Ma trận rau an toàn
SGTT.VN - Hàng loạt thông tin về các loại rau củ có chứa chất độc hại đang được bán trên thị trường khiến nhiều người tiêu dùng chấp nhận tốn thêm tiền để mua các loại nông sản sạch. Nhưng gần đây lại có tin đã xuất hiện cả rau giả danh an toàn!
Một trại trồng rau ở Đà Lạt. |
Một thị trường nhiều vấn đề
Một thực tế diễn ra nhiều năm nay, là để rau lớn nhanh, người trồng bón nhiều phân hoá học, thuốc trừ sâu ngoài danh mục cho phép. Theo tiết lộ của một số kỹ sư nông nghiệp, ở Việt Nam việc bón phân, xịt thuốc không làm tập trung mà manh mún, nay xịt thuốc mai thu hoạch! Do không được cách ly, thuốc xịt bay sang cả khu vực đang chuẩn bị thu hoạch. Một số nơi vẫn sử dụng thuốc trừ cỏ 2,4D dù đã bị cấm, bởi loại thuốc này giúp rau nhanh chóng xanh mơn mởn với liều cực nhỏ. Tuỳ theo loại phân hoá học, nồng độ của thuốc bảo vệ thực vật mà dư lượng hoá chất sẽ tích tụ dần. Với phân bón, tác nhân gây hại không nhiều, trừ trường hợp lượng nitrat còn tồn đọng trong rau củ do bón phân đạm hoá học quá nhiều hoặc quá gần ngày thu hoạch. Điều đáng lo ngại nhất vẫn là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng trong rau củ.
Chính vì vậy, nhu cầu mua rau sạch, rau hữu cơ để đảm bảo an toàn đã mở ra một thị trường tiềm năng. Chẳng hạn Dalat Gap đã mở ba cửa hàng, công ty Tân Đông mở hai cửa hàng, cửa hàng 3 Sạch, cửa hàng Organica vừa được khai trương trên cùng con đường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM)… với lượng khách ngày càng tăng, cung không đủ cầu. Tuy nhiên, các loại rau an toàn cũng là một thị trường có nhiều vấn đề do chất lượng rau từ nguồn cung cấp không ổn định. Mới đây, có thông tin một số công ty cung cấp rau an toàn trên Đà Lạt cho các hệ thống siêu thị nổi tiếng cũng bị phát hiện thu mua rau trôi nổi không được kiểm tra chất lượng. Chị Mai Thị Thuý Hằng, giám đốc trang mạng Xanhshop.com chuyên cung cấp rau và thực phẩm hữu cơ, cho biết: “Việc các loại rau giả danh rau an toàn làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng và lòng tin về các nhà cung cấp rau an toàn thực sự. Các nhà quản lý phải có biện pháp kiểm tra rau trên thị trường để đảm bảo rau an toàn đến được với người tiêu dùng”.
TS.BS Nguyễn Thanh Danh, khoa dinh dưỡng lâm sàng, trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên không thể xác định dư lượng hoá chất có trong rau củ quả cụ thể là chất gì nếu không xét nghiệm. Tuy nhiên, tác động của hoá chất trên rau củ quả có hai hướng: một là thâm nhiễm trên lá, trên vỏ hoặc thấm vào phần thịt của rau, củ, quả; hai là hoá chất được cây trồng hấp thu và chuyển hoá thành một chất khác, có thể không độc. |
Không phải cứ đắt tiền là an toàn
Rau an toàn là rau không được vượt quá dư lượng thuốc hoá học, số lượng vi sinh vật và ký sinh trùng, dư lượng kim loại nặng. Hiện nay tại các cửa hàng, rau an toàn được bán theo ba tiêu chuẩn khác nhau như Việt Gap, Lobal Gap và hữu cơ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và giới khoa học đều cho rằng sử dụng rau hữu cơ sản xuất đúng quy trình là tốt nhất cho người tiêu dùng. PGS.TS Phạm Tiến Dũng, giám đốc trung tâm Nông nghiệp hữu cơ đại học Nông nghiệp Hà Nội cho biết, rau trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ làm đúng quy trình sẽ có nhiều chất chống ôxy hoá, đậm đà hơn, dư lượng kim loại và các chất khác thấp, bên cạnh đó đất và môi trường không bị hoá chất làm hư hại. Tuy nhiên, thạc sĩ ngành hoá Nguyễn Thị Quỳnh Viên, đang trồng rau hữu cơ để nghiên cứu cho biết: “Rau trồng theo quy trình chặt chẽ chi phí tốn gấp đôi gấp ba rau thông thường, trong khi rau thu hoạch cây nhỏ trọng lượng chỉ bằng 1/3 rau thông thường nhưng giá cao hơn 20 – 30%. Tính ra trồng rau hữu cơ không có lợi bằng trồng rau thông thường”. Do vậy, nhiều loại rau hữu cơ, rau trồng theo tiêu chuẩn hiện có giá cao hơn các loại rau được trồng bình thường, vô tình tạo ra tâm lý muốn được an toàn phải tốn nhiều tiền hơn.
Về phía người nông dân, ông Nguyễn Văn Minh, tổ trưởng tổ hợp tác rau dưa Kiến An – Chợ Mới (An Giang) cho biết, tổ hợp của ông hiện cung cấp 45 loại rau củ quả. Các hộ nông dân đều được tập huấn về quy trình trồng rau an toàn. Mặc dù sử dụng phân bón hoá học nhưng do phun thuốc sinh học, tuân thủ quy trình cách ly 5 – 7 ngày trước khi thu hoạch, rửa nông sản bằng máy ozone nên vẫn đảm bảo an toàn. Đồng thời, một số tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng cho biết, từ trước họ đã cung cấp phân bón, giống, thuốc và cả kỹ sư nông nghiệp để hướng dẫn nông dân trồng theo đúng quy trình, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất để có rau an toàn, xuất khẩu cả nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, phó giám đốc chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, năm 2007 tại chợ phát hiện 115 mẫu có dư lượng hoá chất, đến tháng 11.2013 chỉ phát hiện hai mẫu, qua kiểm tra định tính và định lượng thì dư lượng hoá chất trong hai mẫu này vẫn ở mức cho phép. Ông Dũng cho biết thêm: “Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn thì giá thành cao, thị trường không chấp nhận. Các hộ nông dân cung cấp nông sản cho chợ đều phun thuốc theo yêu cầu, bón phân trong danh mục Nhà nước quy định, liều lượng… theo hướng dẫn của kỹ sư nên dù không theo tiêu chuẩn nào nhưng vẫn đảm bảo sản xuất ra nông sản an toàn, giá rẻ”.
Thu Thuỷ - Sa Đồng
Một số nơi bán rau củ quả an toàn tại TP.HCM Đây là những nơi có giấy chứng nhận kinh doanh rau an toàn của cơ quan quản lý: cửa hàng Vườn Xanh – 2A, Phạm Viết Chánh, Q.1; cửa hàng Vgfood – 176 Hai Bà Trưng, P. Đa Kao, Q.1; cửa hàng Organica – 30 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3; cửa hàng 3 Sạch – 246 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3; cửa hàng Dalat Gap Store – 86 An Dương Vương, P.9, Q.5; chợ Bến Thành, P. Bến Thành, Q.1; chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn – 14 Nguyễn Thị Sóc, xã Xuân Thới Đông. Cửa hàng online: Xanhshop.com. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét