Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Sao tết vẫn chưa về?

Sao tết vẫn chưa về?

Sao tết vẫn chưa về?


SGTT.VN - Sài Gòn những ngày cuối năm thật lạ. Lạnh. Cái lạnh mỗi sáng sớm và khi mặt trời lặn đủ để người dân vùng đất này khoác thêm chiếc áo. Trong một quán càphê cóc ở Phú Nhuận, một vị khách đã đứng tuổi, thở dài: “Năm nay lạ quá! Đến giờ này mà vẫn chưa thấy mùi tết. Hôm nay bao nhiêu rồi?” Tôi giật mình, đúng là chỉ còn mấy ngày nữa là giao thừa nhưng vẫn chưa thấy cái không khí áp tết như mọi năm!










Một chiếc quần soọc giá 90.000 đồng cũng làm nhiều công nhân cân nhắc.



Vắng!


Khác mọi năm, dù đã bước sang “hăm” của tháng chạp, nhưng trên những con đường: Cộng Hoà, Trường Chinh (Tân Bình), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10)… chẳng có gì gọi là “mùi” tết! Từ 5 giờ chiều, đã có hàng xôn bày ra hè phố, từ quần áo, giày dép, cho đến dây nịt, mắt kính... với mức giá bèo… những cửa hàng mở toang cửa đón khách, nhạc ầm ĩ nhưng chẳng mấy người mua ghé qua. Lác đác có người dừng, ngồi trên xe, ngó ngó nghiêng nghiêng rồi rồ ga. Có người lựa chán chê, trả giá rồi đi. Khu đất trống gần cầu Tham Lương mọi năm nhộn nhịp là thế nhưng vào những ngày này cũng chỉ lèo tèo vài ba tấm bạt trải ra bán quần áo cũ, thú bông mà chẳng có ai buồn ghé mắt.


7 giờ tối. Từ ngã tư An Sương chạy về hướng An Lạc (Bình Chánh), qua Bà Điểm, khu công nghiệp Vĩnh Lộc cũng chẳng thấy bán mua gì. Không xa đâu, chỉ năm trước thôi, đây là những điểm dành cho công nhân ở các khu công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc mua sắm hàng tết, từ quần áo, bánh kẹo, túi xách… nhưng năm nay thưa thớt đến lạ. Ghé một sạp bán túi xách, bóp, bà chủ giọng rầu rầu: “Thiệt lạ, mấy năm trước bán được lắm, năm nay sao ế quá trời. Chắc họ chưa có lương, thưởng. Tui ráng chờ thêm vài ngày nữa rồi tính”.


Con đường Kha Vạn Cân, từ quốc lộ 1 chạy vào trung tâm quận Thủ Đức cũng là tụ điểm mua sắm quen thuộc của hàng chục ngàn công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất như Linh Trung, Sóng Thần… nhiều năm nay nhưng giờ đây đìu hiu đến khó hiểu. Đêm vẫn lặng im đón những chuyến xe chở “công” nối đuôi nhau. Đếm trên cả con đường này, chưa tới mười điểm bán quần Jeans và áo thun, thảy đều vắng bóng khách mua.


Qua cầu Gò Dưa hướng về ngã tư Bình Triệu là điểm hẹn quen thuộc của những người thích chơi mai Sài Gòn, Biên Hoà vài chục năm nay. Nhưng từ khi con đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi thi công, hàng rào che chắn dựng lên, không còn chỗ cho những chủ vựa mai ở Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước… có nơi chưng hàng. Cũng còn một vài lô đất trống chưng mai chậu nhưng vắng khách. Bất chợt nhớ những tết trước, tới 10 giờ đêm con đường vẫn sáng trưng ánh đèn, kẻ ít tiền mua mai cành, kẻ giàu đi xe hơi mua mai chậu, mai bon-sai…


Chút quà mọn


Bà Thuỷ đang làm tại một công ty may mặc trong khu công nghiệp Tân Bình, than thở: “Năm nay khó quá anh à. Làm thì nhiều nhưng chỉ đủ chi tiêu. Cứ hy vọng có được vài triệu đồng tiền thưởng để mua sắm cho gia đình ở quê nhưng cuối cùng chỉ được thưởng mấy trăm ngàn, chỉ đủ tiền về quê”. Biết là hàng dỏm nhưng với nhiều người nghèo, một đôi giày mới cũng là món quà tết có giá trị. Một thanh niên sà vào hàng giày vỉa hè trên đường Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận), lựa chán chê mới được một đôi giày vừa ý. Bỗng nghe một phụ nữ kế bên nói vừa đủ nghe: “Nó thách 250.000 đồng, anh trả 150.000 đồng là được rồi. Tui có kinh nghiệm mua loại giày vỉa hè”. Họ là những người nghèo. Đồ xài tết của họ chỉ đáng giá một vài trăm ngàn nhưng phải trả treo đến mệt nhoài cho vừa túi tiền.


Chút xôn xao của những người nghèo, gợi một chút vui cuối năm cho những kẻ tha hương là phiên chợ do khu chế xuất Tân Thuận bên quận 7 tổ chức cho công nhân sắm chút quà tết từ đồng lương, đồng tiền thưởng ít ỏi. Vì là phiên chợ dành cho công nhân nên món hàng có giá cao nhất ở đây không vượt quá con số 300.000 đồng. Nhóm hàng có giá dao động từ 20.000 – 150.000 đồng chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Một công nhân khá điển trai cứ thẫn thờ với một chiếc quần soọc kaki có giá 90.000 đồng. Anh trả giá, rồi bỏ xuống, rồi lại cầm lên… Một nhóm công nhân nữ mê mẩn chọn những đôi dép có giá từ 60.000 – 120.000 đồng, những chiếc xắc mang những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu mà giá chỉ có 100.000 đồng, những chiếc dây nịt, những bộ quần áo đầm, giày của trẻ con cũng chừng ấy tiền, được nhiều người trong nhóm ngó bộ ưng ý trả giá. “Tiết kiệm lắm mới dư được vài triệu đồng sắm tết. Mình đi làm cả năm mới về, không có gì cho ba mẹ và các em thì buồn lắm. Nhưng mà rẻ mới mua nhen, đắt nghỉ chơi liền”, cô công nhân liến thoắng nói nhưng ẩn bên trong là những nỗi buồn của thân phận nghèo. Cô bảo, quê ở Cần Thơ, phải “hăm sáu” mới được nghỉ tết.


Con đường Huỳnh Tấn Phát có vẻ nhộn nhịp. Cửa hàng quần áo Xuân Nguyên thuê thêm khu đất trống bên cạnh để bày hàng. Ước chừng có khoảng 20 khách hàng ghé mua quần áo có giá từ 65.000 – 165.000 đồng. Nhưng ghé vào đường Bùi Văn Ba, cũng có hàng trưng ra nhưng tuyệt nhiên không có một khách nào.


Bà Trinh, chủ một cửa hàng tạp hoá trên đường Huỳnh Tấn Phát không nhớ một ngày bán được bao nhiêu gói quà tết, chỉ biết, khách mua là công nhân. “Gói quà cao nhất là 280.000 đồng. Nhiều người chọn những gói quà có giá 220.000 đồng. Cũng có rượu, bánh, kẹo, càphê. Họ để nguyên gói, bỏ vào túi xốp chạy về quê cho có không khí tết. Tết năm nay bán ế thiệt”, bà Trinh nói vậy.


Dàn đèn trang trí ở đường Lê Lợi (quận 1), Trường Sơn (Tân Bình) đã tắt ngóm để tiết kiệm điện. Chắc sẽ sáng lại vào những ngày tết Nguyên đán, đoán vậy. Những khu phố nghèo ở các quận ngoại thành vẫn lặng lẽ như những ngày bình thường. Sài Gòn ơi, sao tết vẫn chưa về?


bài và ảnh: Minh Phúc






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ