Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Câu hỏi khó

Câu hỏi khó

Tâm sự người thầy:


Câu hỏi khó


SGTT.VN - Ngày Nhà giáo Việt Nam lại sắp đến. Mọi người đón nhận ngày lễ này như thế nào nhỉ?










Giờ lên lớp của các em ở trường tiểu học Xóm Chiếu. Ảnh: Thanh Hảo



Các em học sinh thì vui mừng, vì có dịp rủ nhau đi chơi. Một số vị phụ huynh tương đối khá giả sẽ bận rộn lo quà cáp cho thầy này, cô nọ, mong con em mình được “chiếu cố” hơn. Các cấp chính quyền có dịp “hân hoan” thể hiện sự quan tâm đến nhà giáo, bằng món tiền “tượng trưng”, xem như là đã chăm sóc thầy cô chu đáo… về mọi mặt!


Còn đội ngũ giáo viên chúng tôi đón chào ngày hội của mình bằng nhiều tâm trạng khác nhau. Vui mừng – vì đây là ngày cả xã hội cùng tôn vinh, ca ngợi nghề giáo cao quý mà! Buồn nản – vì phải chịu đựng những ánh nhìn thương hại, khi mà đây đó cuộc sống người giáo viên còn quá khó khăn, chật vật, thiếu thốn. Ngán ngẩm – bởi lại phải nghe các lời hứa, sẽ có chính sách này, đãi ngộ kia… để nâng cao đời sống giáo viên. Rồi ngậm ngùi đưa tay đón nhận quà tặng từ mọi người, mà lòng tự hỏi, trong các bó hoa tươi thắm, món quà đắt giá, phong bì hậu hĩnh kia, đâu là xuất phát từ lòng biết ơn, trân trọng, sự cảm phục, quý mến đối với thầy cô giáo, đâu là hối lộ, khinh bỉ?


Sau mỗi ngày Nhà giáo Việt Nam, thâm niên công tác của chúng tôi lại được cộng thêm một.


Có đồng nghiệp trẻ khoe với tôi: “Thầy ơi, vậy là em đã đi dạy được năm năm rồi đó!” Rồi thở dài: “Với đồng lương thế này, không biết em có thể dạy lâu dài được như thầy không”.


Tôi có một học sinh cũ, học giỏi đều các môn. Em ngoan, chăm chỉ, hiếu động, năng nổ trong mọi công việc. Năm trước gặp lại tôi, em hồ hởi báo: “Thầy ơi, con đang học đại học Sư phạm, ngành lịch sử!” Tôi ngạc nhiên: “Con có lường trước mọi khó khăn, thiếu thốn, khi có quyết định này không?” Em chân thành đáp: “Nhưng con yêu môn sử”.


Tôi được biết vào năm 2012 có một cuộc khảo sát, đối tượng là giáo viên các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Với câu hỏi đại loại: “Nếu có cơ hội chọn lựa, thầy cô có bỏ nghề dạy học để chọn nghề khác không?”, kết quả là hơn 50% giáo viên sẵn sàng bỏ nghề để chọn lại nghề khác!


Vì đâu nên nỗi?


Lương bổng, thu nhập không đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống? Bù đầu vì khối lượng quá lớn của công việc (có tên và không tên), chìm ngập trong đủ loại hồ sơ sổ sách giáo án, đến nỗi không còn thời gian chăm sóc gia đình? Bị áp lực phải đạt cho được chỉ tiêu này, thành tích kia? Học sinh ngày càng lười học, ham chơi, đua đòi, vô tâm, vô cảm, vô phép? Sự đãi ngộ, quan tâm của xã hội chưa thật tương xứng với các lời ca tụng có cánh cứ ra rả trong mỗi dịp lễ lạt? Hay còn những lý do nào khác?


Tôi cứ băn khoăn câu hỏi “Nếu được chọn lại, mình có đổi nghề không?” Tôi chưa đến nỗi quá già, để có thể bỏ qua cơ hội làm thay đổi cuộc sống, cải thiện thu nhập, tránh đi các rối rắm phiền toái của công việc thường ngày. Tôi đem câu hỏi này đặt ra với các giáo viên cùng trường. Các anh chị ấy cười buồn: “Không, mình không đổi nghề khác đâu!” – “Vì sao vậy?” – “Vì những kỷ niệm tốt đẹp của thời đi dạy, vì những lứa học sinh giờ đã trưởng thành, là người công dân có ích, mà vẫn không quên thầy cô giáo, sống nghĩa tình, vì để thấy rằng mình vẫn còn cần thiết cho đời!”


Tôi đã hiểu. Các giáo viên còn bám trụ được với nghề, chính bằng những điều đơn giản đó. Tôi cũng có những hồi ức đẹp về mái trường, về đồng nghiệp chân tình, về những lứa học sinh cũ nay đã thành đạt, hữu dụng, sống có nghĩa có tình, hợp đạo lý… Và hiện giờ, cũng vẫn còn những em học sinh ngoan, lễ phép, ham học hỏi, luôn có ý chí vượt khó để tiến bộ. Và trong tôi vẫn còn những hoài bão, những khát khao cống hiến cho thế hệ trẻ, cho cuộc đời!


Vậy tôi có nên bỏ nghề dạy học, để chọn nghề khác?


Trần Văn Nguyên






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ