Về hồ Sông Ray ăn hến
SGTT.VN - Mới sáng tinh mơ khung cảnh chung quanh bờ hồ Sông Ray đã nhộn như trẩy hội, người lớn trẻ nhỏ, đàn ông đàn bà, trai gái đã “nháo nhác” cả một vùng trời. Kẻ chuẩn bị vật dụng xuống hồ bắt hến, người bung lưới, kẻ mắc mồi câu…
Cào hến bên hồ sông Ray. |
Ngoài nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt như cá mè, cá trôi, cá trắm, cá rô, cá chạch, lươn, ếch…; đặc biệt nhất là con hến phát triển tự nhiên rất nhiều và nhanh kinh khủng. Món quà quý báu thiên nhiên ban tặng cũng là cơ hội tốt cho một số lao động thất nghiệp, ngày nào họ cũng vào đây bắt hến. Có những con to bằng ngón tay cái, mỗi ngày một người có thể “cào” được 40 – 50kg là chuyện thường. Cuối buổi chiều có thương lái đến thu mua tại chỗ đem đi các tỉnh thành lân cận, trung bình mỗi ngày thâu khoảng 4 – 5 tấn, giá mua sỉ từ 6.000 – 8.000 đồng/kg. Cũng từ đó, các chợ quê tôi ngày nào cũng có hến.
Trong y học cổ truyền, hến là nguồn thực phẩm chứa nhiều protein hoàn thiện, ít chất béo, nhiều vitamin, chất khoáng và sắt. Hến có tính mát, tác dụng hoạt tràng, thông khí, giải nhiệt, giải độc, mát gan. Quê tôi hến đã trở thành món ăn quen thuộc hàng ngày của nhiều gia đình, chỉ cần 20.000 đồng, gia đình đông con đã có một nồi canh ngon ngọt. Canh hến dễ ăn, ăn kèm với cà pháo muối xổi vừa chín tới cũng tuyệt vời; hoặc nấu với bầu bí, cà chua, khế, mướp… Riêng mẹ tôi chỉ nấu canh hến mà không thêm bất cứ thứ rau gì để thưởng thức trọn vẹn hương vị của con hến. Hến còn có thể chế biến nhiều món như hến xào sả ớt, xào hẹ, cháo hến, đúc bánh xèo, kho sả ớt, kho rau răm, nấu canh chua…
Ruột hến đã xào chuẩn bị để chế biến nhiều món. |
Hến còn sống, ngâm nước khoảng vài giờ cho hến nhả hết bùn, cát. Khi ngâm thấy con nào nổi lên mặt nước tức hến đã chết, vớt bỏ ngay. Chà thật sạch, xả nước nhiều lần, thả hến vào nồi nước sôi lớn lửa. Khi thấy hến nhả ra cho vào một muỗng càphê muối để ruột hến săn và dai, lấy đũa đảo, nhắc xuống gạn lấy nước trong dùng nấu canh, đãi vỏ lấy ruột hến để ráo nước.
Phi dầu ăn và củ hành tím, bỏ ruột hến vào xào, nêm bột nêm, tiêu bột, tép gừng đập giập, đảo đều, cho vào nước luộc hến, nêm lại vừa miệng, tắt bếp thêm hành ngò; không nấu sôi lại vì sẽ mất hương vị và con hến bã.
Những lúc việc đồng áng rảnh rỗi, thỉnh thoảng mấy bố con tôi rủ nhau vào hồ Sông Ray cào hến, vừa có dịp đi “dã ngoại” tắm hồ. Không phải dân “chuyên nghiệp” mà ba bốn cha con cả buổi sáng cũng cào được vài chục ký.
Tha hồ làm hến xào giá xúc bánh tráng thay cho bữa cơm chiều, ăn đến no nê mới thôi.
Nay vì việc học hành phải xa nhà, chỉ mong tới những ngày nghỉ lễ, về quê để được thưởng thức con hến sông quê.
bài và ảnh: Mỹ Nhân
Con sông Ray có chiều dài chừng 150km, bắt nguồn từ vùng núi Xuân Lộc (Ðồng Nai), chảy qua các huyện Long Ðất, Xuyên Mộc và Châu Đức (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) rồi lặng lờ đổ ra đại dương bằng cửa biển Lộc An. Hồ chứa nước Sông Ray nằm trong địa phận xã Sơn Bình (huyện Châu Đức) và các xã Hoà Bình, Bàu Lâm, Tân Lâm (huyện Xuyên mộc) có diện tích 2.532,16ha thuộc địa bàn hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai. Công trình hồ chứa nước Sông Ray hoàn tất được ví như một “bầu nước ngọt” khổng lồ, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu lớn cho hoa màu, cây trái của các huyện lân cận và thành phố Bà Rịa – Vũng Tàu. Và, hồ chứa nước đã tạo ra một cảnh quan môi trường sinh thái phục vụ phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến hải sản. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo cho rất nhiều người dân trong địa phương và các vùng lân cận. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét