Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Chiết tách dược chất từ lá sa kê, vỏ măng cụt

Chiết tách dược chất từ lá sa kê, vỏ măng cụt

Triển vọng trị cao huyết áp, tiểu đường


Chiết tách dược chất từ lá sa kê, vỏ măng cụt


SGTT.VN - Nhóm nghiên cứu trẻ thuộc bộ môn hoá hữu cơ, viện Kỹ thuật hoá học, đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng được quy trình công nghệ quy mô phòng thí nghiệm để chiết tách thành công một số hợp chất có hoạt tính sinh học chống oxy hoá, hạ glucose máu, hạ huyết áp từ lá sa kê và vỏ trái măng cụt.























Ảnh: Trịnh Tú

Ảnh: Lê Kiên



PGS.TS Trần Thu Hương, chủ nhiệm đề tài, cho biết việc sử dụng các công nghệ hoá sinh để chiết tách những hợp chất sinh học có khả năng chữa bệnh từ nguồn cây, hoa và quả tự nhiên là xu hướng phổ biến của các công ty dược lớn trên thế giới hiện nay. Nắm bắt được nhu cầu của ngành dược, các nhà khoa học đã bắt tay vào thực hiện đề tài “Nghiên cứu quy trình chiết tách phân đoạn có hoạt tính sinh học từ cây sa kê (Artocarpus altilis, Moraceae) và cây măng cụt (Garcinia mangostana Linn., Clussiaceae)” nhằm hướng tới một loại dược phẩm mới từ nguyên liệu sẵn có trong nước, hỗ trợ điều trị một số bệnh (tiểu đường, cao huyết áp…) đang có xu hướng tăng cao. Đề tài đã được bộ Khoa học và công nghệ hỗ trợ kinh phí dưới dạng một đề tài dành cho các nhà khoa học trẻ (đề tài khoa học công nghệ tiềm năng). Sau 12 tháng thực hiện, đề tài được nghiệm thu với kết quả nghiên cứu thành công quy trình chiết tách, phân lập một số hợp chất có hoạt tính sinh học: chống oxy hoá, hạ glucose máu… từ lá cây sa kê và vỏ trái măng cụt ở quy mô phòng thí nghiệm.


Quy trình công nghệ mà nhóm nghiên cứu xây dựng là sự tích hợp nhiều phương pháp hoá học – sinh học – vật lý – dược học hiện đại. Lá khô của cây sa kê đã được nhóm nghiên cứu phân lập ra chín hợp chất, trong đó có sáu hợp chất nhóm flavonoid và ba thuộc nhóm tecpenoid trong thiên nhiên. Trong số chín hợp chất thu được, có một hợp chất mới: artocarpaurone, một dẫn xuất flavonoit có khung auron lần đầu tiên được phân lập từ lá cây sa kê của Việt Nam. Các kết quả thử hoạt tính cho thấy dịch chiết cũng như các hợp chất phân lập được từ lá cây sa kê có tác dụng chống oxy hoá tốt, ức chế được enzyme α-glucosidase và α-amylase, các enzyme liên quan đến sự chuyển hoá glucose gây bệnh tiểu đường. Từ vỏ trái măng cụt, nhóm nghiên cứu cũng phân lập được bốn hợp chất có khung xanthone thiên nhiên là 8-deoxygartanin, gartanin, a-mangostin và 9-hydroxycabalaxanthone. Cả bốn hợp chất này có khả năng ức chế enzyme α-glucosidase và α-amylase tương đối mạnh, trong đó gartanin có hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase mạnh nhất. Các dịch chiết thu được từ hai nguồn nguyên liệu trên cũng đã được thử nghiệm trên giống chuột thuần chủng BALB/c (một loại chuột chuyên dùng để thử nghiệm khả năng miễn dịch). Kết quả cho thấy các dịch chiết này có tác dụng rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, cao huyết áp.


Một điểm nổi bật nữa của kết quả nghiên cứu là đã chế tạo thành công vật liệu γ nhôm oxít có kích thước lỗ xốp 6 – 10nm, chứa nhiều nhóm –OH trên bề mặt với số lượng lớn các tâm axít yếu và trung bình, có độ bền cơ cao, bền với các dung môi dùng trong quá trình chiết, tách và có khả năng tái sinh tốt, đáp ứng yêu cầu hấp phụ chọn lọc các hợp chất có hoạt tính sinh học. “Đây là vật liệu tốt để sử dụng trong quá trình phân lập lượng lớn các hợp chất thiên nhiên hướng tới quy trình công nghệ quy mô công nghiệp với giá thành thấp”, PGS Hương chia sẻ.


Theo PGS Hương, tuy bước đầu nghiên cứu đã đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên để có thể ứng dụng các kết quả nghiên cứu này vào thực tiễn, cần mở rộng việc nghiên cứu thành phần hoá học theo từng địa điểm và thời điểm thu thập mẫu.


“Bên cạnh mở rộng khảo sát hoạt tính hạ đường huyết, các hoạt tính sinh học khác của các loài cây trên cũng cần được đầu tư theo hướng nghiên cứu chuyên sâu hơn, nâng cấp công nghệ với quy mô lớn hơn để sớm đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế”, PGS Hương nói.


Thanh Tuấn – Lê Hương






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ