Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Quyền trẻ em: bày tỏ thái độ là chưa đủ

Quyền trẻ em: bày tỏ thái độ là chưa đủ

Quyền trẻ em: bày tỏ thái độ là chưa đủ


SGTT.VN - Lúc 2 giờ 45 phút sáng 1.11.2013, bé gái Nguyễn Thị Thuỳ Dung chào đời tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, là công dân thứ 90 triệu của Việt Nam. Số phận đã chọn bé gái này đứng vào vị trí của một dấu mốc đẹp trên biểu đồ dân số của một đất nước.


Cũng khoảng 2 giờ 45 phút, sáng 28.11.2013, trong một phòng trọ tại thành phố Cần Thơ, một thai phụ 18 tuổi đã đẻ rơi một cháu gái ngay khi vừa bán dâm xong. Tám tiếng sau, hai mẹ con may mắn được phát hiện và đưa vào bệnh viện, thoát cơn nguy kịch. Người mẹ trẻ nói rằng, dù biết đứa con trong bụng đã lớn nhưng vẫn phải bán dâm để kiếm tiền mua cơm.










Trẻ em được xem là tương lai của xã hội. Nhưng, trước khi là tương lai, đó là đối tượng sống trong hiện tại, cần được nâng niu trong hiện tại bằng tình yêu thương, trách nhiệm và sự công minh chính trực của người lớn. Ảnh: Đào Ngọc Thạch



Đầu tháng 11, từ một mốc son trên biểu đồ dân số một đất nước, chúng ta bàn tán nhiều về chất lượng con người, về trách nhiệm, tình yêu thương vun đắp dành cho thế hệ tương lai. Cuối tháng 11, từ một bản tin thật đến trần trụi, chúng ta sốc, rồi chết lặng trước thân phận con người trong xã hội bị rẻ rúng ngay từ khi chưa kịp chào đời.


Rồi những chuyện rùng rợn cứ tiếp tục xảy ra trong cuộc sống chúng ta: thai phụ vì ghen tuông đã tự thọc dao vào bụng, xuyên thấu thai nhi, chồng say rượu, chém vào bụng người vợ đang mang thai, làm rơi cả con ra ngoài. Và mới đây nhất, là chuyện hai cô bảo mẫu đày đoạ trẻ em một cách tàn nhẫn.


Sốc, tột cùng phẫn nộ, tận cùng đau đớn. Và rồi thời gian sẽ đưa những cú sốc đó chìm vào quên lãng. Đó là tâm lý chung của cộng đồng, thể hiện trên báo chí, trên mạng xã hội – mọi thứ xôn xao bộc phát bộc tàn. Sự tàn khốc của sự kiện sau sẽ cao hơn so với sự kiện trước, đủ sức đè lên vùng nhớ ngắn hạn của con người trong thời đại bùng nổ truyền thông này.


Nhưng một lúc nào đó, thử xâu chuỗi tất cả những thông tin và phân tích bằng đầu óc duy lý, chúng ta không khỏi bàng hoàng. Sự tàn nhẫn đang diễn ra và bị lờ đi hoặc lãng quên trong cuộc sống này theo một lối mòn có phần dễ dãi ngay trong chính bản thân từng người. Tính thời sự nóng hổi của những thông tin báo động đốt bùng lên cảm xúc bất ngờ, phẫn nộ, phán xét, lên án... trước sự vô luân đã xảy ra. Nhưng mặt khác, nó cũng tố cáo một điều, hoá ra. Những sự thật vô luân nằm kia lại nằm chính trong đời sống này – bên cạnh chúng ta, một đời sống mà chúng ta tiếp nhận và tỏ bày thái độ gián tiếp bằng chữ nghĩa, hình ảnh, truyền thông chứ ít khi bằng hành vi can dự, chung phần trách nhiệm, một đời sống mà mỗi người tự biến mình thành kẻ vong thân, ngoài cuộc hơn là chung chia trách nhiệm để cải biến nó.


Đơn giản, nếu nguồn năng lượng phẫn nộ trước hành vi tàn nhẫn dành cho hai cô gái mà ta đã thấy mấy hôm nay trên báo chí, trên các trang mạng xã hội là thứ có thể chuyển hoá thành thái độ và hành vi sống chính trực thường ngày, thì cái xấu, cái man rợ như đã thấy làm sao có đất sống? Nếu ông chủ tịch phường, phòng giáo dục địa phương, kể cả bà hàng xóm dám sống trung thực và quyết liệt chống lại những hành vi xấu của hai bảo mẫu, thì tình trạng đoạ đày trẻ em sao có thể diễn ra một cách công khai ngày này qua tháng khác đến vậy. Nếu pháp luật được thi hành, tổ chức xã hội công minh và triệt để thì làm gì có chuyện để việc xảy ra rồi mới thông báo với dân rằng đó là cơ sở hoạt động không phép?


Điều phi lý là, chúng ta, kể cả những nhà chức trách và liên đới trách nhiệm một mặt vẫn đau đớn xúc động, lên án, nhưng vì nhiều lý do, vẫn có thể lờ đi trước nhiều chuyện bất cập đang diễn ra trong thực tế, ngay bên cạnh mình. Có sự bất nhất nào đó giữa cái nói và cái làm. Và càng bất ngờ hơn khi vào trang Facebook của hai cô gái bảo mẫu, người ta vẫn tìm thấy những dòng status, hình ảnh đầy yêu thương mà họ dành cho bọn trẻ.


Vậy thì cái lỗi chung của sự bất nhất, của thói sống giả tạo, chung cuộc là thuộc về người lớn. Người lớn đã không sống cho ra người lớn.









Tương quan xã hội giữa người lớn – trẻ em trong đời sống chúng ta đang bị trục trặc; là một tương quan thiếu sự sẻ chia, trách nhiệm, tình yêu thương và tinh thần dân chủ, cho dù “quyền trẻ em” là thứ đã được luật hoá, hay rộn ràng trong những cuộc vận động, phong trào rầm rộ.



Và trẻ em, đối tượng yếu ớt, chưa đủ năng lực để tự vệ, để cất tiếng nói trở thành nạn nhân của sự bất nhất đó. Trẻ em bị mượn để đánh bóng những món hàng, phải gánh chịu tấm bia đỡ những cơn cuồng nộ mà người lớn dành cho nhau, trở thành những thí nghiệm về thuốc men y tế cho đến chính sách giáo dục bất ổn, và dễ thấy nhất, là âm thầm hứng lấy những đau đớn về thể xác, tinh thần từ những phù thuỷ, hung thần đội lốt bảo mẫu, cha mẹ, người thân...

Điều đó cho thấy rằng, tương quan xã hội giữa người lớn – trẻ em trong đời sống chúng ta đang bị trục trặc; là một tương quan thiếu sự sẻ chia, trách nhiệm, tình yêu thương và tinh thần dân chủ, cho dù “quyền trẻ em” là thứ đã được luật hoá, hay rộn ràng trong những cuộc vận động, phong trào rầm rộ.


Trẻ em được xem là tương lai của xã hội. Nhưng, trước khi là tương lai, đó là đối tượng sống trong hiện tại, cần được nâng niu trong hiện tại bằng tình yêu thương, trách nhiệm và sự công minh chính trực của người lớn.


Các em nhỏ bị hành hung ở nhà trẻ Phương Anh chưa đọc được những dòng cảm xúc đầy tình yêu thương của hai cô bảo mẫu, cũng như không đọc hết những dòng status trên mạng xã hội thể hiện sự chia sẻ với các em thông qua những ngôn từ đầy hằn học, bạo lực dành cho hai bảo mẫu. Các em càng không đọc được những bình luận đầy căng thẳng trên báo mấy hôm nay, kể cả bài viết này.


Nhưng chúng cần “đọc” được đó là những dấu chỉ của sự quan tâm, tôn trọng, tình người ngay trong đời sống thường ngày, nơi mỗi người lớn sống bên cạnh chúng. Chúng cần “đọc” thấy một thế giới công bằng, nhân ái, không có cảnh mạnh hiếp yếu, giàu bắt nạt nghèo, kẻ có quyền uy dùng bạo lực để bảo vệ cho sự sai trái của mình trước người yếu thế.


Bức tranh xã hội chúng ta đang được phổ quát hoá qua cái cách một số người lớn đàn áp trẻ thơ.


Nguyễn Vĩnh Nguyên






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ