Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Con đường nào cho thuốc Việt?

Con đường nào cho thuốc Việt?

Con đường nào cho thuốc Việt?










Với dây chuyền hiện đại, nhiều mặt hàng dược phẩm sản xuất tại Việt Nam có chất lượng không hề thua kém so với thuốc nhập ngoại cùng loại. Ảnh: suckhoedoisong.vn



SGTT.VN - 1. Thứ bảy 21.12, hội nghị khoa học Dược bệnh viện TP.HCM mở rộng năm 2013 diễn ra ở một khách sạn sang trọng bậc nhất TP.HCM với sự tham dự của hàng trăm đại biểu từ nhiều tỉnh, thành phố cả nước. Có lẽ sự kiện nào dính dáng đến dược phẩm cũng bề thế như vậy. Bất chấp kinh tế suy thoái, dường như kinh doanh thuốc men vẫn ăn nên làm ra, bởi chi tiêu còn tằn tiện được, chứ bệnh tật ai cũng phải chữa.


Cứ nhìn danh sách 47 nhà tài trợ cho hội nghị này là choáng ngợp: tài trợ kim cương, vàng, bạc, đồng và tài trợ khác. Thế nhưng cảnh ăn nên làm ra đó chỉ đúng cho những đại gia dược phẩm nước ngoài. Lọt thỏm trong 47 nhà tài trợ là chín doanh nghiệp nội địa (hai phân phối, bảy sản xuất, nhưng nhà sản suất chỉ tài trợ ở mức thấp nhất), số còn lại là những đại gia dược phẩm sừng sỏ thế giới và khu vực. Không khác gì gã khổng lồ Goliah và chàng tí hon David!


Trước đó một ngày, tại Hà Nội, cục Quản lý dược – bộ Y tế ra mắt chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”, bàn chuyện đưa thuốc Việt đến người tiêu dùng, vừa giảm gánh nặng chi tiêu sức khoẻ của người dân (thuốc Việt có giá cạnh tranh hơn thuốc ngoại), vừa cứu doanh nghiệp dược nội địa đang ngụp lặn để sinh tồn. Nhìn những con số bộ Y tế đưa ra cũng đủ thấy thực trạng đáng buồn về thuốc Việt: bình quân mỗi năm một người Việt chi 600.000 đồng mua thuốc nhưng hơn một nửa số đó dành cho thuốc ngoại; còn tại các bệnh viện ở TP.HCM, tỷ lệ dùng thuốc nội ở tuyến dưới được 60 – 90%, nhưng càng lên cao con số này càng giảm, ở bệnh viện chuyên khoa (mắt, ung thư) chỉ còn 5 – 10%!


2. Có dịp tiếp xúc với những doanh nghiệp dược trong nước, người viết thường nghe kêu than về một bất công cho họ trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, đó là quy định chỉ cho phép họ quảng bá, tiếp thị ở mức 5 – 10%, trong khi doanh nghiệp ngoại lên tới 30%! Chuyện này không lạ, nhưng lạ ở chỗ mãi tận năm nay con số đó mới được các nhà quản lý nới rộng lên 15%.


Ít tiền cho công tác quảng bá, tiếp thị, nên việc gắn kết giữa doanh nghiệp dược trong nước và giới bác sĩ – những người kê toa – khó được chú trọng đúng mức. Trong khi các bác sĩ Việt Nam được các đại gia dược phẩm thế giới tài trợ tham dự các hội nghị chuyên môn ở nước ngoài liên tục, mời làm diễn giả cho những buổi nói chuyện cho công chúng với chi phí hậu hĩ, các doanh nghiệp trong nước chỉ dám tài trợ bác sĩ những chuyến nghỉ mát nội địa.


Lãnh đạo một công ty dược phẩm trong nước rất tự hào về cách tiếp thị độc đáo của mình – “tiếp thị dược phẩm bằng bánh xèo” – một cách tri ân bằng tình cảm với người ủng hộ sản phẩm của mình. Thật đáng quý với cách làm này. Thế nhưng trong thời buổi này, giải pháp đó dường như chỉ áp dụng được ở vùng sâu, vùng xa, nhưng ở những nơi này thị trường dược phẩm đáng là bao, thuốc men sử dụng loay hoay chỉ là những loại kháng sinh thông thường, thuốc trị cảm sốt, tiêu chảy, đau bụng, trị ghẻ, dầu gió và băng dán cá nhân!


3. “Thuốc nội luôn có giá rẻ hơn thuốc ngoại”, các nhà sản xuất trong nước thường nói như thế. Nhưng trò chuyện với PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, cuối tuần qua, bà cho biết muốn bác sĩ tin tưởng và sử dụng thuốc Việt cho bệnh nhân, điều đầu tiên là yếu tố chất lượng chứ không phải là giá cả.


Nhưng nói đến chất lượng phải dùng bằng chứng, chứ không thể nói cảm tính. Những năm qua, phong trào sản xuất thuốc generic (thuốc phát minh hết hạn độc quyền, nhà sản xuất có quyền khai thác hoạt chất với tên biệt dược khác) phát triển mạnh trong nước, nhưng để thuyết phục bác sĩ kê toa, doanh nghiệp nội lại không mặn mà với việc thử tương đương sinh học (chứng minh an toàn, hiệu quả như biệt dược gốc) vì sợ tốn kém (một lần làm tốn 400 – 500 triệu đồng).


Thử tương đương sinh học, đòi hỏi tối thiểu, còn ngại ngần huống chi cao hơn là thử tương đương trị liệu. ThS.DS Đỗ Văn Dũng, phó tổng thư ký hội Dược học TP.HCM, phó phòng quản lý dược sở Y tế TP.HCM, cho biết: “Thuốc tương đương sinh học chưa chắc tương đương trị liệu, vì thử tương đương sinh học chỉ trên vài chục người khoẻ mạnh, còn thử tương đương trị liệu phải với vài trăm bệnh nhân”.


4. Không đủ lực để quảng bá, tiếp thị, ngại tốn kém để chứng minh khoa học, để tồn tại, doanh nghiệp dược trong nước chỉ loay hoay với việc đẩy mạnh tiết kiệm, cắt giảm chi phí bất hợp lý trong sản xuất hoặc lao vào sản xuất những “mặt hàng có ăn”. Nhưng tiết kiệm và cắt giảm chi phí cũng chỉ đến một mức nào đó, không thể làm hoài; còn “mặt hàng có ăn” nếu nhiều người cùng làm cũng chẳng còn “ăn” bao nhiêu!


Cũng có doanh nghiệp đẩy mạnh làm thực phẩm chức năng, chi phí ít lợi nhuận nhiều, trong khi dùng thực phẩm chức năng đang là “mốt thời thượng”. Nhưng một nền công nghiệp dược phải sống bằng thực phẩm chức năng quả là bi kịch, bởi chẳng có cường quốc dược phẩm nào đi theo con đường này, mà phải theo hướng nghiên cứu và phát triển.


Thật ra vấn đề sâu xa của câu chuyện thuốc Việt chỉ là chuyện nghiên cứu và phát triển. Bi kịch cho chuyện thua trắng của thuốc Việt trên sân nhà, thật ra không phải chuyện thua quảng bá, tiếp thị hay thua không thử tương đương sinh học, mà ở chỗ gần như không có doanh nghiệp nào dám “vươn ra biển khơi”, đón đầu tương lai của ngành dược thế giới bằng nghiên cứu và sản xuất những loại thuốc đặc trị có hàm lượng chất xám cao.


Cả nước gần như chỉ có mình công ty công nghệ dược sinh học Nanogen đi theo con đường nghiên cứu và sản xuất thuốc đặc trị, cụ thể làm ra thuốc đặc trị viêm gan siêu vi B, C mạn tính, với giá chỉ bằng 1/3 thuốc nhập ngoại. Thuốc này gọi là thuốc sinh học, có lợi thế điều trị trúng đích hơn và ít tác dụng phụ hơn so với những loại hoá dược cổ điển hiện nay. Nhưng sâu xa hơn, thuốc sinh học có tiềm năng rất lớn. Cả thế giới chỉ có 50 chục loại, nhưng chúng chiếm đến 25% doanh số và tốc độ tăng trưởng hàng năm là 25%! Mà công nghệ sinh học nước ta rất tiềm năng, chưa kể nhiều nhà khoa học Việt kiều tên tuổi cũng sẵn lòng về nước hợp tác nghiên cứu và phát triển thuốc sinh học. Nhưng chưa thấy doanh nghiệp dược Việt nào quan tâm!


5. Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, để hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước và đẩy mạnh sử dụng thuốc Việt trong người dân, sắp tới ngành chức năng sẽ dựng một số hàng rào kỹ thuật như ưu tiên thuốc Việt bằng siết kê đơn, hạn chế nhập khẩu những loại thuốc mà trong nước sản xuất được với chất lượng tốt, có chính sách định hướng các doanh nghiệp nội không giẫm chân lên nhau trong sản xuất. Bà Phong Lan nói: “Những chuyện này làm từ bây giờ đã là quá muộn, nhưng thà muộn còn hơn không. Chỉ cần áp dụng được 50% đề án Người Việt dùng thuốc Việt của bộ Y tế là quá mừng rồi”.


Dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước là tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu những nhà quản lý chấn chỉnh lại tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay của nền công nghiệp dược Việt Nam. Đổi mới công nghệ sáng tạo, đầu tư nghiên cứu khoa học mới là cách làm sâu xa và bền vững để giải bài toán “con đường thuốc Việt”. Không thể hô hào ủng hộ thuốc Việt bằng những lời nói suông, mà phải bằng những hành động mạnh mẽ. Cũng đang có những hành động, nhưng nhà quản lý có làm với cái tâm hay không lại là chuyện khác.


Đầu tháng này, một hội nghị thực phẩm chức năng hoành tráng diễn ra ở TP.HCM, trong đó giới truyền thông được bộ trưởng bộ Y tế đích thân ký giấy mời tham dự. Thực phẩm chức năng đang được vận động để chính thức đưa vào bệnh viện bằng việc cho bác sĩ kê toa. Nếu điều này diễn ra, những mặt hàng thuốc nội chân chính lại phải căng mình thêm để cạnh tranh.


Phan Sơn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ