Luật Nông trại 2014 của Mỹ:
Cơ hội tái cấu trúc ngành cá tra
SGTT.VN - Ngay đầu tháng 2.2014, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và nông dân nuôi cá tra nhận thông tin mới: Quốc hội Mỹ vừa thông qua luật Nông trại 2014, trong đó có điều khoản được xem là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Nông dân mong nhà nước hãy nhanh chóng hỗ trợ thực hiện những vùng nuôi đạt chuẩn. Ảnh: C.N |
Phải chờ khoảng hai tháng nữa mới biết chính xác bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra những quy định cụ thể nào để thực thi luật. Các doanh nghiệp dự đoán bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ yêu cầu các vùng nuôi của Việt Nam phải nâng cấp để đáp ứng những tiêu chuẩn giống như tiêu chuẩn mà những người nuôi cá da trơn tại Mỹ hiện nay đang áp dụng. Các doanh nghiệp, đại diện cơ quan nhà nước có những góc nhìn khác nhau: người cho là sẽ thêm khó khăn đối với xuất khẩu cá tra, cá basa; người bảo không có gì bất ngờ, vấn đề là tìm biện pháp đối phó với những áp đặt có thể xảy ra nếu bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra những chuẩn mực không tương thích, không phù hợp với những điều kiện của Việt Nam.
Với tư cách một nông dân nuôi cá, ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm hợp tác xã Thới An (quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ) lại đón nhận thông tin về luật Nông trại Mỹ liên quan đến ngành cá tra với thái độ mong chờ sự thay đổi trong quyết sách của Nhà nước đối với người nuôi cá. Ông nói diễn biến này là tất yếu, hơn ai hết, nông dân là người muốn ngành cá tra mau chóng đi vào con đường phát triển bền vững, chứ không muốn “mấy mươi năm nữa mới quy hoạch vùng nuôi cá cho nông dân Việt Nam theo kịp nông dân Mỹ”. Ông cho rằng nếu để thị trường cá tra dễ dãi như trong những năm qua thì ngành cá tra Việt Nam sẽ chẳng được gì. Bởi thế, nên xem đây là cơ hội lập lại kỷ cương mới cho ngành cá tra. Có thể thời gian này khi bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra những chuẩn mực không tương thích, không phù hợp với những điều kiện của Việt Nam, ngành cá tra sẽ có thêm một, hai năm khó khăn, nhưng nếu nhà nước, doanh nghiệp quyết tâm tái cấu trúc ngành cá tra thì sẽ có biện pháp tích cực hỗ trợ nông dân thay đổi.
Nếu nhìn thấu đáo, công bằng sẽ thấy sự trì trệ của ngành cá tra trong năm qua không hẳn do lỗi nông dân. Hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU đều đưa ra nhiều yêu cầu về tiêu chuẩn và môi trường ngày càng khắt khe, trong khi nhiều vùng nuôi cá tra bộc lộ những mâu thuẫn chưa được giải quyết.
Từ lâu, nông dân sản xuất ra hàng hoá nhưng không biết ngưỡng thị trường nằm ở đâu khi thu hoạch, hầu như không định được giá nông sản của mình, chỉ biết cố gắng sản xuất làm sao cho giá thấp nhất, nếu thị trường tốt thì lời nhiều, nếu thị trường bão hoà thì hoà vốn hoặc có lỗ thì không lỗ nhiều. Nông dân hiểu xu hướng tiêu dùng ngày nay chất lượng, an toàn vệ sinh là rất quan trọng, không đáp ứng được thì không thể đứng vào thị trường. Nông dân cũng lo những điều kiện nuôi mà bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ đưa ra, nhưng đã nhiều năm tự thân trong nước không làm được quy hoạch, không quyết tâm giúp nông dân nhanh chóng nâng tầm sản xuất tương thích với những điều kiện của các nước, vậy thì để người ta quy định cho mình làm theo.
Theo ông Hải, có lẽ đến năm 2015 mới thấy rõ ảnh hưởng của những quy định mà bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra, nhưng ngay bây giờ phải thấy con đường mình phải đi đến, phải cấu trúc lại ngành sản xuất cá tra. Các nước dựng lên hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước của họ là chuyện bình thường. Nếu ta lập lại quy trình, chất lượng cá tốt hơn, bán cá được giá cao thì từ nông dân, doanh nghiệp đều hưởng. Nhiều nông dân mong muốn thay đổi, mặc dù có thể không thoả mãn được điều kiện thì phải ra khỏi cuộc chơi, nhưng nếu thành công thì khẳng định được giá trị thật cho cá tra Việt Nam ở thị trường thế giới. Vấn đề là tự mỗi nông dân sẽ khó thực thi quy chuẩn. Nhà nước hãy nhanh chóng vào cuộc, quy hoạch, vận động và hỗ trợ thực hiện để nông dân thấy được lợi ích của sản xuất tập thể trong việc xây dựng vùng nuôi đạt chuẩn.
Các Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét