Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Tết này không lo hoa rụng sớm

Tết này không lo hoa rụng sớm

Công nghệ vào đời


Tết này không lo hoa rụng sớm


SGTT.VN - Một giải pháp công nghệ mang lại niềm vui cho người trồng cũng như chơi hoa kiểng trong dịp tết vừa được giới thiệu: hợp chất chống rụng cánh hoa, kéo dài thời gian hoa nở theo ý muốn lên tới nửa tháng.










Hợp chất chống rụng cánh hoa giúp cho người trồng hoa tránh được tai ương của thời tiết hay những hư hao trong thời gian vận chuyển từ vườn tới thị trường tiêu thụ. Ảnh: Trần Việt Đức



Tác giả của sáng chế trên là PGS.TS Lê Văn Bé, trưởng bộ môn sinh lý sinh hoá, khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng – đại học Cần Thơ. Ông cho biết giải pháp ra đời từ những lần quan sát, cũng vào dịp cận tết tại các nhà vườn trồng cây kiểng: “Tôi thấy người dân nhặt lá mai, nhựa dính đầy tay, đóng váng đến nỗi không gỡ ra được. Cứ loay hoay cây này qua cây khác, mà có cả hàng trăm gốc mai như thế. Chợt nghĩ ra ý tưởng: một loại hợp chất sinh học làm mai rụng lá nhưng không ảnh hướng tới sinh trưởng của cây, của nụ, hoa. Thấy trên mạng cũng có nhiều chia sẻ nhưng không rõ ràng, nên mày mò nghiên cứu”. Thời điểm bắt tay nghiên cứu là năm 2011, sau hơn hai năm rưỡi thì hợp chất rụng lá hoa kiểng được bào chế thành công, áp dụng cho các loại hoa mai, mai chiếu thuỷ, linh sam. Ông Bé mô tả, đó là hợp chất gồm chất điều hoá sinh trưởng thực vật ethephon, lân, phụ gia. Cứ 20ml pha được 6 lít nước, phun lên cây thì 2 – 3 ngày sau lá cây sẽ tự rụng 60-70%. Số lá không rụng chỉ cần rung mạnh cây là rụng hết: “Với cách làm ấy có thể tiết kiệm được 70% công lao động. Thay vì phun thuốc trừ cỏ để làm rụng lá, đậm quá có thể làm chết cây, lại gây hại cho sức khoẻ con người thì cách làm này an toàn cho cả cây lẫn người”, ông Bé khẳng định.


Tuy nhiên, hoa kiểng cho dịp tết thì đa dạng hơn nhiều và quan trọng nhất là kích thích hoa nở theo ý muốn và giữ được hoa lâu ngày. Gần dân, ông thấu hiểu tình cảnh dù giàu kinh nghiệm trong việc ép cây nở đúng dịp tết, dụng công trong việc tỉa tót, uốn nắn tạo dáng nhưng một trận mưa trái mùa có thể vùi dập vườn mai, bông giấy khiến người nông dân trắng tay. Ông Bé cho biết: “Thời tiết ngày càng thất thường, nhiều khi một trận mưa cướp đi của người ta cả cơ nghiệp, vừa tiền của lẫn công sức cả năm quần quật. Giải pháp giúp hoa lâu tàn là điều họ mong mỏi”. Đó cũng là động lực để ông và các cộng sự bắt tay vào một nghiên cứu mới. Ông Bé phân tích: “Hoa mai là loại hoa không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người miền Nam. Tuy nhiên, thời gian nở của loại hoa này chỉ kéo dài 1 – 3 ngày phụ thuộc giống và điều kiện ngoại cảnh. Hoa giấy lâu tàn, nhưng khi chở đi bán rụng rất nhiều”. Để kéo dài tuổi thọ của hoa, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm và bước đầu cho ra sản phẩm có tác dụng giữ cánh hoa lâu tàn cho mai vàng, phong lan và hoa giấy: hợp chất chống rụng cánh hoa ĐHCT.










Sản phẩm thử nghiệm chống rụng cánh hoa.



Về thành phần, ông Bé cho biết hợp chất chống rụng cánh hoa ĐHCT gồm: triacontanol, acid boric, clorua calcium và phụ gia, được pha chế theo tỷ lệ cố định. Cứ 20ml pha với 2 lít nước, phun lên cây có thể kéo dài tuổi thọ của hoa mai, hoa giấy lên tới hai tuần (trong điều kiện cây ở ngoài nắng 10 ngày): “Nhiều người trồng hoa kể với tôi, trước đây họ phun một số hoá chất khác, cũng giúp hoa lâu tàn nhưng phải tưới nước thường xuyên nếu không cánh hoa bị cháy. Trong khi đó, hợp chất chúng tôi bào chế không làm cháy cánh hoa, không gây độc hại cho người”. Ông Bé cho biết, nông dân trồng hoa ở Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp) tỏ ra hồ hởi khi dùng sản phẩm này trong quá trình vận chuyển dài ngày từ vườn đến các thị trường TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…


Nhưng chính những người nông dân ấy cũng là đối tượng thử thách lòng kiên nhẫn của ông trong nghiên cứu. “Trong phòng thí nghiệm thì đã nghiên cứu thành công, nhưng khi đưa ra thị trường, muốn thử nghiệm thì họ cự. Nghĩ cũng đúng, cây mai có loại giá cả trăm triệu đồng, ai dám cho thử!” Vị giảng viên ra sức thuyết phục, kiểu “tui đảm bảo an toàn cho cây, bà con nếu chưa chịu thì cứ cho tui thử trên một cành, sẽ thấy hiệu quả ngay”. Khi người dân bắt đầu xiêu lòng, ông tiếp tục tìm đến phòng nông nghiệp các địa phương, mời hợp tác để tập huấn, giới thiệu giải pháp mới cho nông dân, để rồi sản phẩm được sử dụng rộng rãi như hiện nay.


Ông Bé cho biết: “Chỉ dừng lại ở sản phẩm thử nghiệm bởi đang chờ đăng ký lưu hành, nhưng ai yêu hoa kiểng cần tư vấn, tìm hiểu sản phẩm thì có thể liên hệ. Làm khoa học, giúp được nông dân cũng là giúp mình, bởi dù sao nhờ họ mà mình có động lực nghiên cứu”. Email của ông là: lvbe@ctu.edu.vn; điện thoại: 0918.933.710.


Thiên Tân






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ