Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Thị trường – liên kết – lợi ích: cốt lõi của đổi mới nông nghiệp

Thị trường – liên kết – lợi ích: cốt lõi của đổi mới nông nghiệp

Hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp”


Thị trường – liên kết – lợi ích: cốt lõi của đổi mới nông nghiệp


SGTT.VN - Bộ Khoa học và công nghệ (KH-CN), UBND tỉnh Đồng Tháp và hội Doanh nghiệp HVNCLC phối hợp tổ chức hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” tại TP Cao Lãnh ngày 27.11.2013. Có hơn 200 người tham dự, gồm các chuyên gia, nhà khoa học từ viện trường, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, viên chức các cơ quan của bộ KH-CN, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) và đông đảo doanh nghiệp.










Hội thảo chia làm ba panel với sự tham gia của nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý nông nghiệp.



Từ bức xúc tới kỳ vọng


“Nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, vươn lên nhóm các nước xuất khẩu đứng đầu trên thế giới về một số mặt hàng nông sản, nhưng thực ra, giá bán thấp, tiếp cận thị trường trong, ngoài nước đều khó khăn, thua thiệt rơi vào người sản xuất…”, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nhìn nhận và phân tích thêm: “Chúng ta bắt đầu bộc lộ giới hạn tăng trưởng, thậm chí xu hướng giảm dần. Đây là thời điểm thích hợp để chuyển từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp”.


GS.TS Nguyễn Quân, bộ trưởng bộ KH-CN , nhà đồng tổ chức hội thảo cho rằng “đổi mới sáng tạo bao hàm yếu tố khoa học công nghệ, đi liền những giải pháp pháp lý và thực tiễn để thúc đẩy kinh tế – xã hội… Theo kỳ vọng, năm 2020, Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại thì vẫn là đặt trên nền tảng phát triển nông nghiệp.


Năm 1986, sau khoán 10, khoán 100, Việt Nam đã bứt phá, tăng trưởng ngoạn mục từ một nước thiếu đói thành quốc gia xuất khẩu gạo. Chính sách phù hợp sẽ giúp chúng ta trở thành quốc gia phát triển hàng đầu.


Những giải pháp “tự thân” và đề xuất mới


TS Phạm Văn Tấn, phó giám đốc phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, bộ NN-PTNT, phân tích: Hiện nay khâu thu hoạch cơ giới đạt 65%, sấy chiếm 45%, mức độ tổn thất 13,7% về số lượng, 13,4% về chất lượng lúa sau thu hoạch. Làm thế nào nâng cao chất lượng lúa gạo? Nếu ứng dụng tốt công nghệ trong chế biến thực phẩm, làm nấm rơm, làm viên nén từ rơm phục vụ chăn nuôi gia súc, chất vi sinh… là làm tăng giá trị lên 16 – 18 lần.


PGS. TS Trần Đức Viên, trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu ra một số loại máy móc, thiết bị đưa ra thị trường như máy trồng sắn… Việc chuyển giao rất cần sàn giao dịch. Ông cũng đề nghị bộ Giáo dục và đào tạo và bộ KH-CN phối hợp khảo sát về thực lực nghiên cứu của các trường đại học. TS Dương Thái Công, hiệu trưởng trường đại học Kỹ thuật – công nghệ Cần Thơ, nói rõ hơn mối lo khi việc đào tạo nhân lực cơ khí nông nghiệp ở một số trường đại học ở vùng ĐBSCL bị mai một, đòi hỏi cơ chế, chính sách thiết thực. Ông cũng đưa ra đề xuất hình thành những trung tâm, chuyển giao thành tựu nghiên cứu, liên kết bốn nhà, hỗ trợ sản xuất – tiêu thụ tốt hơn.


Chất keo nào cho việc hợp tác?


TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, giám đốc trung tâm tư vấn chính sách thuộc viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn và nhiều chuyên gia khác thừa nhận việc kêu gọi hợp tác giữa nông dân với nhau luôn gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có một vài điểm sáng mà nổi bật là chuyện của PGS.TS Dương Văn Chín, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Định Thành: “Chất keo kết dính nông dân với doanh nghiệp là giống, dịch vụ nông nghiệp và cách quản trị kênh cung ứng vật tư và tiêu thụ hàng hoá”.


“Làm sao hàng hoá đi thì thông tin thị trường quay lại. Làm sao để mình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với vị thế cao hơn”, doanh nhân trẻ Huỳnh Quang Vinh, phó tổng giám đốc Antesco (An Giang) chia sẻ: “Định hướng công nghệ cao, cải tiến chuỗi cung ứng, cân bằng lợi ích giữa các khâu là nền tảng cho những bước tiến của Antesco”.


Ông Phạm Thanh Bình, tổng giám đốc công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi, thích thú khi kể lại: Người Việt ở Nga làm rau sạch, được nhà nước trả lại tiền mua máy móc. Và khi xuất bánh tráng qua một nước Đông Âu, người mua lại cứ hỏi “liệu họ có thể mua máy làm bánh tráng?”


Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, nhà tư vấn chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp phát biểu: Vấn đề hàng đầu của tái cơ cấu là thu nhập của người nông dân có tăng lên không? Hàm lượng khoa học kỹ thuật vào dây chuyền sản xuất thì chuỗi sản phẩm bền vững đến đâu? Chi phí cơ hội các ngành hàng? Từ đó tạo tổng hợp giá trị gia tăng cao nhất. Thời kỳ hội nhập, phải cạnh tranh tổng hợp, theo cụm ngành hàng. Vì sản phẩm cạnh tranh toàn thế giới, nên vai trò Nhà nước rất quan trọng, nhất là vai trò mở mang thị trường.


Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội DN. HVNCLC nói cuối hội thảo: “Điều kiện để giữ sự liên kết chặt chẽ, lâu dài là: chia sẻ lợi ích thật thoả đáng cho từng giai đoạn trong toàn chuỗi giá trị. Đó cũng là bí quyết thành công của doanh nghiệp, các tổ chức nông nghiệp”.


V. Anh – Đ.Toàn – N. Bích – T. Quỳnh






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ