Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

“Tôi trú ngụ trong bất hạnh”

“Tôi trú ngụ trong bất hạnh”

Nghệ sĩ Lê Thiết Cương:


“Tôi trú ngụ trong bất hạnh”


SGTT.VN - Nghệ sĩ Lê Thiết Cương được xem như một “gương mặt của năm” khi anh hoạt động không ngưng nghỉ trong suốt một năm qua. Không chỉ sáng tạo, anh còn “bày trò” cho các nghệ sĩ khác thực hiện công việc của mình nghiêm túc để có những tác phẩm tử tế.










Một tác phẩm của hoạ sĩ Lê Thiết Cương.



Thưa anh, 2013 dường như không phải là một năm “yên ổn” vì sự bùng vỡ của các ung nhọt về giá trị xã hội. Nhưng chính trong sự bất ổn đó, người nghệ sĩ vẫn phải tìm được cân bằng để khẳng định cái đẹp, cái thiện vẫn tồn tại. Bản thân anh cảm nhận điều đó ra sao?


Nếu mọi sự đều đã tốt đẹp, đã “yên ổn” đâu vào đó rồi thì hết chuyện, hết phim. Chợt nghĩ, ở “nước Chúa” và “nước Niết Bàn” có lẽ sẽ không có nghệ thuật.


Phải có sinh sự thì sự mới sinh cũng là lẽ thường. Trong cái bất ổn, đổ vỡ, bất an, trong cái thời khủng hoảng lòng tin như hiện nay thì mới có nhiều chuyện cho những người làm nghệ thuật và mới càng cần nghệ thuật. Vì nghệ thuật nào mà không chung một mục đích hướng thiện, hướng con người đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Tôi luôn nghĩ như vậy và làm nghệ thuật với tâm thế như vậy.


Những tác phẩm của anh, thoạt đầu là câu chuyện rất riêng của Lê Thiết Cương, nhưng ẩn bên trong là lớp lớp tra vấn của người nghệ sĩ về cuộc đời. Tôi thấy “màu” của anh có sự khác lạ, nhất là đối với những tác phẩm gốm mosaic mà anh vừa triển lãm?


Vẫn là công thức muôn thuở, cho dù có viết, có vẽ gì thì vẫn phải thông qua trải nghiệm, và cảm nhận cá nhân. Nhưng ở một tác giả lớn thì câu chuyện cá nhân của nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm phải động được đến câu chuyện chung của mọi người.


Âm dương là một, sinh tử suy đến cùng cũng là một, là như nhất, được mất luôn đắp đổi cho nhau. Nhìn rộng ra thì sẽ thấy cái âm, cái xấu... là động lực tạo ra cái dương, cái tốt. Hội hoạ thì có hình và màu, hình có thể học để vẽ đúng được, màu thì thiên về bản năng, không học được và màu không có sai đúng.


Ước mơ, ham muốn của mình và thực tế cuộc sống không bao giờ trùng khít. Chính ở cái khoảng chênh vênh đó sẽ sinh ra nghệ thuật. Nghệ thuật không “ăn” bơ sữa, ngọt ngào, khoẻ mạnh, hạnh phúc. Thức ăn của nghệ thuật là mất mát, đau khổ, bệnh tật. Tóm lại là bất hạnh. Cho nên tôi trú ngụ trong sự bất hạnh cũng có nghĩa là tôi trú ngụ trong nghệ thuật, và như vậy thì bất hạnh với tôi cũng là một dạng của hạnh phúc.


Tôi mong anh chia sẻ suy nghĩ về một nội lực của chính mình với những dự án, công việc mà anh làm bằng lòng bao dung, chia sẻ chứ không phải chỉ cho bản thân?


Tôi là nghệ sĩ, tôi chỉ biết làm nghệ thuật thôi, trong chữ nghệ thuật đã có chữ chia sẻ rồi. Tôi không chỉ vẽ tranh, tôi làm các dự án nghệ thuật cho các nghệ sĩ trẻ, viết phê bình cho các triển lãm, viết báo phản biện các vấn đề văn hoá.


Thịnh suy là chuyện thường tình, suy cũng hay ở chỗ nó làm người ta bình tâm hơn, chậm lại để nhìn mình rõ hơn, người hiểu đạo thì thời suy là lúc người ta phải biết dưỡng tâm, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn mình bằng đọc sách, bằng xem, bằng nghe... Tất cả những việc đó là cách tốt nhất để chuẩn bị cho thời thịnh sẽ đến.


Hồ Trần






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ