Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Làm sao ngừa biến chứng do tiểu đường?

Làm sao ngừa biến chứng do tiểu đường?

LTS: Chuyên trang Khoẻ & Vui có nhận được một số thắc mắc của bạn đọc ở TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Cà Mau… về bệnh đái tháo đường (tiểu đường) có thể gây ra các biến chứng gì? Làm thế nào để phòng ngừa? Điều trị giảm glucose huyết thật tích cực có lợi cho người bệnh hay không?... Chúng tôi giới thiệu bài viết của PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, chủ tịch hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam, trả lời chung cho các thắc mắc này.


Sống khoa học


Làm sao ngừa biến chứng do tiểu đường?


SGTT.VN - Bệnh đái tháo đường là một rối loạn chuyển hoá mạn tính có đặc điểm chính là glucose huyết trong máu tăng cao, gây tổn thương nhiều tổ chức, cơ quan trong cơ thể.










Kiểm soát glucose huyết là kiểm soát biến chứng. Ảnh: Zen.F



Đáng lo nhất: biến chứng mạch máu


Biến chứng thay đổi theo cơ chế sinh bệnh, nhưng yếu tố luôn hiện diện là tình trạng tăng glucose huyết kéo dài trong máu. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân dù glucose huyết tăng cao lâu ngày, nhưng biến chứng rất ít. Một số bệnh nhân khác chỉ bị bệnh một thời gian ngắn nhưng lại nhiều biến chứng nặng, bởi ngoài tăng glucose huyết có thêm ảnh hưởng của di truyền, môi trường hoặc các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…


Một trong những tổn thương quan trọng nhất xảy ra ở hệ thống mạch máu, do đó biến chứng chính của bệnh đái tháo đường bao gồm biến chứng mạch máu lớn và biến chứng mạch máu nhỏ. Bệnh đái tháo đường cũng gây ra nhiều tổn thương ở các cơ quan khác như da, răng, miệng…


Biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh đái tháo đường bao gồm: biến chứng ở đáy mắt còn gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường; biến chứng ở thận còn gọi là bệnh thận đái tháo đường; biến chứng thần kinh còn gọi là bệnh thần kinh đái tháo đường; biến chứng mạch máu lớn của bệnh đái tháo đường có tổn thương chính là tình trạng xơ vữa động mạch với các hậu quả chính trên lâm sàng: đột quỵ (do thiếu máu não, xuất huyết não), hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua; bệnh cơ tim thiếu máu, nhồi máu cơ tim; bệnh mạch máu ngoại vi…


Giảm glucose huyết là giảm biến chứng


Nhiều nghiên cứu đã chứng minh giảm glucose huyết là giảm được biến chứng. Một nghiên cứu kéo dài về bệnh đái tháo đường tại vương quốc Anh trên khoảng 5.000 bệnh nhân đái tháo đường týp 2 cho thấy, sau thời gian theo dõi trung bình mười năm, nhóm giảm glucose huyết tích cực giảm các biến chứng mạch máu nhỏ khoảng 22% so với nhóm điều trị không tích cực. Một nghiên cứu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 1 cũng có kết quả tương tự: 1.441 bệnh nhân đái tháo đường týp 1 sau thời gian theo dõi trung bình sáu năm rưỡi, nhóm được điều trị giảm glucose huyết tích cực có biến chứng mạch máu nhỏ (ở thận, đáy mắt và thần kinh) ít hơn nhóm giảm glucose huyết kém tích cực. Cả hai nghiên cứu đều đưa đến kết luận quan trọng: ngay từ khi mới chẩn đoán phát hiện bệnh đái tháo đường, nếu điều trị giảm glucose huyết thật tốt, sẽ giảm được cả biến chứng mạch máu nhỏ và mạch máu lớn.


Một nghiên cứu khác ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 đã có albumin niệu – nghiên cứu Steno (được thực hiện tại trung tâm đái tháo đường Steno ở Đan Mạch) cho thấy nếu điều trị tích cực và toàn diện tất cả yếu tố nguy cơ tim mạch của bệnh đái tháo đường như tăng glucose huyết, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, ngưng hút thuốc cùng với ăn uống đúng và luyện tập thể lực, có thể giảm được biến chứng ở mắt, thận, thần kinh; hơn thế nữa sau 13 năm, nhóm được điều trị tích cực tất cả các yếu tố giảm 50% các biến cố tim mạch và 50% nguy cơ tử vong.


Từ các kết quả nghiên cứu, mục tiêu điều trị của bệnh đái tháo đường đã được xác định: glucose huyết HbA 1c < 7%; huyết áp <130/80mmHg; LDL cholesterol < 100mg/dL khi bệnh nhân chưa bị biến cố tim mạch và <70mg/dL ở bệnh nhân đái tháo đường đã bị biến cố tim mạch; ngưng hút thuốc lá.


Để đạt được các mục tiêu trên, bệnh nhân nên tuân thủ điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và lưu ý sử dụng thuốc luôn phải đi cùng chế độ ăn uống điều độ và luyện tập thể lực đều đặn.


PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê









Đào tạo quốc tế chuyên sâu đái tháo đường cho Việt Nam


Ngày 1.12, tại TP Melbourne (Úc), công ty Sanofi chính thức công bố chương trình hợp tác với hội Nội tiết và đái tháo đường Việt Nam (VADE) và hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) nhằm hỗ trợ kiểm soát hiệu quả hơn bệnh đái tháo đường ở Việt Nam. Theo đó, sẽ có hơn 1.500 bác sĩ Việt Nam trên toàn quốc được đào tạo và trang bị những kiến thức thực hành y khoa tiên tiến nhất từ ADA và VADE, để góp phần kiểm soát tốt vấn nạn sức khoẻ này ở Việt Nam. Tại lễ ký kết hợp tác, PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, chủ tịch VADE, cho biết hiện Việt Nam có hơn 5 triệu bệnh nhân đái tháo đường, nhưng chỉ hơn 1 triệu người được phát hiện và điều trị. Bà nói: “Tỷ lệ bệnh này đang có chiều hướng tăng nhanh, vì thế chúng ta cần hành động ngay để có thể kiểm soát bệnh đái tháo đường, đặc biệt ở giai đoạn sớm. Việc tăng nhận thức về bệnh và đào tạo bác sĩ Việt Nam là yếu tố quan trọng để thành công”.


Phan Sơn







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ