Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Ra hè phố vẽ mặt người

Ra hè phố vẽ mặt người

Ra hè phố vẽ mặt người


SGTT.VN - Giữa Trung tâm Sài Gòn, bên khung cửa sáng đèn của hiệu quà lưu niệm góc Nguyễn Huệ – Lê Lợi, một phụ nữ nhỏ nhắn bày vài chiếc xếp, tập giấy vẽ, những hộp than, chì và giá vẽ đính dăm bức chân dung, cùng tấm bảng trên đó ghi: “Draw portrait: 10 – 15 minutes 10 – 15 USD ~ 100.000đ”.










“Tôi thấy hài lòng với nghề này vì mang lại chút niềm vui cho du khách và cư dân Sài Gòn”.



Lân la một lúc, tôi quyết định ngồi xuống làm khách vẽ để có dịp nghe câu chuyện đời của nữ hoạ sĩ vẽ chân dung đường phố Sài Gòn.


Một tai nạn lao động trước đây đã khiến một phần bàn tay phải bị xén đứt, chị Giao tỏ ra khó khăn khi một mình thu xếp mớ đồ nghề. Nhưng với bàn tay trái còn lại, người phụ nữ ấy uyển chuyển trong từng nét phác, tinh tế trong từng đường nhấn nhá trên những bức hoạ chân dung.


“Khách đến và đi. Trong khoảng thời gian chỉ từ 10 – 15 phút, thì việc nắm bắt cái thần thái trong tức khắc là việc khó, ngoài khả năng còn đòi hỏi kinh nghiệm và sự nhạy cảm trong nhìn người”, nữ hoạ sĩ vỉa hè nói.


Tám năm trong nghề thiết kế, in ấn thiệp, thời trang... thời gian và áp lực khiến cho đời sống luôn căng thẳng, chị Giao quyết định đi tìm thầy học vẽ chân dung hai năm trời. Và đó là quyết định tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời người phụ nữ tuổi 35.


Mang giá vẽ xuống đường phố những ngày đầu nhiều ngỡ ngàng, nhưng lúc đó, cùng với chị Giao, còn cả một nhóm học trò mới ra lò vẽ, háo hức trước một công việc mới. Và đời sống đường phố dần dần mê hoặc họ.


“Hai năm làm nghề vẽ chân dung vỉa hè, tôi cũng lang thang nhiều nơi, ngồi ở nhiều góc phố Sài Gòn. Những dịp lễ hội ở Đà Lạt, Hà Nội... tôi cũng mang giá đi. Làm nghề này được cái tự do, không bó buộc bởi ai cả. Những bạn bè tôi có người hiện đang về Đà Nẵng, Hội An để vẽ, đến tết lại tụ vào Sài Gòn vẽ phục vụ khách du lịch tham quan phố trung tâm, đường hoa. Anh hình dung được không, sau một bức vẽ chân dung, thấy khách gật gù hài lòng, mình để lại cho họ một kỷ niệm vui về Sài Gòn, người vẽ cảm thấy hạnh phúc lắm”, hoạ sĩ vừa lướt những nét than cho chi tiết bức chân dung vị khách nhiều chuyện, vừa chia sẻ.


Hỏi: “Có bao giờ khách tỏ ra không hài lòng?”, đáp: “Có chứ. Bên cạnh những khách dễ, vẽ chủ yếu để ghi lại một kỷ niệm thì có người tinh tế lắm, nhìn vào biết ngay. Nhiều lúc khách đông, mình làm vội, họ biết. Và trong trường hợp đó thì mình phải chỉnh sửa lại cho tốt”. Hỏi: “Có bức chân dung nào đặc biệt và khó quên?”, đáp: “Có chứ. Gần đây một ông giáo sư Việt kiều dẫn sinh viên đi thực tế, do hành trình xa, sức yếu, ông ngồi nghỉ chân ở bên giá vẽ của tôi và yêu cầu tôi vẽ chân dung. Bức chân dung được vẽ khi ông gục đầu mệt mỏi nhưng vẫn toát lên thần thái hạnh phúc khi được trở về quê nhà, giới thiệu cho học trò về Sài Gòn. Khi tôi vẽ xong, ông cầm bức chân dung của mình mà không giấu được xúc động”.











Không ít người còn mời chị Giao về nhà vẽ cho cả gia đình. Thời máy móc kỹ thuật số, nhưng nhiều gia đình sống ở những khu đô thị sang trọng hiện đại như Phú Mỹ Hưng sẵn sàng bỏ cả triệu đồng để thuê hoạ sĩ đến vẽ chân dung từng người trong gia đình hay cả nhà vẽ chung một bức kỷ niệm bằng nét than, chì rất mộc mạc. Với họ, đó là những hình ảnh quý đong đầy xúc cảm.


“Ngày cuối tuần, đông khách, tôi vẽ được năm, bảy bức. Nhưng cũng có hôm ngồi từ bảy đến mười một giờ đêm không có khách đến. Cũng có hôm mưa gió, phải ở nhà. Nhưng đông nhất là những ngày tết, ngồi vẽ hết lượt này tới lượt khác, không nghỉ tay. Nói chung, cái việc này cũng tuỳ duyên”. Chị nói tiếp: “Cái nghề này làm rồi thì hứng thú lắm, khó mà dứt được. Nhiều hôm bệnh, mệt mỏi trong người cũng vác giá ra đường ngồi”.


May mắn là vị hôn phu tương lai của chị cũng làm việc trong ngành điêu khắc, nên thông cảm với công việc “tối tối ra vỉa hè ngồi” của chị. Có nhiều hôm, anh từ quận 4 qua nhà chị ở Bình Tân đón ra phố Nguyễn Huệ hay bên hông thương xá Tax, khuya phụ dọn dẹp, đón chị về nhà.


“Cũng đủ sống. Có thời điểm đông khách thì dư được chút đỉnh để lo cho cha mẹ già đôi khi trở bệnh bất thường – chị Giao thổ lộ – Cũng không biết tương lai thế nào, nhưng tôi thấy hài lòng với nghề này vì mình mang lại chút kỷ niệm, niềm vui cho du khách và cư dân Sài Gòn”.


Hai năm với hàng trăm bức chân dung, hoạ sĩ nói, chị không thể nhớ từng mặt người, “nhưng có khi vì say nghề quá, trong giấc mơ, tôi thấy mình đang vẽ một bức chân dung tuyệt mỹ; khi thức dậy, bức chân dung đó biến mất”. Và trong công việc hàng đêm, khi ngồi trước những người khách chuyện trò, nắm bắt, thể hiện thần thái của họ, dường như tâm hồn hoạ sĩ chân dung vỉa hè đó có một cuộc theo đuổi, tìm kiếm cái tinh tế lý tưởng trong tả thực, như tìm kiếm dấu vết giấc mơ kia.


Bức chân dung của tôi được hoàn thành sau nửa tiếng. Nửa tiếng cho một câu chuyện dông dài nhưng nhẹ nhàng bên vỉa hè Sài Gòn. Tôi nhờ hoạ sĩ ký tên vào bức chân dung. Hoạ sĩ vẽ chân dung vỉa hè nói: “Ngại nhất là những lúc như vầy, phải ký hai chữ “hoạ sĩ” trước tên của mình”. Rồi bằng nét chì mảnh, chị ngại ngần đề vào góc tranh, vẫn bằng tay trái:


“Kỷ niệm Sài Gòn 29.11.2013


Lê Thuỵ Ngọc Giao”


bài và ảnh: nguyễn nguyên thảo






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ