Nhật ký trên những đôi giày
Đến Lourve đừng vì nàng Lisa (!)
SGTT.VN - Cũng như rất nhiều du khách khi đến Pháp, lý do chính khiến tôi đến thăm bảo tàng Lourve chính là tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh nổi tiếng Mona Lisa của danh hoạ người Ý Leonardo Da Vinci.
Một không gian trưng bày tượng điêu khắc và tranh hội hoạ tại Lourve. |
Nơi “giam cầm” nàng Lisa
Bức tranh, có rất nhiều tên gọi theo tiếng Pháp và tiếng Ý (La Gioconda hay La Joconde) ngoài cái tên mà mọi người hay gọi là Mona Lisa, hiện được trưng bày bảo quản rất chặt chẽ, trong nhiệt độ khoảng 18 – 21°C. Trong giờ mở cửa bảo tàng, ngoài vài ba bảo vệ đứng quanh, bức tranh có khung gỗ và kính bao bọc còn được đặt vào tủ âm tường có lớp kính chống đạn che chắn phía ngoài. Quả không hổ danh là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất, được nhiều người ngắm nhìn nhất, có nhiều bài viết nhất, có nhiều công trình nghiên cứu nhất, cũng như có nhiều phiên bản biếm hoạ nhất… Được vẽ khoảng 500 năm trước, bức tranh hiện thuộc sở hữu Chính phủ Pháp. Dù không đề cập đến giá cả, nhưng bức tranh này đã từng được ước tính giá trị để mua bảo hiểm lên đến 100 triệu euro vài năm trước đây. Câu chuyện ngắm nàng Mona Lisa khiến du khách đến Lourve với niềm háo hức. Chính bảo tàng cũng dùng tác phẩm này để quảng cáo và hút khách đến thăm.
Bước vào gian phòng nơi trưng bày bức hoạ nổi tiếng vào giờ trưa, rất đông du khách đã vây quanh một rào chắn có khoảng cách với bức tường, nơi bức hoạ nàng Mona Lisa ngự trị, không dưới 5m. Không kể những tác phẩm được vẽ trực tiếp trên các trần nhà hoặc các bức tường của bảo tàng, Mona Lisa là tác phẩm duy nhất trong bảo tàng được tạo khoảng cách rất xa so với vị trí đứng nhìn của du khách.
Từ khoảng cách phía sau rào chắn, dưới ánh sáng vàng, bức tranh Mona Lisa thật với kích cỡ 77 x 53cm nằm dưới ít nhất hai lớp kính có thể so sánh như một ẩn số thách thức người xem. Hình ảnh của nàng Mona Lisa trở nên mờ mờ ảo ảo trong mắt người chiêm ngưỡng. Những ánh đèn flash loé lên liên tiếp khiến cho việc chiêm ngưỡng bức tranh nổi tiếng trở thành sự thất vọng tràn trề. Mặc dù chưa phải đeo bất cứ loại kính thuốc nào, tôi cũng không thấy được những điều thực sự muốn thấy như những hoạ tiết, hay thậm chí những vết rạn nứt của tranh sơn dầu xuất hiện sau thời gian dài của tác phẩm đầy tranh cãi. Thậm chí cái tên chính thức được ghi dưới chân tranh cũng không thể đọc rõ. Tôi đồng cảm khi nghe hai du khách nói với nhau một câu hài hước: “Họ giam cầm và canh gác nàng quá kỹ. Xem trên clip quảng cáo còn rõ hơn xem trực tiếp tại đây”.
Du khách đang “săm soi” trước nơi “giam cầm” nàng Mona Lisa. |
Cái giá của một tác phẩm nghệ thuật
Chị bạn bán tranh mà tôi quen biết từng giải thích, giá trị của một bức tranh nằm ở lịch sử và câu chuyện phía sau nó. Đó là lý do tại sao cùng một tác giả nhưng có bức tranh được bán với giá triệu đôla, nhưng cũng có nhiều bức treo mãi mà không thu hút được con mắt người xem.
Leonardo Da Vinci có nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như Bữa tiệc ly, Người Vitruvius, nhưng hầu như khi nhắc đến tên ông, đặc biệt là bước chân đến Lourve, người ta thường chỉ nhớ đến nàng Mona Lisa với nụ cười huyền bí. Điều gì đã khiến bức tranh này trở nên nổi tiếng như vậy, ngoài việc đây là tác phẩm của một doanh hoạ nổi tiếng thời Phục hưng. Mona Lisa đã được ghi nhận là bức hoạ được nhiều nhóm nghiên cứu nhất, cả về màu sắc, nội dung, bối cảnh, người mẫu cho đến ánh mắt và nụ cười đầy tranh cãi. Thêm vào đó, bức họa cũng từng bị đánh cắp, bị huỷ hoại, bị ném đá, bị đổ sơn màu lên trong suốt hành trình lưu lạc, cũng như trong thời gian trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới.
Năm 2003, bìa cuốn tiểu thuyết Mật mã Da Vinci của nhà văn Dan Brown là ánh mắt của nàng Mona Lisa, kèm hàng loạt câu chuyện bí ẩn giải mã từ các bức tranh của Da Vinci, có bối cảnh bắt đầu từ bảo tàng Lourve, càng khiến cho bất cứ ai yêu thích hội hoạ khi du lịch Paris cũng muốn đặt chân đến Lourve một lần và tận mắt chiêm ngưỡng Mona Lisa.
Theo thống kê, hàng năm có tới 6 triệu người đến ngắm Mona Lisa, mặc dù thời gian trung bình mỗi du khách dành cho nàng sau khi xếp hàng cả giờ ngoài cửa chỉ là 15 giây. Giá trị của một bức họa quả không chỉ đơn thuần là màu sắc hay nội dung được hoạ.
Cũng như tôi, không ít du khách tỏ ra tiếc nuối vì không thể đến gần để chiêm ngưỡng bức hoạ Mona Lisa rõ hơn. Cũng may, Lourve còn có rất nhiều thứ khác giữ chân du khách cả ngày. Ngoài việc bản thân bảo tàng Lourve là một di chỉ khảo cổ pháo đài, lâu đài Trung cổ – Phục hưng quan trọng của Paris, nơi này còn trưng bày nhiều bộ sưu tập của các nền văn minh, các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc nổi tiếng của nhiều thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng khác tại châu Âu qua các thời kỳ.
Với vé vào cổng 11 euro/người, Lourve là một điểm đến khá hữu ích cho giới nghiên cứu lẫn sinh viên chuyên ngành về kiến trúc, hội hoạ.
bài và ảnh: Kim Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét