Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Oan cho đà điểu!

Oan cho đà điểu!










Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn:


Oan cho đà điểu!


Thưa ông, “hiệu ứng đà điểu” có thật không nơi đà điểu?


Dường như oan cho... đà điểu! Việc đà điểu “vùi đầu trong cát để tránh hiểm nguy” chỉ là một “huyền thoại” không có thật. Tôi chỉ vài lần được thấy đà điểu và không dám đe doạ nó, nên không biết chắc, nhưng tài liệu cho hay đà điểu không có răng, nên cần nuốt cát và sỏi vào bụng để nghiền thức ăn. Có lẽ nhìn thấy như thế nên con người... suy bụng ta ra bụng đà điểu chăng? Lý do các nhà khoa học đưa ra là: nếu có tập tính như thế thật, ắt đà điểu tuyệt chủng từ lâu!


Hiệu ứng này có lẽ chỉ có nơi con người.


Nhưng con người chưa... tuyệt chủng mà?


Vì con người... phức tạp hơn đà điểu! Con người có hai loại hành động. Loại thứ nhất là hành động “chiến lược” có mưu tính. “Vùi đầu vào cát” là chiến lược đơn giản nhất để tự vệ trước hiểm nguy: lờ đi và hy vọng hiểm nguy không còn nữa. Tiếc thay, khuất mắt mà vẫn không xong! Thường thì hiểm nguy không tự biến mất mà tình hình còn tồi tệ hơn. “Vùi đầu vào cát” là tự mình giảm thiểu những cơ may thành công nơi những lựa chọn khác: đương đầu hoặc bỏ chạy! Tuy nhiên, cũng nên có phần cảm thông với con người yếu đuối chúng ta: không phải lúc nào và ai ai cũng đứng vững trước chiến tranh cân não! Càng sợ hãi và tránh né, con người càng bộc lộ sự yếu đuối đáng thương của mình.


Cơ chế vận hành của hiệu ứng này ra sao?


Đây là một trong nhiều đối tượng nghiên cứu của tâm lý học. Thường thì hiệu ứng này diễn ra thành một chuỗi phản ứng: ta gặp nhiều vấn đề khó khăn với mình và với người khác; chúng làm ta lo lắng; ta lảng tránh khỏi nguồn gốc gây ra khó khăn; ta bám vào những nguỵ trang hấp dẫn để thể hiện cảm xúc nhưng không thực sự “làm việc” với những cảm xúc ấy; khởi động một làn sóng của những vấn đề giả mà ta không biết nguồn gốc và giải pháp; rồi ta lại làm việc với những vấn đề sai, khiến càng leo thang và lan sang các lĩnh vực khác.


Vấn đề xuất hiện trên bề mặt bị chuỗi che giấu này đẩy xuống bên dưới ý thức. Vấn đề bình thường trở thành vấn đề không thể giải quyết được. Nơi cá nhân, gây ra khủng hoảng và thất bại, nhưng nơi tập thể và giới lãnh đạo, hiệu ứng này sẽ trầm trọng hơn nhiều!


Khi cả tập thể và giới lãnh đạo tập thể ấy tìm mọi cách che giấu thất bại, rồi đổ lỗi cho người khác, cho nguyên nhân “khách quan”, họ lảng tránh việc học hỏi, thay đổi và lớn mạnh.


Có cách nào khắc phục hiệu ứng này?


May thay, con người còn có lối hành động khác! Nếu chỉ có lối hành động “chiến lược” tính toán, mưu mô, cuộc đời sẽ nghèo nàn và khô héo bao nhiêu! Lối khác đó là hành động tương giao, chân thành mở ngỏ với lòng mình và với người khác. Cần cắt đứt chuỗi hiệu ứng và biến những vấn đề hiểm nguy thành vô hại. Ta không biết chuỗi hiệu ứng ấy diễn ra lúc nào, nhưng ta thực sự biết vấn đề mình đang gặp phải, chỉ có điều không dám đối diện với nó thôi. Vì thế, điều cần thiết nơi cá nhân là tự vấn, nơi tập thể là giám sát. Tự vấn và giám sát cho phép ta bắt đầu phơi bày những gì chỉ mới cảm nhận. “Hiệu ứng đà điểu” (xin lỗi lại nói oan cho nó!) sâu kín lắm. Chính sự câm lặng thúc đẩy hiệu ứng này và làm cho điều ẩn kín không được nói ra. Sự nới lỏng dẫn tới tháo cởi vòng “kim cô” này bắt đầu với giây phút nói ra những gì chưa được nói! Hãy nhìn thẳng vào lòng mình và vào mắt nhau! Khó lắm, nhưng con người làm được mà! Chẳng lẽ thua... đà điểu? “Ban đầu có Ngôi Lời”, xin mạn phép hiểu câu kinh thiêng liêng này theo nghĩa đó!


Ngân Hà






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ