Vòng 21 V-League 2013
Còn thua giải phường
SGTT.VN - Hôm qua 25.8, V-League bước vào vòng đấu áp chót với “nghiêm lệnh”, không đội nào “có quyền” xuống hạng được VFF ban hành. Như vậy, lần đầu tiên từ ngày gắn hai chữ chuyên nghiệp vào giải đấu, khán giả đến sân chỉ để xem cho vui, cầu thủ ra sân chỉ để ra mồ hôi cho khoẻ.
Cầu thủ, người hâm mộ SLNA ăn mừng “trớt quớt” khi Sài Gòn Xuân Thành bỏ cuộc. Họ ngậm ngùi nhìn Hà Nội T&T lên ngôi không đỡ được. Ảnh: Quốc An |
Cho dù V-League vẫn chưa hạ màn nhưng với nhiều người, V-League đã chính thức khép lại. Bởi, VFF và VPF đã cùng nhau đi đến thống nhất, ở mùa giải năm nay, ngoài Sài Gòn Xuân Thành đã bỏ cuộc bị coi như rớt hạng, 11 đội bóng còn lại nghiễm nhiên trụ hạng thành công. VFF và VPF chấp nhận điều tiếng vì áp lực có thêm một đội bỏ cuộc là có thật, hiển hiện rõ khi Kiên Giang có lẽ chỉ chờ cái cớ để nghỉ chơi cho xong. Nếu thêm một đội bỏ cuộc nữa, khoan nói đến chuyện uy tín của V-League bị mất mát mà ngay trên thực tế, giải đấu sẽ bị xáo trộn rất nhiều bởi lại phải huỷ điểm, và chẳng lẽ bắt đội xếp thứ 10 xuống hạng?
Như vậy, Hà Nội T&T đã nắm chắc chức vô địch khi họ nhẹ nhàng thắng Đồng Tâm Long An với đội hình vừa thiếu, vừa yếu. Yếu về nhân sự khi các trụ cột lớn tuổi như Tuấn Phong, Việt Thắng, Thanh Giang... đều đã oải vì mục tiêu trụ hạng. Thiếu khát vọng bởi suy cho cùng, giờ thì cố mà thi đấu cũng chẳng biết để làm gì, có khi lại còn chấn thương thì khốn.
Nhưng, chí ít Hà Nội T&T cũng còn ra sân với tâm thế muốn thắng, khán giả chí ít còn có được một chút hưng phấn. Những trận đấu còn lại, người ta chẳng biết đến sân để xem gì. Bóng đá đỉnh cao? Chắc chắn là không phải rồi. Xem kịch? Cũng có thể.
Vì sao ư? Từ hồi giữa tuần trước, sau khi VFF và VPF thông báo không có đội nào xuống hạng, các cầu thủ đã “xả cảng” hết rồi. Mấy tháng trời ròng rã ăn ở tập trung, giờ chẳng còn mục tiêu thì họ ra sân thi đấu hết mình vì cái gì kia chứ. Những người làm công tác điều hành đã “ăn to nói lớn” khi nhắc đến hai chữ “đạo đức” rồi “danh dự”. Nhưng liệu cái “đạo đức”, cái “danh dự” đầy hư ảo kia có kéo lại được nỗi lo mà các cầu thủ canh cánh: Ra sân chơi tưng bừng rồi nếu chấn thương ai lo cho mình? Và khi mà nỗi nhớ con, nhớ gia đình và nhớ cả không khí ăn chơi vui vẻ vì không còn mục tiêu nào cứ quanh quẩn trong đầu, việc yêu cầu các cầu thủ chơi 100% sức là điều không tưởng.
Vậy nên, ngồi trên sân để xem bóng đá, không ít khán giả đã thốt lên là mình quá dại dột khi lặn lội đến sân để xem một trận đấu còn thua cả giải phường. Đơn giản thôi, ở giải phường các cầu thủ ra sân vì đam mê và vì khát vọng chiến thắng. Còn ở V-League, thứ ấy giờ đây đã là xa xỉ. Các đội bóng ra sân chỉ để làm cho xong nghĩa vụ, chờ V-League hạ màn. Thêm nữa, ở giải phường, các đội bóng luôn phải nể nang ban tổ chức. Lạng quạng là bị loại luôn, “cà chớn” là bị cấm thi đấu năm sau, hết cả sân chơi chứ đừng đùa. Còn ở V-League, giờ đội bóng nào cũng là “ông kẹ” của ban tổ chức với chiêu doạ “tui nghỉ chơi à”, ban tổ chức phải chạy vòng quanh tìm cách xoa dịu rồi năn nỉ.
Thẳng thắn nói với nhau, V-League mùa bóng 2013 coi như thất bại trong mắt người hâm mộ. Nhưng cũng nhờ vậy, người ta thấy rõ một điều VFF hơn bao giờ hết cần phải cải tổ triệt để bởi cách điều hành sai lầm và thiếu tính toán. VPF cũng phải tinh gọn lại bộ máy để làm việc hiệu quả hơn với tư cách là nơi điều hành giải đấu chứ không thể để tình trạng “năm cha ba mẹ” rồi cuối cùng không quyết được gì.
Chỉ có một điều chắc chắn, sẽ không tìm ra được người phải chịu trách nhiệm chính cho sự tan nát ở mùa giải năm nay bởi, cơ chế của ta vốn thế kia mà.
Thảo Du
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét