Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Bộ tự “ghè chân mình” để dân nhờ

Bộ tự “ghè chân mình” để dân nhờ

Đầu tư công


Bộ tự “ghè chân mình” để dân nhờ


SGTT.VN - Tại phiên thảo luận về dự thảo luật Đầu tư công vừa qua, bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết: “Khi chúng tôi soạn thảo luật Đầu tư công, có cán bộ cấp vụ nói với tôi rằng đang lấy đá ghè chân mình. Nếu làm mọi thứ minh bạch thế này thì còn ai tìm đến bộ nữa”. Ông bộ trưởng nhấn mạnh “phải minh bạch vì người dân có quyền biết tiền thuế họ đóng được sử dụng như thế nào”.


“Đủ thứ chuyện” gây thiếu minh bạch


Một thực trạng phải thừa nhận hiện nay chính là cơ chế “tự đá bóng tự thổi còi” trong đầu tư công. Để đảm bảo tính minh bạch và tiết kiệm, Việt Nam đã và đang tiến hành đấu thầu rất nhiều dự án công. Tuy nhiên, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận xét trong những cuộc đấu thầu các công trình công hiện nay thì phần thắng đa phần thuộc về các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).


Nghĩa là, Nhà nước dùng tiền ngân sách để giao cho chính các DNNN thực hiện các dự án. “Thế nên chủ quan trong thực hiện dự án, lỏng lẻo trong giám sát công trình, và nhẹ tay trong xử lý vi phạm là điều dễ hiểu”, ông Minh nhấn mạnh. Hệ lụy là các dự án làm sai vẫn không bị xử lý, bị trì trệ hụt vốn thì được Nhà nước xem xét cấp thêm, tạo nên vòng lẩn quẩn trong hệ thống đầu tư công nước ta.










Để đảm bảo tính minh bạch và tiết kiệm, Việt Nam đã và đang tiến hành đấu thầu rất nhiều dự án công.



Bên cạnh ý kiến ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành (thuộc trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách – VEPR), đại học Kinh tế, đại học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ ra thêm: cơ chế giám sát hiện nay thiếu những bộ phận chuyên trách, khiến khả năng minh bạch hóa thông tin đầu tư còn khó.


Trên nguyên tắc, nhiệm vụ giám sát đầu tư công do Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp thực hiện. Tuy nhiên, bản thân những người giám sát này chưa có chuyên môn, lại không có các cơ quan trợ giúp hữu hiệu. Vì lẽ đó, việc thiếu thông tin chính xác do đơn vị thực hiện dự án “dìm thông tin, đổi thông tin, cung cấp thông tin chưa chính xác” là điều dễ xảy ra.


Điều quan trọng nhất mà hai chuyên gia Đinh Tuấn Minh và Nguyễn Đức Thành đề cập chính là yếu tố giám sát từ người dân – bộ phận đông đảo thụ hưởng các công trình, dự án đầu tư từ ngân sách. Theo hai chuyên gia này, hiện chưa có các quy định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong việc tiếp cận thông tin để có thể giám sát đối với hoạt động đầu tư công một cách hữu hiệu nhất. Thế nên, khi thiếu minh bạch thông tin xảy ra cũng không mấy người quan tâm, tìm hiểu, đòi lấy quyền lợi chính đáng.


Hệ quả đầu tư sai lệch


Việc thiếu minh bạch có thể dẫn đến hiện tượng đầu tư công một cách “sai lệch”. Về nguyên tắc, chuyên gia Nguyễn Xuân Tự chỉ ra rằng: “Đầu tư công là đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước vào các lĩnh vực phục vụ lợi ích chung, không nhằm mục đích kinh doanh”. Thế nhưng, chuyên gia Đinh Tuấn Minh lại cho biết “hiện nay vẫn còn tranh cãi rất nhiều về việc đầu tư vào các DNNN có phải là đầu tư công hay không”, vì thực tế nguồn lực vẫn chảy vào các DNNN không ít. Trong khi đó, nghiên cứu vừa qua về tính minh bạch của khu vực DNNN của ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy phần lớn thông tin của DNNN hiện nay là không rõ ràng, thiếu tính chính xác, mâu thuẫn, chậm được cập nhật. Tương tự nghiên cứu của WB, ông Minh nhấn mạnh “đa phần thông tin hiện nay từ cấp quản lý chỉ được lưu hành nội bộ, chỉ các cơ quan cấp nhà nước mới biết. Ngay cả các nhà nghiên cứu, báo chí muốn tìm thông tin chính xác cũng không phải dễ”.









Hiện chưa có các qui định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của cộng đồng trong việc tiếp cận thông tin để có thể giám sát đối với hoạt động đầu tư công một cách hữu hiệu nhất.



Việc thiếu minh bạch cũng dẫn đến tình trạng “chạy đua” đầu tư công núp dưới cái lốp “đầu tư phát triển kinh tế” của các địa phương. Từ năm 1997 trở lại đây, việc đầu tư công được phân cấp xuống địa phương, thiếu sự thẩm định và phê duyệt của các cơ quan trung ương. Phát biểu trên báo chí, tiến sĩ Võ Đại Lược đưa ra thực trạng tỉnh thành nào của Việt Nam chạy theo cái mác “kinh tế công nghiệp”. Cùng quan điểm với ông Lược, ông Minh ví von hiện nay Việt Nam tồn tại cơ chế “xin – cho”, khiến địa phương nào cũng cố gắng “vẽ” cho ra các dự án để xin ngân sách. Thế nên, địa phương nào cũng “tậu” về mình các khu cụm công nghiệp, bến cảng, sân bay, nhà máy ximăng… mà không cần đưa ra kế hoạch, hay bị giám sát, báo cáo, kiểm toán. Việc thiếu minh bạch trong khâu kiểm định giám sát, dễ dãi trong phân bổ vốn về địa phương khiến đầu tư chồng chéo theo bệnh thành tích, gây lãng phí “tiền của dân”.

Thể chế hoá để minh bạch


Trong thông điệp đầu năm mới 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Thể chế là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực”. Hiểu đơn giản, mọi thứ phải được đưa vào khuôn khổ, minh bạch, “pháp trị”.


Nhiệm vụ của luật Đầu tư công là phải chú trọng yếu tố minh bạch thông qua một cơ chế quy định quyền giám sát cho người dân cùng các cơ quan chuyên trách. Nghĩa là, người dân phải được biết Nhà nước dùng tiền của họ cho dự án gì, và dự án đó phải là do chính người dân chọn chứ không phải xuất phát từ ý chí của địa phương hay Trung ương. Nói một cách hình tượng, việc đầu tư công giống như “bán hàng tiêu dùng” cho người dân. Dân phải được “chọn món, chọn thời điểm, chọn số lượng và giám sát chất lượng”.


Bên cạnh đó, cần chuyển dần việc đầu tư công sang mô hình chi tiêu của chính phủ – mua sản phẩm công từ các DNNN lẫn tư nhân thông qua đấu thầu. Chuyên gia Đinh Tuấn Minh lưu ý, việc Chính phủ mua sản phẩm công phải thể hiện sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và DNNN. Nhưng tốt nhất là hạn chế mối liên hệ “khó khách quan” giữa chi tiêu chính phủ với các DNNN. Chính hoạt động thương mại mua – bán có hợp đồng đòi hỏi cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp phải minh bạch hoá các dự án.


Như vậy, dẫu luật Đầu tư công ra đời có “ghè chân” bộ KH&ĐT thì đó cũng là việc mà bộ phải làm để đảm bảo minh bạch, quyền lợi cho người dân. Có chăng là từ trước đến nay, Nhà nước đã “để chân lỏng” dẫn đến nhiều hệ luỵ về đầu tư công như đã thấy.


Thắng Nguyễn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ