Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Cách nào?

Cách nào?

Thay cây xanh trong danh mục cấm


Cách nào?


UBND TP.HCM vừa ban hành danh mục các loại cây cấm trồng trên đường phố. Theo danh mục này, có tới 28 loại cây cấm trồng. Tuy nhiên, sẽ chẳng có gì để bàn nếu như trong danh mục cấm này có rất nhiều loại nằm trong danh mục hạn chế và cấm trồng do chính TP.HCM ban hành từ năm 2007, cũng như của bộ Xây dựng từ nhiều năm trước.










Cây bàng là loại cây dễ gãy, nằm trong danh mục loại cây cấm trồng tại TP.HCM. Ảnh: giaothongvantai.com.vn



Dù bị cấm vẫn được trồng!


Theo công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TP.HCM, ngay từ năm 2005 đơn vị này đã tham mưu cho thành phố danh mục các loại cây nên trồng trên đường phố. Ngoài tiêu chí tạo cảnh quan đô thị như dáng đẹp, hoa đẹp, không độc hại, không có hệ rễ ăn ngang, cây phải dẻo dai, khó gãy đổ, cây còn phải phù hợp với thổ nhưỡng, môi trường của thành phố. Đặc biệt, phải thuộc loài bản địa. Năm 2007, TP.HCM đã ban hành danh mục các loại cây cấm và hạn chế trồng, thời điểm này bộ xây dựng cũng cấm trồng hàng loạt cây như bàng, bã đậu…


Tuy bị cấm, nhưng tại nhiều khu dân cư mới hình thành, các hộ dân, thậm chí là các chủ đầu tư vẫn vô tư trồng hai loại cây bàng và bã đậu.


Ngay trên nhiều tuyến đường thuộc quận Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Bình, Bình Tân… hiện nay đều được trồng bàng. Và không ít cây bàng chỉ độ một năm tuổi. Giải thích việc này, chính quyền các địa phương đều nói do cá nhân, tổ chức tự ý trồng chứ không phải địa phương trồng.


“Vậy tại sao khi chúng tôi trồng cây bàng, bã đậu trên vỉa hè (do Nhà nước quản lý) không thấy chính quyền nào xuống ngăn lại. Trong khi đó, người dân chỉ cần đổ đống cát trước cửa nhà là ngay lập tức xuất hiện người của cơ quan chức năng tới hạch sách này nọ. Nói trắng ra, việc để các cây cấm và hạn chế trồng vẫn tồn tại trên đường phố thuộc trách nhiệm các cơ quan hữu quan và địa phương là chính”, ông Nguyễn Xuân Duy, ngụ phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, nói.


Còn ông Nguyễn Trung Thành (cán bộ hưu trí, ngụ khu Bàu Cát, phường 14, quận Tân Bình) thì bình luận: Trong việc trồng cây xanh, nếu người dân có ý thức (đối với những người biết và vẫn trồng), các cơ quan chức năng cũng như địa phương đừng buông lỏng mảng này thì bây giờ thành phố sẽ hạn chế được tiền tỉ từ ngân sách để phục vụ cho việc đốn hạ và thay thế.


Trồng cây cấm là bị “xử” ngay!


Theo một cán bộ công ty Công viên cây xanh TP.HCM, bây giờ nếu nơi nào trồng các loại cây trong danh mục cấm trồng sẽ bị “xử” ngay.


Đối với các loại cây cấm trồng, trên thực tế, thành phố đã tiến hành thay thế từ vài ba năm qua bằng các loại cây khác. Việc ưu tiên thay thế dựa trên tuyến đường đó đã được quy hoạch tuyến hay chưa. Nếu đã quy hoạch rồi thì sẽ sớm thay thế. Ưu tiên hàng đầu vẫn là việc thay thế các cây xanh có nguy cơ, đổ ngã. Tiền để đốn hạ thay thế chủ yếu là lấy từ ngân sách thành phố.


Theo quy định, quy trình để cá nhân, đơn vị, tổ chức xin đốn hạ và thay thế cây xanh trên tuyến đường mình toạ lạc phụ thuộc vào tuyến đường đó do quận, huyện quản lý hay do các khu quản lý giao thông đô thị quản lý. Nếu thuộc quận, huyện quản lý, thì cá nhân, tổ chức phải làm thông báo với chính quyền địa phương. Từ đó, địa phương có văn bản gửi khu quản lý giao thông đô thị (hiện có bốn khu quản lý giao thông đô thị), rồi gửi sở Giao thông vận tải và công ty Công viên cây xanh. Còn nếu tuyến đường đó do khu quản lý giao thông đô thị chịu trách nhiệm quản lý thì bỏ qua bước đầu.


Cũng theo vị cán bộ công ty Công viên cây xanh TP.HCM thì: “Tình hình hiện tại, ngoài các trường hợp ưu tiên thì việc thay thế sẽ được đẩy mạnh vào đầu tháng 4.2014 – thời điểm đã hoàn thiện kế hoạch triển khai cũng như có kinh phí để thực hiện”.


Đào Lê









Danh sách các loại cây cấm trồng


Từ nay, TP.HCM cấm trồng các loại cây bã đậu, bàng, bồ kết, các loại cây ăn quả, cao su, cô ca cảnh, da (sung), dừa, điệp phèo heo, đủng đỉnh, gáo trắng, gáo tròn, gòn, keo lá tràm, keo lai, keo tai tượng, lọ nồi (đại phong tử), lòng mức, lòng mức lông, mã tiền, me keo, mò cua (sữa), sọ khỉ (xà cừ), thông thiên, trôm hôi, trứng cá, trúc đào và xirô.


Một số tuyến đường thành phố trước đây được trồng điệp phèo heo, phượng, do nhận thấy đây là loại cây không đảm bảo an toàn nên các đơn vị quản lý đã thay thế dần bằng các loại cây khác. Đơn cử như khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) đang dần thay thế điệp phèo heo bằng cây dầu, đường Lê Thánh Tôn (quận 1) thay thế phượng bằng me chua…


Đ.T







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ