Thiên văn kỳ thú
Đón chờ những bữa tiệc sao trời
SGTT.VN - Nhiều hiện tượng thiên văn kỳ thú sẽ xảy ra trong năm 2014, mang lại cho người yêu thiên văn cơ hội thưởng lãm những bữa tiệc ánh sáng đầy màu sắc của bầu trời.
Nguyệt thực toàn phần năm 2011 bên cạnh tượng Đức Phật tại Kurungegala, Sri Lanka. Năm nay nguyệt thực toàn phần sẽ lại xuất hiện vào ngày 15.4. Ảnh: AP |
Đâu rồi nhật nguyệt?
Năm 2014, cư dân thế giới sẽ chào đón hai lần nguyệt thực. Lần nguyệt thực đầu tiên xảy ra vào ngày 15.4 là nguyệt thực toàn phần. Nguyệt thực lần này sẽ được quan sát trong một khu vực rộng lớn bao gồm châu Mỹ, một phần châu Âu và châu Phi, Úc, khu vực Thái Bình Dương và Viễn Đông châu Á. Rất tiếc là Việt Nam không quan sát được hiện tượng này. Lần nguyệt thực toàn phần thứ hai sẽ xảy ra vào ngày 8.10. Các khu vực như châu Mỹ, phần lớn châu Á (trong đó có Việt Nam), Thái Bình Dương, Úc đều quan sát được hiện tượng thú vị này.
Thêm một điều đáng tiếc nữa: cả hai lần nhật thực xảy ra trong năm 2014, đều không có cơ hội quan sát từ Việt Nam. Nhật thực đầu tiên của năm là nhật thực hình khuyên sẽ xảy ra vào ngày 29.4. Dải nhật thực kéo dài từ bờ biển Nam Phi, dọc theo châu Nam Cực và đến bờ biển phía Đông của nước Úc. Những ai có cơ hội đặt chân đến Nam Cực thời điểm này sẽ chứng kiến một cảnh tượng hùng vĩ: một chiếc nhẫn khổng lồ màu đỏ hiện ra ở sát đường chân trời trong khi xung quanh tràn ngập màu đỏ cam, bởi ánh sáng phản xạ trên các núi băng trắng muốt. Trong khi lần nhật thực đầu tiên của năm 2014 xảy ra ở Nam bán cầu, thì lần nhật thực thứ hai chỉ dành cho những cư dân sống ở một số khu vực Bắc bán cầu. Đây là nhật thực một phần xảy ra vào ngày 23.10 và sẽ quan sát được tại những vùng ở Bắc và Trung Mỹ. Viễn Đông nước Nga cũng có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này.
Rõ mặt anh em
Những người yêu thiên văn hãy chuẩn bị cho mình chiếc kính thiên văn để chiêm ngưỡng những người anh em của Trái đất trong gia đình hệ Mặt trời, mỗi khi những hành tinh này và Trái đất ở gần nhau nhất trong năm.
Vào ngày 8.4, sao Hoả sẽ tới vị trí trực đối với Mặt trời so với Trái đất. Ở gần Trái đất nhất trên quỹ đạo của mình, hành tinh đỏ sẽ cho phép người yêu thích bầu trời quan sát nó qua kính thiên văn (mắt thường vẫn có thể nhìn thấy sao Hoả, nhưng độ sáng của chúng không lớn hơn ngày thường rõ rệt). Ngày 10.5, cô nàng duyên dáng sao Thổ và Trái đất cũng ở gần nhau nhất trong năm; nếu có kính thiên văn, chúng ta có thể chiêm ngưỡng những vệ tinh sáng nhất của hành tinh này như Titan. Tiếp theo, hai hành tinh Hải Vương và Thiên Vương cũng sẽ ở khoảng cách gần nhất với Trái đất trong năm – sao Hải Vương vào ngày 29.8, sao Thiên Vương vào ngày 7.10. Tuy nhiên, để quan sát được hai hành tinh này thì phải trang bị những chiếc kính thiên văn tương đối lớn.
Sau khi niềm hy vọng nhìn thấy sao chổi thế kỷ ISON đã tan biến, chúng ta lại tìm được hứng khởi với những sao chổi đẹp mắt sẽ đến trong năm nay. Sẽ có rất nhiều sao chổi di chuyển tới vị trí gần nhất trong năm 2014, trong số đó có những sao chổi có thể quan sát được bằng ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ. Vì vậy, chúng ta hãy chờ đợi những sao chổi tương đối sáng sau đây khi chúng tiến đến vị trí gần Mặt trời nhất: tháng 3: 2012 K1 (PanSTARRS), tháng 5: 209P/LINEAR, tháng 9: 2013 A1 (Siding Spring), tháng 12: 5P/Finlay.
Mãn nhãn mưa sao
Những trận mưa sao băng đẹp mắt luôn được các “fan” thiên văn mong chờ. Không chỉ người Việt Nam mà các cư dân trên thế giới đều có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn thú vị này. Nguồn gốc của những trận mưa sao băng là do Trái đất của chúng ta đi vào đám bụi thường là tàn dư của sao chổi. Những hạt bụi nhỏ khi lao vào bầu khí quyển với vận tốc rất lớn (30 – 50km/s) tạo ra các sóng xung kích, nén các phần tử không khí phía trước làm cho nhiệt độ tăng cao đến hàng ngàn độ và bốc cháy tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60 – 100km. Người ta gọi những vệt sáng nhỏ ấy là sao băng.
Đến hẹn lại lên, gần một chục trận mưa sao băng rực rỡ nhất là những điểm nhấn nổi bật của bầu trời năm 2014. Có thể kể đến những trận mưa sao băng lớn: mưa sao băng Anh Tiên (Perseids) đạt cực đại vào đêm 12 rạng sáng 13.8 với số sao băng dự đoán là 60 vệt/giờ; mưa sao băng Tráng Sĩ (Orionids) đạt cực đại vào đêm 22 rạng sáng 23.10 với số sao băng dự đoán 20 vệt/giờ; mưa sao băng Song Tử (Geminids) đạt cực đại vào đêm 13 rạng sáng 14.12 với số sao băng dự đoán 120 vệt/giờ.
Nguyễn Đức Phường (đại học Quốc gia Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét