Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Tăng thời lời to, co lại gặp khó

Tăng thời lời to, co lại gặp khó

Tín dụng ngân hàng


Tăng thời lời to, co lại gặp khó


SGTT.VN - Kết quả kinh doanh năm 2013 của một số ngân hàng vừa công bố cho thấy, một số ngân hàng duy trì được lợi nhuận, phần lớn là nhờ tín dụng tăng trưởng cao. Các ngân hàng khác, chỉ số lợi nhuận không khả quan khi tín dụng bị co hẹp. Tuy nhiên, với cái nhìn dài hạn thì lợi nhuận trước mắt nhờ tăng tín dụng chưa hẳn đã tốt, nếu chất lượng tín dụng không tốt.











Thu nhập thuần giảm mạnh, dự phòng tăng cao


ACB và Eximbank là hai ngân hàng đầu tiên báo lỗ trong quý 4/2013, đều có chung tình trạng: thu nhập thuần từ lãi giảm tới phân nửa, trong khi dự phòng rủi ro tăng tới ba, bốn lần so với cùng kỳ.


Kết quả kinh doanh quý 4/2013 của hai ngân hàng thương mại cổ phần ACB và Eximbank vừa công bố đều ghi nhận khoản lỗ hợp nhất lần lượt 293 tỉ đồng và 222 tỉ đồng, do một số nguyên nhân khá tương đồng: thu nhập thuần từ lãi giảm mạnh, dự phòng rủi ro tăng vọt, nợ xấu tăng và âm trong mảng kinh doanh ngoại hối. Cụ thể, ngân hàng ACB, thu nhập lãi thuần trong quý 4/2013 chỉ đạt hơn 886 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 là hơn 1.567 tỉ đồng, giảm 43%; luỹ kế cả năm đạt lần lượt là hơn 4.386 tỉ đồng và 6.870 tỉ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB trong quý tăng lên hơn 137 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2012 chỉ hơn 56 tỉ đồng. Luỹ kế cả năm 2013, ACB đạt lợi sau thuế lần lượt 824 tỉ đồng, dù tăng 5% so với năm trước, song chỉ đạt 58% kế hoạch. Nợ xấu của ACB tăng từ 2,5% lên 3,03%, trong đó, nợ có khả năng mất vốn cao gần gấp đôi.


Tương tự, ngân hàng Eximbank, thu nhập thuần trong quý 4/2013 493 tỉ đồng, chỉ đạt hơn nửa so với mức 856 tỉ đồng cùng kỳ 2012; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên tới 120 tỉ đồng, gấp hơn ba lần so với cùng kỳ là 39 tỉ đồng. Quý cuối cùng của năm 2013, Eximbank thua lỗ tới hơn 229 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, tăng so với mức lỗ 182 tỉ đồng cùng kỳ. Tính chung cả năm, Eximbank chỉ thu về 658 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm gần 70% so với năm 2012 và đạt chưa đầy 30% kế hoạch đặt ra. Nợ xấu tăng từ 1,32% lên 1,98%, trong đó nợ xấu có khả năng mất vốn tăng 35%.


Mặc dù mới có chưa đầy mười ngân hàng thương mại công bố báo cáo tài chính năm 2013, song có thể nói, kết quả hoạt động của ACB và Eximbank đã phần nào thể hiện bức tranh chung của hệ thống ngân hàng năm qua: Tín dụng đầu ra khó khăn, lãi suất giảm mạnh khiến lợi nhuận thuần giảm mạnh; nợ xấu ở mức cao, một số tiếp tục tăng kéo theo chi phí dự phòng tăng cao khiến lợi nhuận hầu hết giảm mạnh, dù các đơn vị đều nỗ lực cắt giảm chi phí, thậm chí mạnh tay cắt giảm chi phí, như ACB, Eximbank...


Tín dụng: lượng cần, chất cũng cần


Một số ngân hàng vẫn duy trì được mức lợi nhuận tương đương năm trước, như Vietinbank, MB, thậm chí còn tăng ấn tượng như BIDV. Cụ thể, ngân hàng BIDV, năm 2013, lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt 4.046 tỉ đồng , tăng 57% so với năm 2012. Mặc dù năm qua, hệ thống ngân hàng đều chật vật tìm tín dụng đầu ra, song tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này vẫn lên tới 15%, huy động vốn tăng 12%. Tín dụng khá, mang lại cho ngân hàng khoản thu nhập thuần từ lãi lên tới hơn 14.000 tỉ đồng, tăng 53% so với năm 2012.


Một “ông lớn” khác, ngân hàng Vietinbank cũng mở rộng tín dụng khá thành công, với mức tăng trưởng 13%, huy động tăng 26%. Thu nhập thuần từ lãi của ngân hàng đạt 18.276 tỉ đồng, chỉ giảm nhẹ so với năm trước. Khác với hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro, Vietinbank còn giảm nhẹ khoản chi này, nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2013 của ngân hàng vẫn tăng 6% so với 2012. Sự lạc quan trong kết quả kinh doanh của Vietinbank còn thể hiện qua con số nợ xấu, giảm từ 1,47% xuống còn 1%.


Có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất tính đến thời điểm này là ngân hàng MB với mức tăng 18% (huy động của ngân hàng tăng 16%), và điều này góp phần quan trọng giúp MB có được khoản lợi nhuận sau thuế 2.278 tỉ đồng năm 2013, các khoản thu nhập khác cơ bản ít biến động. Một vài ngân hàng khác, đa phần doanh thu, lợi nhuận đều giảm, như Techcombank, lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ đạt 659 tỉ đồng, giảm 14% so với kết quả vốn đã thấp của năm trước. Cả năm 2013, ngân hàng này chỉ tăng trưởng tín dụng 3%, chỉ bằng chưa đầy một nửa so với tăng trưởng tín dụng 7,6%.


Theo một chuyên gia tài chính, năm 2013, ngân hàng giữ được lợi nhuận đã là một nỗ lực. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, lợi nhuận của mỗi ngân hàng phụ thuộc rất lớn vào chất lượng tín dụng, bởi một khoản vay hứa hẹn khoản lợi nhuận cao rất có thể “ăn” cả vào vốn nếu khách hàng không trả được nợ và ngân hàng không trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.


Thảo Nguyễn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ