Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Chân cứng tim mềm

Chân cứng tim mềm

“Nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình:


Chân cứng tim mềm


SGTT.VN - Mắc bệnh tim, từng phẫu thuật tim nhưng trở thành chủ nhân của hàng loạt tấm huy chương từ các giải điền kinh trong và ngoài nước – điều này thật khó tin nhưng với “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình lại là sự thật.










Giá của tấm huy chương. Ảnh: Nhật Anh



Chiếc huy chương đến từ nhà hảo tâm


Sinh ra ở một miền quê nghèo khó (thôn Tuyến Diêm 2, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), từ nhỏ Bình đã quen với nắng gió, những con đường sỏi đá nên đôi chân trở nên rắn chắc, vững vàng. “Từ nhỏ em đã quen chạy chân trần. Nếu phải mang giày thì đó quả là cực hình. Bước chân ra đường là em thích chạy thật nhanh. Dần dần em thấy yêu thích môn điền kinh. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường em đã thấy mình đam mê môn điền kinh nhất”, Bình nhớ lại duyên cớ đưa cô đến với môn thể thao đầy khó nhọc, đó là năm 2004.


Chỉ sau một thời gian ngắn, Bình đã gặt hái thành công với những tấm huy chương ở các giải chạy trong nước. Những nỗ lực của Bình bắt đầu được đền đáp thì năm 2009, Bình thấy sức khoẻ có vấn đề: “Lúc đầu em thấy mệt, khó thở khi tập luyện hay làm việc nặng. Từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ em có biểu hiện như vậy. Lúc này em bắt đầu theo điền kinh chuyên nghiệp nên không thể chủ quan với sức khoẻ. Em đi khám và được bác sĩ thông báo bị hở lỗ thông liên nhĩ!”


Xuất thân trong gia đình nhà nông của vùng quê Quảng Ngãi nghèo khó, khi may mắn có được thành công trong sự nghiệp Bình vui lắm, vì vừa được thoả mãn đam mê, vừa có điều kiện giúp đỡ bố mẹ. Nên tin dữ là một cú sốc với cô. Bình chia sẻ: “Em thực sự hụt hẫng. Buồn hơn cả khi bác sĩ khuyên em nên dừng thi đấu chuyên nghiệp để quả tim không bị tổn thương thêm và tính mạng có thể bị đe doạ bất cứ lúc nào. Đầu óc em lúc đó quay cuồng và không định hình được tương lai mình rồi sẽ ra sao. Em đã khóc rất nhiều”.


Giữa lúc Bình chưa biết tính thế nào thì một tin vui đến với cô: một tổ chức từ thiện ở tỉnh Quảng Ngãi hay chuyện, đến tận nơi thuyết phục Bình phẫu thuật và khoản chi phí 50 triệu đồng sẽ được họ chu tất.


Ca phẫu thuật đã thành công. Niềm đam mê điền kinh lại trỗi dậy trong Bình. Để trả ơn nghĩa với quê hương, người thân, tấm lòng của những người đã giúp đỡ Bình vượt qua bệnh tật và lòng yêu mến của người hâm mộ, Bình tiếp tục thi đấu. Thật không uổng công: kết quả thi đấu của cô còn tốt hơn trước!


Lại được sống trong đam mê


Nếu trước khi phẫu thuật, Bình chỉ tham gia các giải trong nước thì sau này Bình gặt hái nhiều thành công ở các giải quốc tế. Năm 2011, tức chỉ một năm sau ca mổ, Bình ẵm huy chương đồng marathon tại giải vô địch châu Á – Thái Lan; ngay trong năm đó cô lại giành huy chương bạc và đồng tại SEA Games 26 tổ chức ở Indonesia… Tại SEA Games 27 vừa qua ở Myanmar, Bình vượt qua vạch đích trên sân vận động Wunna Theikdi để trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên vô địch cự ly marathon (42,195km) ở đấu trường khu vực.


Để có được thành công này, mỗi ngày Bình miệt mài với lộ trình hơn 60km. Cô có thói quen tập chạy bằng chân đất vì nếu mang giày sẽ lột da, phồng rát. Bởi thế mà mọi người gọi cô bằng cái tên thân mật “nữ hoàng chân đất”. Thân hình mảnh khảnh, nước da ngăm đen, nhìn Bình chẳng ai nghĩ cô có thể vượt qua những gian khó như thế trên đường đua và đường đời.


Cô sinh viên năm cuối đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng cho biết: “Em mong muốn sau khi hoàn thành khoá học đại học sẽ được trở thành huấn luyện viên, tiếp tục sống với điền kinh”.


Lệ Hà









ThS.BS Ngô Chí Hiếu, trưởng khoa hồi sức ngoại, bệnh viện tim Hà Nội cho biết: hở lỗ thông liên nhĩ theo đánh giá là thể loại bệnh nhẹ, tuy nhiên bệnh nhân cần phải thăm khám xem bệnh ở mức độ nào mới biết có thể làm việc gì cũng như hạn chế hoạt động nào. Nếu phát hiện sớm và chữa lành, người bệnh hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ