“Kết nối Cung – Cầu giữa nhà sản xuất nông đặc sản miền Tây và Đông Nam Bộ với hệ thống siêu thị”
Lời khuyên từ “người khổng lồ”
SGTT.VN - Cuộc kết nối cung – cầu giữa nhà sản xuất nông đặc sản miền Tây và Đông Nam bộ với hệ thống siêu thị hôm 26.12.2013 mở ra những góc nhìn mới, cũng là mở đường cho đặc sản – nông sản tiếp cận thị trường rộng hơn. 50 cơ sở, doanh nghiệp đặc sản và nhiều trung tâm khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương đã về Cần Thơ dự cuộc gặp do hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) báo Tuổi Trẻ, Co.opmart phối hợp tổ chức.
Các thành viên câu lạc bộ đặc sản Trà Vinh được xem là mẫu hợp tác chia sẻ khá tốt. |
Không dám ra gió vì…
“Nếu chúng ta không thử, cơ hội sẽ không tự đến. Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Co.opmart nhận xét và nói rõ thêm, “Nhiều loại đặc sản do “yếu” về công nghệ, không đáp ứng các nhu cầu chất lượng, nguồn hàng không ổn định khiến khó đưa hàng vào siêu thị”. Cũng theo thông tin mới của ông Nhân, mức tiêu dùng sản phẩm đóng hộp không tiện dụng có hiện tượng chựng lại, trong khi các loại đặc sản có bao bì đơn giản đang tăng trên 30% tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Trong khi đó, 90% người tiêu dùng tin rằng hàng tại siêu thị là hàng đã được chọn lựa – đạt chất lượng. 80% người tiêu dùng
sẵn sàng chi tiền mua hàng có chất lượng tốt hơn khẳng định đặc sản càng sớm vào siêu thị càng có lợi.
Giá đặc sản lúc cận tết không hề rẻ. Ông Nhân lại động viên tiếp: 1/3 nhà cung cấp đặc sản cho siêu thị là các cơ sở nhỏ, gia đình. Nhưng đó là hàng có tính khác biệt, được hội DN HVNCLC xây dựng ý thức trở thành nhà cung cấp chuyên nghiệp, nhiều người đã đổi mới công nghệ, thiết bị để làm ra hàng tốt hơn. Hội giúp những cơ hội liên kết để cùng làm hàng theo chuẩn chất của siêu thị. Hệ thống siêu thị sẽ hỗ trợ ba việc: trưng bày sản phẩm, quảng bá sản phẩm và tăng thời gian xét duyệt tới sáu tháng một lần, đồng thời giảm mức chiết khấu 50% trong lần đầu vào siêu thị.
Tác động kép
Ý muốn làm hàng cho siêu thị, dù chưa với tới, nhưng tại cuộc kết nối, một cơ sở làm chà bông ở An Giang tìm thấy cơ hội hợp tác với cơ sở Nhật Khánh làm ra cơm cháy chà bông ở Trà Vinh. Ông Hồ Quang Cua, từ Sóc Trăng cũng sẵn sàng cung cấp dòng gạo tím than phù hợp với quy trình làm cơm cháy chà bông nếu chủ cơ sở Nhật Khánh muốn tạo ra sản phẩm mới.
Anh Bửu, thương lái mua cam ở Ngã Sáu, Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, sau đó đã chuyển sang sản xuất: thuê đất trồng cam, thành công việc sử dụng phân bón hữu cơ của công ty TDE cho ra cam chất lượng cao và giá cả rất tốt; Bữu có mặt tại cuộc kết nối đã nhận lời đề xuất cùng công ty TDE hợp tác khôi phục cam Phong Điền (nổi tiếng từ nửa thế kỷ trước) của ông Võ Thành Giúp, giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại huyện Phong Điền.
“Muốn đưa hàng vào siêu thị, nguồn cung (đầu vào) phải ổn định và dài hơi, ông Nguyễn Phụng Hoàng, giám đốc công ty TNHH MTV Mắm Bà Giáo Khoẻ 55555, từng trải qua những thách thức khi nhận đặt hàng nhiều lên và tình trạng thiếu nguyên liệu, xuất hiện, chia sẻ: Thay vì chỉ giữ khư khư cho mình, công ty đã nghĩ ra cách mở rộng cho các cơ sở vệ tinh sản xuất theo tiêu chuẩn của công ty.
Hiện nay, các cơ sở đặc sản muốn tìm đến kênh phân phối hiện đại, điển hình như Co.opmart không phải dễ dàng, theo bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội DN HVNCLC, mọi cuộc chơi trong sản xuất và phân phối đều có luật của nó. Hội sẽ hỗ trợ để mọi việc trôi chảy hơn. Truyền thông quảng bá cho cuộc kinh doanh của đặc sản trong siêu thị, hỗ trợ về xây dựng thương hiệu và các kỹ năng kinh doanh, huấn luyện và chia sẻ thông tin là ba nội dung hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đặc sản để làm ăn với siêu thị.
“Vấn đề cốt lõi cần tập trung trong thời gian tới là: bản thân các nhà sản xuất đặc sản phải thành lập câu lạc bộ của mình để tương trợ nhau và hợp tác nhiều mặt, nhất là về kinh nghiệm kinh doanh và tìm đầu ra cho sản phẩm một cách hiệu quả và bền vững”, bà Hạnh khẳng định.
Ông Trần Quốc Tuấn, phó giám đốc sở Công thương tỉnh Trà Vinh, nhắc lại kinh nghiệm khi thành lập câu lạc bộ đặc sản Trà Vinh: Cũng có những trục trặc, nhưng cái chính là câu lạc bộ kịp chỉnh đốn, thắt chặt đoàn kết và cùng tìm thị trường. 60 – 70 % cơ sở bắt được cơ hội sau các cuộc nối kết và hai chuyện được xem là thành công: 1/Tự các cơ sở góp quỹ tương trợ không lời (10 triệu đồng/cơ sở) cấp vốn quay vòng giúp nhau; 2/Các cơ sở phân công nhau tham dự, cùng chia sẻ chi phí khi tìm thị trường, thường xuyên dự các phiên chợ hàng Việt về nông thôn do BSA tổ chức…
Hoàng Lan
Ông Trần Xuân Toàn, trưởng ban Kinh tế báo Tuổi Trẻ: thực ra, công cụ truyền thông có thể hỗ trợ tốt cho các đặc sản. Lâu nay chúng ta nói nhiều đến các tập đoàn lớn, có nhiều kinh phí phục vụ truyền thông, còn các cơ sở làng nghề không đủ sức cạnh tranh. Theo ông Toàn, thông tin các cơ sở đưa trên các phương tiện truyền thông chưa mạnh. Cơ sở nên chủ động cung cấp thông tin, làm sao cho mình nổi bật để tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt, thu hút được các cơ quan truyền thông. Ngọc Bích |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét