Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Chuyện cũ vẫn gay cấn đến phút cuối!

Chuyện cũ vẫn gay cấn đến phút cuối!

Bế mạc kỳ họp HĐND lần thứ 12, khoá VIII


Chuyện cũ vẫn gay cấn đến phút cuối!


SGTT.VN - Chưa hài lòng với phần trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở ngành trước đó, sáng 12.12, trong phiên bế mạc kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 12, khoá VIII, nhiều đại biểu đã đứng lên chất vấn thêm chủ tịch UBND TP.HCM. Những “chuyện cũ” về dân sinh, kinh tế vẫn gay cấn đến phút cuối cùng.










Cảng Ba Son. Ảnh: Lê Quang Nhật



Đại biểu Võ Văn Sen tỏ ra lo ngại về kim ngạch xuất khẩu của thành phố trong năm 2013 giảm đến 5%, nên đã thẳng thắn đặt câu hỏi: “Thành phố đã có giải pháp nào để tránh tình trạng xuất khẩu giảm trong năm 2014?”


Trả lời câu hỏi của đại biểu Võ Văn Sen, chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói, hoạt động xuất khẩu của TP.HCM luôn luôn chiếm từ 30 – 35%, có những năm chiếm đến 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Do đó, khi thấy tình hình kim ngạch xuất khẩu giảm, UBND TP.HCM đã họp các cơ quan liên quan để phân tích tìm nguyên nhân. Theo đó, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó đa phần là nguyên nhân khách quan. Thứ nhất, năm 2013, theo chủ trương của Nhà nước, các ngân hàng hay doanh nghiệp ở TP.HCM không được phép xuất khẩu vàng. Kế đến, dù năm nay nhóm hàng nông sản xuất khẩu với số lượng tăng nhưng giá so với mặt bằng thế giới thì giảm nên cũng tác động đến kim ngạch xuất khẩu. Một nguyên nhân khác, trước đây, phần lớn các sản phẩm xuất khẩu ở khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ tập trung về các cảng của thành phố. Nhưng gần đây các tỉnh bạn cũng đưa vào sử dụng nhiều hệ thống cảng, kéo các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu ở các cảng trên nên kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM giảm. Giải pháp là tới đây, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp xuất khẩu.


Còn nguyên nhân chủ quan là do tình hình di dời các cảng biển từ nội thành ra ngoại thành cũng chưa đạt tiến độ đề ra, nếu cảng nào đã dời thì hạ tầng lại chưa đồng bộ nên việc xuất khẩu bị hạn chế. Giải pháp khắc phục nguyên nhân này chính là việc nhanh chóng đồng bộ hạ tầng ở các cảng, và việc này thành phố sẽ quyết liệt thực hiện một cách tập trung.


Trước câu hỏi của đại biểu Lâm Thiếu Quân rằng “mong muốn chủ tịch UBND thành phố thông tin cụ thể về tình hình của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn cũng như cách thức làm thế nào để tránh lỗ”, chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói bản thân ông cũng như UBND thành phố nhận thấy đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Hiện tại thành phố còn tổng cộng 95 doanh nghiệp nhà nước (16 tổng công ty, doanh nghiệp lớn còn lại là các công ty TNHH một thành viên). Trong đó, 16 tổng công ty, doanh nghiệp lớn, kế hoạch tái cơ cấu đã được UBND thành phố phê duyệt là 14, hai doanh nghiệp còn lại thì tiến hành cổ phần hoá.


“Nói chung đến tháng 12 này sẽ quy hoạch xong. Theo đó, mục tiêu sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là đầu tư công sẽ được thực hiện một cách hiệu quả nhất”, chủ tịch Lê Hoàng Quân nói.


Ngập: phòng chứ không chống!


Vấn đề dân sinh được không ít các đại biểu quan tâm nhưng chưa được các sở ngành trả lời thấu đáo chính là chuyện ngập, ô nhiễm môi trường và công tác y tế dự phòng ở TP.HCM.


Liên quan đến vấn đề ngập, nhiều đại biểu nhấn mạnh, tới nay chúng ta không thể không nhìn nhận việc ngập, ô nhiễm môi trường ở thành phố đã thành một con bệnh khó chữa. Câu hỏi đặt ra là: UBND TP.HCM đã có giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này?


Trả lời câu hỏi này, chủ tịch Lê Hoàng Quân cho rằng, hiện trong bốn con kênh (gồm: Tân Hoá – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên) có ảnh hưởng đến môi trường và ngập ở TP.HCM, lãnh đạo thành phố đang tập trung chỉ đạo để làm sao thực hiện dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, hoàn thành dự án Tân Hoá – Lò Gốm (kênh Tàu Hủ – Bến Nghé và Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã thực hiện xong giai đoạn 1 và đã cải tạo được môi trường mà lưu vực nó đi qua). Trong đó, cố gắng sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên (hiện quận Bình Tân còn khoảng 450 hộ chưa nhận tiền bồi thường) để có thể triển khai xây dựng trong năm 2014; hoàn thành dự án nâng cấp, cải tạo kênh Tân Hoá – Lò Gốm vào tháng 9.2014 (việc này chủ đầu tư đã cam kết). Khi hoàn thiện các dự án này thì rõ ràng vấn đề ô nhiễm môi trường ở TP.HCM sẽ được giải quyết một cách cơ bản.


Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng cho rằng, đây là vấn đề toàn cầu và TP.HCM nằm trong nhóm những quốc gia sẽ chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Theo tính toán đến năm 2050, 30% diện tích của thành phố sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nước biển dâng. Những năm vừa qua, UBND thành phố đã giao cho các cơ quan nghiên cứu vạch ra những phương án đề phòng, giảm thiểu và chung sống với chuyện ngập nước. “Nếu nói chống thì không chống nổi đâu!”, chủ tịch Lê Hoàng Quân thẳng thắn nhìn nhận.


Từ quan điểm trên, chủ tịch Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các cơ quan tham gia nghiên cứu phải lưu ý các giải pháp công trình, phi công trình, các giải pháp truyền thống, phi truyền thống, giải pháp khoa học để thành phố thích nghi với môi trường, phát triển bền vững. Ngay việc xây dựng hệ thống metro cũng phải nghiên cứu đến vấn đề biến đổi khí hậu, khi có những đoạn chúng ta phải đi ngầm, để có phương án đối phó với ngập.


Đặc biệt, chuyện ngập cục bộ, bể bờ bao, thành phố sẽ tiếp tục sửa chữa để hoàn thiện. Các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để hạn chế tối đa tình trạng trên. “Ở đây vai trò trách nhiệm của địa phương là vô cùng quan trọng”, chủ tịch Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.


Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Huỳnh Công Hùng, trưởng ban Văn hoá – xã hội, là TP.HCM sẽ đầu tư, khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực y tế dự phòng như thế nào trong 2014, chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết: “Thực tế thành phố rất quan tâm đến vấn đề này và năm 2013 đã thực chi cho việc chăm sóc sức khoẻ hơn 2.700 tỉ đồng. Riêng trong lĩnh vực y tế dự phòng, hai năm vừa qua lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo phải tập trung cho tuyến 24 quận, huyện với 322 phường, xã. Tập trung đầu tư về con người, cơ sở vật chất, tuyên truyền”.


Tuy nhiên, chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng thừa nhận là so với yêu cầu thì việc đầu tư tiền của cho y tế dự phòng còn chưa xứng tầm, nên sẽ tăng cường trong năm 2014.


Đào Lê









Năm 2014 xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng


Đó là mục tiêu của thành phố đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2014 và vừa được HĐND thông qua nghị quyết. Ngoài mục tiêu trên, còn có 17 mục tiêu khác được đề cập. Trong đó, đáng kể nhất là chuyện giảm 5 – 10% số vụ tai nạn, ùn tắc giao thông.


Giữa năm 2014 trình đề án quảng cáo trên xe buýt


Ở nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn vừa được thông qua sáng 12.12, UBND TP.HCM đã cam kết sẽ trình đề án Quảng cáo trên thân xe buýt vào kỳ họp giữa năm 2014 của HĐND TP.HCM.


Đỗ Thông







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ