Nông nghiệp gặp “thời”, phải có “thế”
SGTT.VN - Mới đầu năm Giáp Ngọ, làn sóng đầu tư vào ngành nông nghiệp của rất nhiều doanh nghiệp lớn, có cả doanh nghiệp nước ngoài đang làm nóng nhiều diễn đàn về xu hướng đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam 2014. Nguồn vốn, nhân lực, công nghệ “ngoại” đang đặt ra dấu hỏi về lợi ích và thách thức cho nền kinh tế vĩ mô.
Việc các “đại gia” trong và ngoài nước chọn nông nghiệp Việt Nam làm đối tượng đầu tư lớn, là cơ hội để nền nông nghiệp cơ giới hoá bằng các máy móc chất lượng cao. Ảnh: mard.gov.vn |
Chỉ là khởi đầu cho “xu hướng TPP”
Việc các “đại gia” trong nước và quốc tế chọn nông nghiệp Việt Nam làm đối tượng đầu tư lớn thật ra không phải là một hiện tượng mới hoặc lạ. Ở góc độ kinh tế học, khi thấy có lợi, ắt người đầu tư sẽ tìm cách nhảy vào cuộc chơi. Bên cạnh đó, nếu cái lợi đó gặp được thời cơ “chín muồi” thì nhà đầu tư sẽ đẩy mạnh hành động nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh về mặt thời gian. Việt Nam đang hội tụ cả hai yếu tố “lợi ích” và “thời cơ” ở ngành nông nghiệp trong mắt doanh nghiệp nước ngoài.
Lợi ích là bởi thế mạnh nông nghiệp, bao gồm khí hậu, đất đai thuận lợi và con người hay nguồn lao động dồi dào, ôn hoà, chịu khó. Điển hình như trong ngành lúa gạo, nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn giữ vai trò á quân, thậm chí lên ngôi quán quân về sản lượng xuất khẩu, được ví như “chén cơm châu Á”. Giai đoạn 2012 – 2013, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn về kinh tế và quy trình, chất lượng sản xuất nhưng gạo Việt Nam vẫn đến với mâm cơm của người dân thế giới với mức 6 – 7 triệu tấn mỗi năm.
Tuy nhiên, chất lượng, thương hiệu và giá cả vẫn là ba điểm yếu chưa khắc phục của gạo Việt. Ngành càphê, ngô (bắp) cũng gặp tình trạng tương tự khi “hồn Việt Nam, da quốc tế” do thiếu năng lực sản xuất. Đây cũng chính là “ngách” mà các doanh nghiệp nước ngoài, với lợi thế vốn và công nghệ cũng như quy trình sản xuất hiện đại, đang tập trung khai thác.
Vậy đâu là thời cơ? Chính là khi Việt Nam mở rộng cửa, tham gia mạnh vào nền kinh tế thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do (gọi tắt là FTA). Điển hình là “hiệp định thế kỷ” TPP (hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) do Mỹ đẩy mạnh trong vài năm gần đây; hoặc hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU hiện vẫn đang còn trên bàn đàm phán với nhiều hứa hẹn sớm thành công trong năm 2014. Khi Việt Nam mở cửa với sân chơi FTA, thuế quan và các rào cản thuế quan sẽ được hạ, lợi thế xuất khẩu nông sản sẽ tăng lên.
Đặc biệt, nhiều nước thiếu thế mạnh về nông nghiệp như Nhật Bản, ngay từ hai ba năm trước đã lục tục sang Việt Nam để khảo sát, đầu tư theo mô hình “thuê ngoài” (out-source) nhằm khoả lấp lỗ trống về an ninh lương thực của nước này khi TPP thành công. Như vậy, năm Giáp Ngọ chỉ là khởi đầu cho xu hướng đầu tư vào nông nghiệp khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều FTA.
Vui mừng nhưng cũng lo lắng
Giới quan sát cho rằng xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của doanh nghiệp ngoại sẽ mang lại không ít sự phấn khởi và niềm vui cho nông nghiệp Việt Nam. Phấn khởi vì các điểm yếu về chất lượng, thương hiệu, quy trình cung ứng nông sản của Việt Nam xưa nay vẫn bị than phiền, nay có dịp được khắc phục bằng công nghệ Nhật, Israel, Mỹ, Úc vốn rất hiện đại, hiệu quả.
Người dân còn vui khi nông sản của họ sẽ được “lăng-xê” thương hiệu với chất lượng cao, sẽ thu về cho họ nhiều tiền hơn, thoát khỏi cơn ác mộng về ngành nông nghiệp giá rẻ. Rõ ràng, những gì mà doanh nghiệp ngoại mang lại sẽ tạo ra “khoảnh khắc hội nhập”, đưa nông sản Việt đến gần hơn với nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng quốc tế, và mức sống của nông dân Việt cũng vì thế mà cao hơn đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui thì Việt Nam cũng đối mặt với nhiều nỗi lo khác. Còn nhớ, ông Vũ Thành Tự Anh, học giả chương trình Fulbright, từng nhận xét trong một công trình nghiên cứu của mình rằng trong bốn “bánh xe” thúc đẩy phát triển kinh tế, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, ngành nông nghiệp và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chỉ có bánh xe thứ tư là chạy tốt. Trước nay, ngành công nghiệp luôn bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh về xuất – nhập khẩu, và giờ thì ngành nông nghiệp cũng đứng trước rủi ro này.
Bên cạnh đó, trong sân chơi FTA, không đơn thuần là “gia nhập và ăn thuế 0%”. Nguyên tắc xuất xứ hàng hoá hiện đang khiến doanh nghiệp Việt Nam mắc kẹt trên bàn đàm phán với các nước khác. Ví dụ, ở ngành công nghiệp dệt may, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguyên liệu chế biến sản xuất (và chủ yếu nhập sợi vải từ Trung Quốc). Đại diện đàm phán của EU từng tuyên bố trước báo chí rằng EU không khắt khe, thậm chí tạo điều kiện cho hàng Việt vào EU, nhưng EU làm ăn với Việt Nam chứ không làm ăn với Trung Quốc. Xét theo quy định trong các hiệp định thương mại tự do thì hàng hoá không đảm bảo xuất xứ nguyên liệu sẽ không được hưởng thuế ưu đãi.
Mượn “quốc tế” để tự mạnh lên
Việt Nam cần tận dụng thời thế, tức sự du nhập của các giá trị chất xám từ quốc tế, và chủ động một cách tận tuỵ, thâm nhập sâu hơn vào nền sản xuất nông nghiệp quốc gia để giữ vai trò chủ đạo, hoặc ít nhất là không để mất cái ghế vốn là thế mạnh của mình. Phải thừa nhận là chúng ta không được đóng cửa nếu muốn phát triển, nhưng nếu ì ạch và chậm chạp thì nguyên tắc kinh tế thị trường sẽ không cho phép các doanh nghiệp nội tồn tại.
Muốn kinh doanh tốt ngành nông sản thì phải tự tổ chức vùng nguyên liệu, tổ chức nguồn lực sản xuất, tạo ra chuỗi sản xuất có ứng dụng công nghệ và quy trình hiện đại thông qua hợp tác quốc tế. Nếu chỉ “ăn xổi” theo kiểu chờ nông dân sản xuất, cho thương lái đến mua rồi chế biến, xuất khẩu thì chẳng mấy chốc phá sản.
Có tiềm năng và gặp thời là một chuyện, nhưng tận dụng tiềm năng và thời cơ để xây dựng “thế” mới là yếu tố quan trọng để nông nghiệp phát triển bền vững.
Thắng Nguyễn
Cần cơ chế khuyến khích nông nghiệp chất lượng cao Tháng 12.2013, Chính phủ ra nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mở ra cơ hội cho nền nông nghiệp Việt Nam thu hút vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài (theo hình thức liên doanh). Báo cáo tổng kết của ngành nông nghiệp vào phát triển nông thôn năm 2013 cho biết, đồng bằng sông Cửu Long là nơi thu hút FDI lớn, lên đến gần 5.000 tỉ đồng. Các địa phương khác trong cả nước có vốn đầu tư nước ngoài lớn là nơi có thế mạnh về nguyên liệu, nhân lực, ít rủi ro khí hậu, như Bình Dương, Đồng Nai. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp còn khiêm tốn, và chủ yếu từ các đối tác châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc… Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang được chú trọng. Chính sách hỗ trợ, ưu đãi; chính sách hỗ trợ vốn tín dụng; chính sách về đất đai; chính sách hỗ trợ nhà đầu tư FDI phát triển vùng nguyên liệu; chính sách phát triển nguồn nhân lực… sẽ là những yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đối với nông nghiệp Việt Nam. Ngọc Linh (tổng hợp) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét