Vòng loại World Cup 2014
“Gà trống Gaulois” đã bị đẩy đến bờ vực
SGTT.VN - Trước khi bước vào loạt trận play-off, Ukraine chỉ để thủng lưới bốn bàn trong mười trận vòng loại World Cup, và không có trận nào họ thủng lưới nhiều hơn một bàn. Còn Pháp ghi 15 bàn trong tám trận, nghĩa là chưa tới hai bàn/trận. Kể cả khi gặp các đội yếu nhất trong bảng như Belarus hoặc Georgia, Pháp cũng không thể thắng với tỷ số cụ thể 2 – 0, hoặc thắng với cách biệt ba bàn trở lên.
Franck Ribery được xem là ứng cử viên số 1 trong cuộc đua gìành Quả bóng vàng nhưng đội Pháp đang lâm nguy. Ảnh: Reuters |
Thế nên, chuyện Pháp đảo ngược tình thế tại sân nhà sau khi thất thủ 0 – 2 tại Ukraine ở loạt play-off tranh vé đi Brazil dự vòng chung kết World Cup 2014 là rất khó khăn. Chỉ cần Ukraine ghi được một bàn trong trận lượt về thì Pháp phải có bốn bàn mới đủ. Trong thể thức đấu loại trực tiếp ở các cúp châu Âu xưa nay, xác suất để một đội đã thua 0 – 2 trong trận lượt đi lật ngược tình thế ở lượt về thường chỉ vào khoảng 10% trở xuống. Giới hâm mộ bóng đá Việt Nam hẳn không quên chuyện đội tuyển quốc gia, dù đang là đương kim vô địch trong khu vực, đã thua 0 – 2 trên sân Malaysia ở vòng bán kết AFF Cup 2010. Hãy nhớ lại để thấy việc đảo ngược tình thế trước cái tỷ số 0 – 2 là khó khăn như thế nào.
Chúng ta đang nói về lý thuyết. Trên thực tế, càng khó thắng ngược sau khi đã thua 0 – 2 trên sân đối phương, bởi đấy không còn là trận đấu bình thường nữa. Đấy là trận đấu mà đối phương đã biết rõ việc cần làm của họ là gì, “chỉ tiêu” cụ thể là như thế nào, và đã chuẩn bị kỹ từ tinh thần đến chiến thuật để hướng tới một kết quả cụ thể.
Trận lượt đi cho thấy phản công là một điểm mạnh rất đáng chú ý của Ukraine. Còn các trận trước đó trong toàn bộ vòng loại World Cup cho thấy hệ thống phòng ngự của Ukraine rất chắc chắn. Tóm lại, Ukraine sẽ chơi phòng ngự – phản công trong chuyến làm khách tại Pháp. Đương nhiên, Pháp phải chơi thiên về công để tìm bàn thắng. Xưa nay vẫn vậy: Pháp càng tấn công nhiều thì điểm yếu cố hữu của họ lại càng dễ lộ. Đó là sự thiếu hiệu quả. Bây giờ, ai cũng khen ngôi sao Franck Ribery. Thậm chí anh này còn được xem là ứng cử viên số một trong cuộc đua giành Quả bóng vàng FIFA 2013. Nhưng Ribery bế tắc hoàn toàn trước sự bủa vây hợp lý của các hậu vệ Ukraine.
Ribery chỉ là một trường hợp cụ thể. Nói chung, Pháp có rất nhiều ngôi sao, hơn hẳn Ukraine nếu chỉ thuần tuý so sánh thực lực. Nhưng, cái hơn rõ ràng về thực lực đâu có giúp gì cho Pháp, khi họ liên tiếp thua Israel và Bulgaria ở vòng loại World Cup 1994 (lần gần đây nhất Pháp vắng mặt ở đấu trường World Cup). Nhìn từ phía Ukraine, cũng không khác mấy. Bây giờ, trong tay huấn luyện viên Mykhaylo Fomenko chỉ là các cầu thủ chưa có tên tuổi. Nhưng nếu họ vượt qua Pháp và làm nên chuyện tại World Cup 2014, sẽ chẳng ai bảo họ là “vô danh tiểu tốt” nữa. Stoichkov, Lechkov, Kostadinov của Bulgaria 20 năm trước cũng vậy thôi. Không thể loại trừ khả năng một thế hệ đồng đều và xuất sắc đã kịp “ra lò” và đang chuẩn bị bay bổng, từ cái nền bóng đá từng sản sinh Blokhin, Belanov, Rats, Demianenko, Kuznetsov...
Hồi Brazil lần đầu tổ chức World Cup (năm 1950), Pháp rút tên vào giờ chót dù đã vượt qua vòng loại. Khi ấy, lý do đưa ra là đường sá trắc trở. Giờ là thời buổi hiện đại, làm gì có ai vắng mặt vì đường sá không thuận tiện nữa. Bây giờ, sự trắc trở đối với thầy trò Didier Deschamps hoá ra lại là cái đội Ukraine mà ban đầu, người ta xếp vào “kèo dưới”.
Quỳnh Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét