Thị trường phần mềm
Không cần “bánh”, chỉ cần thông tin
SGTT.VN - Đã bước sang tháng 2.2014 nhưng nhiều doanh nghiệp làm phần mềm vẫn chưa tìm ra những thông tin quan trọng và cơ bản về lĩnh vực này trong năm 2013 như: doanh số trong nước, doanh số xuất khẩu, chiến lược phát triển công nghiệp phần mềm, dự báo thị trường và cả những đơn hàng của năm 2014.
Giám đốc một doanh nghiệp phần mềm tại TP.HCM cho biết, ông đã hỏi nhiều đầu mối thông tin như hội Tin học TP.HCM, hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, kể cả trang thông tin của bộ Thông tin và truyền thông nhưng vẫn không thấy những thông tin này. “Trong khi đó, thông tin xuất khẩu về gạo, thuỷ sản, dầu thô, giày dép… lại được cập nhật hàng tuần, hàng tháng. Vậy, công nghiệp phần mềm không quan trọng bằng những lĩnh vực khác hay sao?”, vị giám đốc đặt câu hỏi. Cũng theo vị giám đốc này, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp phần mềm “đơn thương độc mã” tìm thị trường, khách hàng, kể cả thị trường nước ngoài.
Những doanh nghiệp có liên quan đến công nghệ thông tin không thể không nhớ đến thời điểm tháng 9.2013, ông Trần Nguyên Chung (vụ Công nghệ thông tin, bộ Thông tin và truyền thông) mới công bố sách trắng về công nghệ thông tin và viễn thông, trong đó chủ yếu là thông tin của năm 2012 như: doanh thu công nghiệp phần mềm chỉ đạt gần 1,21 tỉ USD, tăng trưởng 3%; Nhật Bản là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất của Việt Nam với 35% doanh thu và 40% lợi nhuận…! Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị sau khi báo cáo sách trắng, ông Chung cho biết: vì quy trình tập hợp thông tin từ các doanh nghiệp, tổng cục Thống kê có nhiều khó khăn nên thời điểm công bố thông tin chậm hơn quy định. Điều đó có nghĩa, muốn tìm hiểu những thông tin của năm 2013, phải chờ đến tháng 9 hoặc sớm nhất là vào tháng 7 khi diễn ra sự kiện triển lãm công nghệ thông tin và viễn thông thường niên.
Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Xuân Hoà, phó tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) nói: “Doanh nghiệp rất cần thông tin về ngành để giúp họ xác định chiến lược mục tiêu phát triển cho từng năm hoặc lâu hơn. Nhưng thực tế, để có được những thông tin đó không phải là chuyện dễ dàng vì thiếu sự hợp tác từ các doanh nghiệp cùng lĩnh vực”. Theo ông Hoà, năm 2010, Vinasa đã làm được báo cáo toàn cảnh về công nghiệp phần mềm Việt Nam nhưng chỉ làm được năm này, những năm sau đó không thể thực hiện được vì các doanh nghiệp không chịu cung cấp số liệu, nếu có cũng là những số liệu “không đáng tin cậy”. Trở lại câu chuyện thông tin doanh số xuất khẩu phần mềm của Việt Nam trong năm 2013, theo ông Hoà, chỉ có FPT cung cấp! Không chỉ cung cấp cho Vinasa, FPT còn công khai số liệu trên các phương tiện truyền thông. Tính đến thời điểm hiện nay, cũng chỉ có FPT là doanh nghiệp duy nhất của ngành phần mềm Việt Nam “chịu nói” doanh số xuất khẩu phần mềm năm 2013 là 2.154 tỉ đồng, tăng 24% so với 2012! Không quá khó để hiểu tại sao FPT lại công bố con số trên vì họ buộc phải minh bạch với các cổ đông những kết quả hoạt động trong năm qua do họ là mô hình đã được cổ phần.
Nhiều doanh nghiệp phần mềm đồng tình khi cho rằng, chính sách để phát triển công nghệ thông tin nói chung, phần mềm nói riêng đã được Nhà nước ban hành từ lâu nhưng đến nay chưa có những giải pháp cụ thể để chính sách đi vào cuộc sống, hoạt động của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hiền, giám đốc iNet Solutions (TP.HCM) bình luận: “Tôi đang ngờ rằng đã có nhiều giải pháp cho ngành công nghiệp còn non trẻ này nhưng những giải pháp trên lại rơi vào tay các tập đoàn lớn nên họ thao túng ngành nghề này. Còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi sẽ không bao giờ biết được những giải pháp đó. Chúng tôi tự thân vận động, tự tìm kiếm thị trường, khách hàng theo đúng nghĩa của kinh tế thị trường. Nói gì thì nói, với ngành phần mềm, vẫn cần bàn tay can thiệp của Nhà nước”. Cũng theo ông Hiền, các doanh nghiệp phần mềm hiện nay không cần nhà nước cho “bánh” mà chỉ cần minh bạch thông tin
để doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ biết được mình có đủ năng lực tham gia hay không.
Không có dữ liệu đầu vào, không thể xác định mục tiêu cho những năm sau. Cứ như tình trạng hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải tự bơi, tự “mò kim đáy bể”, tự làm và tự… “chết”. Theo ông Hiền, những bức xúc trên đã được nói nhiều nhưng... “năm nay cũng vậy”.
Gia Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét