Hội nghị thường niên lần thứ 19 của hội Cột sống TP.HCM
Một ngành tự hào, một người khiêm cung
SGTT.VN - Gần 40 năm qua, ngành cột sống đã tiến một bước dài trong điều kiện khó khăn. Hội nghị thường niên lần thứ 19 của hội Cột sống TP.HCM vừa diễn ra ngày 21.12 chính là dịp nhìn lại sự trưởng thành của một thế hệ bác sĩ còn rất trẻ, đảm nhận thành công những ca phẫu thuật phức tạp ở các tuyến bệnh viện tỉnh, mang lại cho người nghèo ngày một nhiều cơ hội chữa bệnh.
PGS.TS.BS Võ Văn Thành (đeo kính) đang chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật cột sống cho các bác sĩ ở bệnh viện Trưng Vương, TP.HCM. |
Những thành quả y học đáng tự hào
Hội nghị đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm điều trị các bệnh lý tổn thương cột sống rất cụ thể của từng êkíp bác sĩ tuyến tỉnh, chứng tỏ kiến thức chuyên môn và năng lực chẩn đoán, điều trị của các bác sĩ chuyên khoa cột sống trong nước đã tăng lên rõ rệt. Nhiều phẫu thuật với kỹ thuật cao đã được thực hiện tại các khoa cột sống trong nước, đặc biệt bệnh viện đa khoa Khánh Hoà đã thực hiện thành công hàng ngàn ca mổ trong bốn năm qua.
Những phương pháp phẫu thuật mới của PGS.TS.BS Võ Văn Thành (chủ tịch hội Nghiên cứu cột sống cổ châu Á – Thái Bình Dương; chủ tịch hội Cột sống TP.HCM) được bạn bè trong và ngoài nước nể phục, đáng kể nhất là phương pháp phẫu thuật cột sống theo lối nằm ngang (năm 2004) đặt ốc chân cung, được đánh giá là đột phá riêng của Việt Nam. Phẫu thuật tạo hình bản sống theo phương pháp Võ Văn Thành cho bệnh lý tuỷ cổ mạn, phẫu thuật cắt trọn gói bướu nguyên sống vùng xương thiêng, phẫu thuật nắn chỉnh vẹo cột sống ba thanh nối với cấu hình toàn ốc chân cung cho vẹo cột sống nặng hàng trăm độ, phẫu thuật kết hợp hai lối cho gãy cột sống, lao cột sống… là những bước đột phá hữu hiệu, tiết kiệm thời gian, tránh mất máu nhiều, an toàn cho bệnh nhân…
Ứng dụng công nghệ ốc chân cung Việt Nam trong điều trị phẫu thuật cố định gãy cột sống ngực – thắt lưng cũng là một minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ giữa khoa học công nghệ và y khoa trong nước, mở ra hướng đi tích cực trong việc sản xuất dụng cụ kết hợp xương có giá phù hợp. Hầu hết dụng cụ và trợ cụ mổ cột sống hiện nay đều nhập từ nước ngoài, giá cao, thực sự là gánh nặng cho bệnh nhân, nhất là nông dân, công nhân nghèo. Việc áp dụng thành công vào lâm sàng các ốc chân cung được sản xuất trong nước là dấu hiệu đáng khích lệ. Một cấu hình sáu ốc và hai thanh nối hoàn chỉnh chỉ tốn 150 – 180 USD cho một ca mổ, so với hàng ngàn USD nếu mua ốc ngoại nhập. Đối với bệnh nhân đau và bị tổn thương cột sống do té ngã, trước đây việc mổ và điều trị vô cùng khó khăn và tốn kém, nhất là bệnh nhân nghèo ở vùng sâu vùng xa. Việc phát triển khoa cột sống tại các bệnh viện tỉnh đã góp phần giảm tải đáng kể cho tuyến trên, và giúp các bệnh nhân nghèo mắc bệnh cột sống nặng được khám và hỗ trợ điều trị kịp thời ngay tại địa phương.
Chính vì thế, trong hội nghị, giám đốc sở Y tế TP.HCM, PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh đã trân trọng cảm ơn và biểu dương sự đóng góp của hội Cột sống TP.HCM và BS Thành vào sự nghiệp phát triển ngành cột sống trong nước.
Đã có một thế hệ bác sĩ tiếp nối còn rất trẻ, đảm nhận thành công những ca phẫu thuật phức tạp ở các tuyến bệnh viện tỉnh. |
Sự khiêm cung của “cánh chim đầu đàn”
Là bậc thầy trong ngành cột sống, BS Thành đã có công tạo dựng đội ngũ bác sĩ chuyên ngành giỏi và nhiều sáng tạo, đưa một ngành còn rất mới mẻ ở Việt Nam có vị thế trong giới khoa học quốc tế. Suốt bao năm qua, ông đã lặn lội khắp các tỉnh, từ miền Trung đến miền Tây, để trực tiếp đào tạo thế hệ trẻ cho các bệnh viện tỉnh, truyền bá kinh nghiệm qua những ca mổ cụ thể, mang lại cơ hội chữa bệnh cho người nghèo… Cũng từ những chuyến đi “cầm tay chỉ việc” này, tay nghề của các bác sĩ trẻ như Trần Hoàng Mạnh (bệnh viện Khánh Hoà), Huỳnh Thống Em (Cần Thơ), Trần Hoàng Mạnh (Nha Trang), Đỗ Văn Minh (Huế), Hoàng Xuân Tùng (Tây Ninh)… ngày một vững vàng.
Đến giờ, họ đã tự tin cùng êkíp của mình đảm nhiệm những ca mổ khó, và trở thành những hạt nhân để quy tụ đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, gây mê trẻ, từng bước tạo tiền đề vững vàng cho các khoa cột sống non trẻ của bệnh viện địa phương.
Không chỉ lo cho thế hệ bác sĩ tiếp nối, ông còn tạo điều kiện cho họ làm việc, có điều kiện học tập ở nước ngoài, sống thoải mái với nghề nghiệp của mình. Hội Cột sống TP.HCM đã tổ chức được hơn 20 hội nghị quốc tế về cột sống tại Việt Nam. Trong các hội nghị này, nhiều bác sĩ đầu ngành của thế giới đã dành thì giờ quý báu đến Việt Nam truyền bá kiến thức và giúp đỡ dụng cụ phẫu thuật kỹ thuật cao. Hội đang chuẩn bị cho hội nghị thường niên hội Nghiên cứu cột sống cổ Á châu lần 5 và khoá chuyển giao kỹ thuật cột sống lần 8 của hội Butterfly Foundation với hàng trăm giáo sư, bác sĩ và khách quốc tế… Đó là những cơ hội quý báu để bác sĩ trẻ trong nước học tập các bậc thầy tại chỗ và còn có cơ may du học nước ngoài.
Tại hội nghị, đáp lại lời cảm ơn chân tình của các học trò, BS Thành xúc động: “Trước mắt, tôi chỉ thấy bệnh nhân và những tật bệnh của cột sống. Bệnh nhân chen chúc, chờ đợi, rên siết và hy vọng, mọi niềm tin đều đặt vào người thầy thuốc. Vì thế, mỗi khi giải quyết được một ca bệnh khó, căng thẳng quá tôi lại thổi sáo cho tâm an, trí định. Còn khiêm cung là lẽ tự nhiên vì bệnh tật về cột sống rất khó, không phẫu thuật viên nào dám đảm bảo kết quả 100%. Học tập hoài không bao giờ biết hết, nên không có chỗ đứng cho sự kiêu ngạo... Tôi cảm ơn các đồng nghiệp và nghiên cứu sinh đến từ khắp nơi trong nước, sự nhiệt tình học hỏi làm việc của các bạn đã góp phần phát triển ngành cột sống một cách chuyên nghiệp hơn.
Sự bứt phá đó là nhờ tâm và tầm của các bác sĩ trẻ đã cùng tôi chung sức lo cho dân tốt hơn…”
Kết thúc hội nghị, GS.BS Lê Điền Nhi đã gửi lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa đến các đồng nghiệp: “Phẫu thuật cột sống liên quan đến cả cuộc đời người bệnh, đòi hỏi sự quan tâm lâu dài của bác sĩ. Tôi mong BS Võ Văn Thành giữ được sức khoẻ và nhuệ khí để dìu dắt đàn em, mong các bạn trẻ tiếp nối được tinh thần của người thầy đáng quý, dốc tâm phục vụ người bệnh nhiều hơn”.
Hương Xuân
ảnh: hội Cột sống TP.HCM cung cấp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét