hình thức đặt trước không chỉ được giảm giá mà còn nhiều quà khuyến mãi do nhà bán lẻ được hãng cung cấp hoặc các đối tác tài trợ. Không quá khó để nhận ra rằng những sản phẩm đặt hàng trước đều bán hết lượng hàng vốn có số lượng hạn chế và bị khống chế về thời gian. Ông Trần Nhật Linh, giám đốc kinh doanh online của Thế Giới Di Động cho biết, hết ngày 6.12, đã có 2.000 khách hàng đặt mua trước dòng Mobiistar 402M, trong đó ba ngày đầu được 1.500 chiếc vì có mức giá hấp dẫn...
Xử lý sự cố
Với các nhà bán lẻ và nhà sản xuất, áp dụng hình thức đặt hàng trước có hai mục đích, đó là tăng thêm sự nhận biết của khách hàng về sản phẩm mới chưa xuất hiện và gia tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, việc tổ chức không tốt sẽ làm phiền khách hàng và giảm uy tín của nhà kinh doanh.
Không ít khách hàng phiền lòng khi nhà bán lẻ “giao hàng không đúng thời gian cam kết”! Lenovo S5000 là một trường hợp điển hình. Dù hứa ngày 20.11.2013 sẽ có hàng nhưng đến ngày 7.12, sản phẩm này mới đến tay khách hàng. Asus T100 (loại có ổ cứng gắn ngoài 500GB) được cam kết sẽ giao hàng trong ngày 28.11 nhưng theo nhiều nhà bán lẻ, phải đến 15.12.2013 mới có hàng giao cho khách... Việc chậm trễ thời gian giao hàng đến từ nhà sản xuất: sản xuất hàng không kịp tiến độ, phụ thuộc vào thời gian kiểm hoá, thông quan hay trục trặc trong khâu vận chuyển...
Khi trễ thời gian theo cam kết trước đó, mỗi nhà bán lẻ sẽ có những cách giải quyết khác nhau. FPT Shop sẽ gọi điện thoại xin lỗi khách hàng, hứa hẹn thời gian có hàng, nếu khách hàng không đồng ý sẽ lấy lại tiền cọc. Còn Thế Giới Di Động, theo ông Linh, khâu đầu tiên sẽ gọi cho khách hàng để xin lỗi, sau đó, cứ trễ một ngày khách hàng sẽ được trừ 1%, tối đa là 10% giá máy.
Nhiều nhà bán lẻ chia sẻ rằng, lợi nhuận từ hình thức bán hàng đặt hàng trước rất thấp nếu không muốn nói là hoà vốn nhưng rủi ro cao. “Biết vậy nhưng trong quan hệ với nhà sản xuất, các kênh bán lẻ cũng muốn được độc quyền luân phiên bán hàng đặt trước với các sản phẩm “hot” để tạo uy tín với khách hàng. Trong kinh doanh phải chấp nhận rủi ro”, bà Điệp phân tích.
Gia Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét