Tuyết Mai - chủ nhân chuỗi resort Bình An Vũng Tàu, Đà Lạt
Tên của bình an
SGTT.VN - Chị không phải là một kiến trúc sư, nhưng những không gian sống mà chị tạo dựng lại tràn ngập vẻ đẹp của sự bình an. Một sự bình an rất yêu đời, đầy sắc màu thi vị, hoà hợp với thiên nhiên, hoa cỏ, đưa con người vào chốn thiên thai…
Con đường nhỏ một bên là hồ nước thẳm xanh, một bên là triền núi hoa dại nở tràn sắc vàng rực rỡ, dẫn ta đến nơi tận cùng của đất trời, nơi trời và nước giao nhau, rừng và nước hoà làm một, tạo thành một màu xanh tĩnh lặng đến khôn cùng. Nằm ẩn sâu trên một triền đồi, nơi tận cùng của hồ Tuyền Lâm, làng Bình An như một xứ sở khác đầy hoa thơm cỏ lạ, “đậu” rất nhẹ nhàng xuống vùng đất thần tiên này, để kể cho con người về một cuộc sống mà ở đó, tình với thiên nhiên, tình với hoang sơ chưa hề bị phai đi.
Hài hoà một cách độc đáo giữa kiến trúc phương Tây và kiến trúc Tây Nguyên, nhìn xa, làng Bình An với những mái nhà rông ẩn mình trong những rặng thông dường như không có gì khác biệt với một Tây Nguyên hoang dã. Nhưng khi lại gần, bạn sẽ ngẩn ngơ với từng khóm lá, cành hoa, với từng bậc đá rêu phong, dẫn ta vào những căn biệt thự xa hoa và tinh tế của phong cách kiến trúc Pháp lãng mạn và cổ điển. Từng căn biệt thự, từng chiếc ghế, màu tường, từng bức tranh đều được thiết kế riêng theo cảm hứng của mỗi loài hoa, cũng là tên riêng của mỗi biệt thự. Từ mỗi ô cửa sổ của tất cả mọi căn phòng, bạn đều có thể ngắm nhìn mặt hồ trong êm lặng thênh thang mở ra đến tận chân trời… cảm nhận như đang được trở về nhà, một nơi chốn ấm cúng, thân thuộc, an lạc.
Nếu ai đã từng thưởng thức kiến trúc của làng Bình An Vũng Tàu, Bình Quới, hẳn sẽ không ngạc nhiên khi chiêm ngưỡng Bình An nơi đây. Vẫn con người lãng mạn ấy, vẫn gu thẩm mỹ tinh tế ấy, nhưng mọi sự được đẩy đến tận cùng, để đưa đến một không gian kiến trúc đầy thăng hoa, đầy cảm xúc, để cái đẹp bừng nở. Gọi resort của mình là “làng”, chị Tuyết Mai đã thực sự làm một cuộc hành trình ngoạn mục để kiếm tìm và gầy dựng lại những nét đẹp văn hoá, kiến trúc xưa mà người Việt đã từng tự hào, để gạn đục khơi trong, đưa nó ra “khoe” với thế giới trong một vẻ đẹp mới. Chị nói: “Tôi rất yêu Đà Lạt, từ hồi còn nhỏ. Mỗi dịp hè gia đình cho lên Đà Lạt chơi, thấy cái gì cũng đẹp, từ rừng thông, hồ nước, đến những cánh đồng hoa dại… Xa quê hương một thời gian dài, khi trở lại, cảm giác như mất mát điều gì quý giá lắm. Những biệt thự Pháp cổ xưa xuống cấp như bị ngủ quên, hoa dại không còn nữa, kiến trúc mới đã phá hỏng Đà Lạt… Tôi nung nấu một ngày nào đó sẽ làm gì cho Đà Lạt. Tạo lập một cái làng đẹp, nhất là hoa, tôi đã gầy dựng cảnh quan một miền nam nước Pháp ngay ở nơi chốn tận cùng của hồ Tuyền Lâm, rồi mới dựng làng. Mười năm trước đây là một vùng đất hẻo lánh, không ai dám đầu tư chỗ xa xôi này. Nhưng tôi thích vẻ hoang sơ, giống như một tờ giấy trắng. Tôi muốn cho con người trở lại với rừng. Muốn vậy, cảm giác đầu tiên phải làm cho người ta thấy bình an. Bình an từ con đường đi vào, bình an từ ngọn cỏ, gốc cây, từ nụ cười chào đón, đến không khí êm nhẹ, phóng khoáng”.
Đây không chỉ là nơi nghỉ dưỡng, mà còn góp phần thay đổi cách nghĩ, cách sống của chúng ta cho gia đình mình, và cho con cái chúng ta, từ đó sẽ góp phần thay đổi lối sống, thẩm mỹ. |
Làm thế nào để mang cả một thiên nhiên miền nam nước Pháp về đây? Chị cười hạnh phúc: “Đà Lạt là vùng ôn đới, có sáu tháng nắng như châu Âu, nhưng không thể trồng hoa ôn đới hết, vì có sáu tháng mưa, hoa sẽ bị dập hết. Phải trồng cả loại hoa ôn đới và nhiệt đới để hoà nhập từ từ, sống sót. Sự kết hợp giữa Tây Âu và Tây Nguyên ông bà mình cũng đã làm cách đây cả trăm năm, mình chỉ làm sao chắt lọc những gì tinh tuý nhất thôi, để vừa gần gũi, ấm cúng, vừa đủ tiện nghi. Tôi chỉ là người đưa ra ý tưởng, còn cho những giải pháp là công việc của hai kiến trúc sư trẻ Dương Chí Dũng và Nguyễn Thị Liên Hương, hai kiến trúc sư trẻ mới ra trường, là thủ khoa của ngành nội và ngoại thất”.
Du khách đến Bình An được tận hưởng một vườn rau và hoa do chính tay chủ nhân ươm trồng. Ngồi trong vườn hoa mà nhâm nhi uống trà, ngắm hoa thì còn gì bằng. Trong vườn, chị trồng đủ các loại rau quả của Đà Lạt. Nương theo những lối nhỏ, ta có thể nhìn tận mắt cây càrốt lớn lên trong đất, chạm tay vào đoá atisô, và ngắm nhìn bộ sưu tập các loài hoa dại mọc tự nhiên trên các lối đi, trên vách đá… Một dự án tư nhân đầu tư kỳ công đến từng chi tiết, và… không hề rẻ tiền, đòi hỏi sự hy sinh lớn cả về thời gian, công sức, suy nghĩ.
Từng đích thân sang Pháp để học cho được kỹ thuật làm đồ gỗ tự nhiên, học hỏi không ngừng về kiến trúc phương Tây và năng khiếu hội hoạ bẩm sinh đã cho chị một cái nhìn bay bổng khi thiết kế nội thất. Chị tâm sự: “Từng sống ở châu Âu 42 năm, tôi thấy người nước ngoài rất quan tâm đến chất lượng sống trong mỗi mái nhà, hướng về những giá trị gia đình nhiều hơn người Việt Nam. Còn ở đây, có bậc cha mẹ nhiều khi không đủ thời gian để chăm lo, gần gũi con cái. Tôi muốn mang một không gian sống đậm chất gia đình Việt Nam cho người Việt Nam thụ hưởng, nơi mọi thành viên có thể tụ họp, sống trọn vẹn cho nhau, trồng vườn, xem phim, nghe nhạc... Đây không chỉ là nơi nghỉ dưỡng, mà còn góp phần thay đổi cách nghĩ, cách sống của chúng ta cho gia đình mình, và cho con cái chúng ta, từ đó sẽ góp phần thay đổi lối sống, thẩm mỹ. Với tôi, kinh doanh là để cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Hạnh phúc nhất là được làm một dự án theo ý mình, đem lại sự hấp dẫn mới mẻ cho Đà Lạt. Định mệnh của tôi gắn liền với định mệnh của Bình An, gắn liền với định mệnh của Đà Lạt, tôi tin những gì mình nghĩ đúng cuối cùng sẽ thành công”.
Bài và ảnh: kim yến
Ảnh trên và dưới Gọi resort của mình là “làng”, chủ nhân đã thực sự làm một cuộc hành trình ngoạn mục để kiếm tìm và gầy dựng lại những nét đẹp văn hoá, kiến trúc xưa mà người Việt đã từng tự hào, để gạn đục khơi trong, đưa nó ra “khoe” với thế giới trong một vẻ đẹp mới. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét