Tránh “hòn đá tảng” doanh nghiệp nhà nước?
SGTT.VN - "Có người khuyên chúng ta cứ để doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ở đấy, đụng vào hòn đá tảng mà mãi không làm được thì tránh ra, đi đường khác, làm sao kích hoạt đầu tư tư nhân lên", ông Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng bộ Kế hoạch đầu tư đặt vấn đề trong phiên thảo luận hội nghị “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” sáng 12.12 tại Hà Nội.
Muốn tái cơ cấu kinh tế hiệu quả thì phải chấp nhận trả giá, không thể không mất cái gì. |
Nguyên viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá không đồng tình, ông nói, “cái này không giải quyết được thì cái kia không lên được”.
Từ 2008 không có giải cứu doanh nghiệp
Trước đó, ông Nguyễn Mại đánh giá, trong bốn động lực tăng trưởng của Việt Nam thì có đến 3 “đang nghẽn”, đó là DNNN, tư nhân, nông nghiệp. Trừ FDI có tăng trưởng cao. Đáng chú ý, “tôi chưa thấy Chính phủ có chính sách nào giải cứu doanh nghiệp, sau ba gói kích cầu hồi 2008”, ông Mại nói. Do đó, một trong các biện pháp ngắn hạn Chính phủ cần làm ngay là giải cứu các doanh nghiệp đang ngừng hoạt động.
Trong khi năm 2013 có 70.000 doanh nghiệp đăng ký mới, chưa chắc hoạt động được trong 2014 thì số doanh nghiệp đang khó khăn chiếm tới 55.000, năm 2014 có nguy cơ tiếp tục chết. Vì thế, cần giải cứu những doanh nghiệp này, chỉ cần giải cứu được một nửa của 55.000 cũng giúp phục hồi tăng trưởng ít nhất là 0,5%. Chính phủ nên có khảo sát và đánh giá thực trạng các doanh nghiệp cần giúp đỡ này.
Ông Lê Mạnh Hùng, phó cục trưởng cục phát triển doanh nghiệp (bộ Kế hoạch và đầu tư) đồng tình, cho rằng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chỉ là những chính sách chưa hỗ trợ cụ thể. Ví dụ với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mới chỉ là những khung chính sách. Việc thành lập quỹ phát triển DNNNV vẫn đang xây dựng quy định hoạt động cho quỹ đó, mặc dù đã phê duyệt rồi. Doanh nghiệp rất mừng vì Chính phủ có sự quan tâm, nên năm 2014 cần tập trung cụ thể hơn. Tại nhiều hội thảo, các doanh nghiệp cũng cho biết có nhiều chính sách nhưng không biết tiếp cận ở đâu. Cục Phát triển doanh nghiệp cố gắng quý I/2014 sẽ có cuốn sổ tay hỗ trợ DNNNV.
Ông Nguyễn Mại cho rằng, một nền kinh tế đang công nghiệp hóa như Việt Nam mà tăng trưởng GDP gần một thập kỷ (chín năm nay) trung bình ở 6% là nguy cơ rất lớn. Nếu tiếp tục duy trì tăng 5-6% như hiện nay thì “nguy” cho dài hạn, thất nghiệp nhiều, doanh nghiệp chết nhiều , nguy cơ hơn nữa về xã hội….
Biện pháp gì cổ phần hóa DNNN?
Theo ông Trần Tiến Cường, nguyên trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, thuộc CIEM, trong bảy tháng năm 2013 mới cổ phần hóa khoảng 15 DNNN. Thời gian tới có hàng trăm doanh nghiệp thì liệu có biện pháp gì để cổ phần hóa? Đây là thách thức lớn. Mục tiêu giảm còn 500 DNNN từ nay tới 2015 rất khó. Đặc biệt, việc chia tỷ lệ sở hữu 50 - 65- 75% thì phải xem xét từng khu vực có tính cạnh tranh hay không. Nếu cộng lại mà Nhà nước vẫn chiếm tỷ lệ chi phối thì không tác động đến khu vực khác.
Ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) nói, việc cổ phần hóa doanh nghiệp mà áp đặt luôn một tỷ lệ doanh nghiệp này phải giữ 65%, hay 50% thì hoàn toàn mang tính chất từ trên xuống và không khả thi. Đến 2015 phải xong nhưng phải tùy theo tính chất ngành, chưa nói đến bối cảnh chung của nền kinh tế. Nếu mục tiêu cuối cùng là tăng hiệu quả của khu vực tư nhân thì việc giữ cổ phần tối đa của Nhà nước là không thỏa đáng.
Ông Nguyễn Mại nhận định, Nghị quyết về tái cấu trúc nền kinh tế được Đại hội 9 đưa ra, đến nay đã ba năm rồi. “Một nghị quyết quan trọng mà không ai thực hiện, hoặc thực hiện rất chậm mà không ai chịu trách nhiệm”. “Tôi cho rằng nếu không quy trách nhiệm cho cá nhân nào, ai đấy thì không bao giờ một Nghị quyết lớn như vậy có thể thực hiện được. Với cách làm hiện nay tôi tin chúng ta không thể làm được”. Từ đó, ông Mại đề xuất, việc tái cơ cấu không thể để Thủ tướng duyệt được, phải giao cho từng ông doanh nghiệp, từng ông bộ trưởng chịu trách nhiệm về tái cấu trúc ngành của mình. Hàng quý, hàng tháng phải báo cáo với Quốc hội để giám sát. Quốc hội sẽ đánh giá ông đứng đầu bộ, đứng đầu ngành, địa phương về tái cấu trúc ấy, theo hướng ông không đạt yêu cầu thì bị bất tín nhiệm, đó là dài hạn.
Ông Lê Xuân Bá nói, muốn tái cơ cấu kinh tế hiệu quả thì phải chấp nhận trả giá, không thể không mất cái gì. Cần tính toán xem hệ thống chính trị của ta, nền kinh tế của ta chịu được “mấy cú đòn”.
Việt Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét