Chuyện đêm nay
Đến lượt dân Mỹ cuồng bóng đá Anh
SGTT.VN - Lần đầu tiên trong lịch sử, giải bóng đá Ngoại hạng Anh (English Premier League – EPL) sẽ được lên sóng của NBC, sau khi hệ thống kênh truyền hình lớn nhất nước Mỹ giành được bản quyền của ba mùa giải từ 2013 – 2016 với giá 250 triệu USD.
EPL đã lấn sang tận đất Mỹ, nơi mà bóng rổ, bóng bầu dục... độc chiếm bấy lâu nay. |
Những ngày qua, logo của các đội bóng như Manchester United hay Chelsea, hình ảnh của các ngôi sao như Robin van Persie hay Gareth Bale xuất hiện liên tục trên các tấm biển quảng cáo lớn ngoài trời tại quảng trường Thời đại ở New York, hay ở hệ thống tàu điện ngầm nổi tiếng của đô thị sầm uất bậc nhất thế giới này. Đấy là điều chưa từng có trong lịch sử, bởi những vị trí đó trước đây vốn chỉ dành cho các ngôi sao bóng rổ, bóng bầu dục hay bóng chày mà thôi.
“Khán giả luôn muốn được xem những gì hay nhất. Mà bóng đá hiển nhiên là môn thể thao số một”, Jon Miller, chủ tịch NBC Sports Group, người quyết định mua bản quyền bóng đá Anh nói với tờ báo hàng đầu nước Mỹ là Los Angeles Times. Trước đây, NBC chỉ phát sóng các trận đấu thuộc giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, giải bóng bầu dục NFL và khúc côn cầu NHL.
Nhưng giờ, người Mỹ sẽ làm quen cả với khái niệm EPL, bất chấp việc giờ thi đấu của giải Ngoại hạng Anh khá bất lợi đối với người Mỹ. Chẳng hạn, trận khai mạc giữa Liverpool và Stoke City sẽ bắt đầu vào lúc 4 giờ 45 sáng 17.8 theo giờ Mỹ, cũng tương tự như việc khán giả Việt Nam phải dậy sớm xem bóng đá Nam Mỹ!
Rõ ràng, cho dù ở Mỹ thì thương hiệu của MLS (Major League Soccer – giải bóng đá nhà nghề Mỹ) vẫn chưa được nhiều người biết tới, song EPL thì khác. Bởi một khi người Mỹ, xưa nay vốn thờ ơ với bóng đá, bỏ tiền ra mua bản quyền của EPL, với trọn vẹn cả 380 trận trong một mùa giải, thì hẳn sức hấp dẫn của giải đấu này là rất lớn. Nó cũng lý giải tại sao năm nào các đội bóng Anh cũng tới Mỹ du đấu, như Chelsea và Everton trong mùa hè này. Đồng thời, hàng loạt nhà tài phiệt người Mỹ đã nhảy vào mua lại các đội bóng Anh, từ Manchester United, Liverpool cho tới Aston Villa. Người Mỹ bao giờ cũng “ngửi thấy mùi tiền” nhanh hơn hết thảy.
Thế nên, không ngạc nhiên khi một công ty Mỹ có tên IMG lại nhảy vào mua được bản quyền Premier League tại Việt Nam với một cái giá cắt cổ là 35 triệu USD. Khi ấy, đã từng có người nhận xét rằng phen này IMG hẳn sẽ lỗ to bởi các đài truyền hình ở Việt Nam sẽ “đoàn kết” quyết không để IMG ép giá, rồi những tuyên bố đao to búa lớn kiểu “không mua EPL bằng mọi giá, nếu cần thì không xem”!
Nhưng ở cái xứ mà người dân cuồng EPL như thế này thì giờ mới thấy IMG tinh đời đến mức nào. Rốt cục, sau bao cuộc họp bàn chán chê, công văn đánh đi, văn bản đánh lại, đến thời điểm sát ngày khai mạc EPL, hầu như đài truyền hình nào cũng đều thông báo đã mua được bản quyền “để phục vụ đông đảo khán giả”.
Điều nực cười là ở chỗ chính các đơn vị này trước đó không lâu còn chỉ trích mạnh mẽ một đơn vị khác đã nhanh chân mua được miếng bánh ngon nhất. Còn đài nào không mua được thì giờ chỉ tự biết than thân trách phận, trách mình không mạnh vì gạo hay mù quáng tin vào lời hứa của những ông lớn. Chứ chẳng lẽ lại đi trách người hâm mộ quá cuồng Premier League đẩy các đài lao vào cảnh chiến đấu, bởi còn biết trách ai?
Nhật Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét