Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Sống khổ sở ở rốn triều cường

Sống khổ sở ở rốn triều cường

Sống khổ sở ở rốn triều cường


SGTT.VN - Quận 7 và huyện Nhà Bè trước đây đa số diện tích là đầm lầy, nay một số nơi đã được đô thị hoá nhanh chóng, nền đất trũng, ao hồ, kênh rạch được thay bằng nền bêtông. Trong tình hình thuỷ triều ngày càng dâng cao, thì đây lại chính là vùng đầu tiên chịu đựng cảnh ngập.










Người dân ở hẻm 1422 Huỳnh Tấn Phát, quận 7 sống chung với triều cường. Ảnh chụp chiều 5.12.2013. Ảnh: N. Vinh



Người dân từ trong các con hẻm nhỏ đến ngoài mặt lộ lớn đều mất ăn, mất ngủ, bỏ việc vì triều cường.


Hai năm nay, mùa triều cường cuối năm là nỗi ám ảnh của gia đình ông Văn Lục, nhà ở ngách 6/5, hẻm 155, đường Nguyễn Văn Quỳ, quận 7. Dăm lần bảy lượt hùn tiền cùng những hộ dân khác đắp hẻm, đặt cống nhưng tình hình là gia đình ông đã “đua” không kịp với mức triều ngày càng cao.


Bàn ghế đồ đạc nhà ông được kê lên cao, bao cát được mua về để sẵn phía trước, máy bơm mini được đặt sẵn ở cửa, vợ chồng ông đi đâu, làm gì cũng phải về nhà trước giờ dự báo triều dâng để tát nước. Nước từ lỗ cống, kẽ nứt dưới nền nhà phun lên được tát ra ngoài, nhưng lúc con hẻm phía trước đầy óc ách, nước lại tràn ngược vào bên trong nhà. Đến mức đó, thì ông bà nhìn nhau bất lực.


Mệt mỏi nhất vẫn là giờ triều cường sáng sớm, nhiều khi 3, 4 giờ, vợ chồng ông phải thay nhau hì hục tát mấy tiếng đồng hồ. Tháng trước, ông đi trực cơ quan, bà vừa bị tai nạn, một tay bó bột, một tay tát nước ngày hai lượt, mệt đến bỏ cơm. Có người trong xóm khuyên ông bà cứ kê đồ lên rồi bình thản ngủ, chờ nước xuống rồi dọn dẹp một lượt. Nhưng không dễ ngủ yên trên con nước ì oạp vỗ tường.


Cách nhà ông Lục chừng 500m, kho bãi của công ty thép Nhà Bè cứ tới đợt triều cường lại ngập lênh láng như một cái bể chứa nước lớn. Con đường lân cận như Đào Trí (đoạn gần công ty may Minh Diệu), công nhân tan ca chiều lội nước bì bõm. Hai con đường Phú Thuận và Gò Ô Môi gần như tê liệt trong đợt triều đầu tháng 11 và 12 năm nay. Phụ huynh đưa đón con đi học vào chiều 4 và 5.12, người vừa dắt xe tắt máy giữa dòng nước lạnh vừa làu bàu chửi, người co giò lướt sóng như chạy canô.


Nhưng nói đến ngập vì triều cường ở quận 7, không thể không nhắc đến con đường Huỳnh Tấn Phát. Trước đây, đoạn đường Nguyễn Thị Thập (bệnh viện quận 7 đến cầu vượt Phú Mỹ) mưa lớn hoặc triều cao, ngập đến ngang cổ xe máy, nhưng sau khi nâng nền đường lên cao hơn 1m, thì lượng nước dồn về góc Huỳnh Tấn Phát – Phú Thuận, Gò Ô Môi nặng nề hơn.


Những quán ăn, shop quần áo, quầy tạp hoá, nhà hàng cho đến chi nhánh ngân hàng ở đoạn đường này lúc nào cũng để sẵn một đống bao cát, bạt phía trước để ứng phó triều cường. Nhiều hàng quán chọn cách đóng cửa những hôm triều lớn vì có mở cửa cũng chẳng thể nào buôn bán được.


Gần UBND quận 7 cũ, hẻm 1422, KP1 Huỳnh Tấn Phát, cảnh ngập lại khủng khiếp hơn. “Cái tủ gỗ nhà tôi bưng lên bưng xuống bung lưng luôn. Máy quạt thì cũng chạm điện, cháy. Nhà tui giờ còn mỗi cái tủ móc đồ, phải đôn lên”. Chị Huỳnh Thị Lan, chủ nhà 1422/57 nói.


Trận triều cường vào sáng và chiều 5.12, nước ngập vào nhà chị hơn mười phân. Con hẻm trước nhà chị, nước lút bánh xe máy. “Cứ vầy không biết sao sống?!”, chị Lan ngao ngán.


Đến trưa 5.12, khi phóng viên quay lại hẻm 1422, nước vẫn đọng lai láng, mùi hôi thối váng vất. Điều đáng nói, nguyên khu vực tổ 6 và tổ 7 của KP1 đường Huỳnh Tấn Phát suốt 12 năm qua nằm trong diện quy hoạch treo của dự án Nam Sài Gòn. Dân sống ở đây rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, liên tục ứng phó với triều cường. Những cuộc họp tổ dân phố thường đầy gay gắt. Nhưng khi dân đưa ý kiến lên, đều được trả lời là chờ nhà đầu tư dự án. Con hẻm dài gần 300m nhưng không có cống thoát nước, mỗi khi triều lên hay mưa lớn, nước từ những ao sình, rạch nước hôi thối lai láng tràn vào nhà dân.


ghi chép: N. Vinh









Người Sài Gòn chèo ghe, bắt cá trong triều cường lịch sử


Một đoạn bờ bao ở rạch Cầu Lan, thuộc khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM bị vỡ tối 4.12 khiến hàng trăm hộ dân ngập nặng. Vụ vỡ bờ bao xảy ra khi nước triều đạt mức 1,68m – cao nhất 61 năm qua, nhiều nhà phải di chuyển bằng ghe, có người thả lưới bắt cá giữa phố. Đến sáng 5.12, khi triều cường được cho là đạt mức cao nhất trong vòng 61 năm, mức độ ngập càng nghiêm trọng hơn, nhiều tuyến đường nội bộ tại khu vực khu phố 8 vẫn còn ngập sâu trong nước. Theo một công nhân của đơn vị gia cố bờ bao, từ lúc vỡ bờ (tối 4.12), lực lượng gia cố bờ bao đã thi công suốt đêm để đóng cừ, đắp đất ngăn chặn triều cường. Tuy nhiên đến 3 giờ sáng 5.12, triều cường dâng lên tràn qua làm xói mòn bờ bao mới đắp, nước tràn ồ ạt vào khu dân cư. Ngoài ra, nhiều tuyến đường ở khu vực phường 16, quận 8 bị ngập sâu, có đoạn ngập đến yên xe máy khiến hàng trăm xe bị chết máy phải dẫn bộ. Khu vực bị ngập sâu nhất là đường số 41, 44, đường 76, và một đoạn trên đường An Dương Vương thuộc phường 16, quận 8.


T.H (Tuổi Trẻ, VnExpress)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ