Hoạ sĩ Ngô Văn Sắc:
Giữa lạ và quen
SGTT.VN - Triển lãm Giữa đời của Ngô Văn Sắc khai mạc lúc 18 giờ ngày 25.10 tại Craig Thomas Gallery (27i Trần Nhật Duật, TP.HCM) thách thức người xem bởi sự kết hợp giữa lạ và quen.
Ngô Văn Sắc (sinh 1980) vốn vững vàng nhiều kỹ thuật hội hoạ, hiện là thạc sĩ và là giảng viên mỹ thuật tại đại học Sư phạm Hà Nội. Triển lãm Giữa đời thể hiện khá rõ sự bài bản trong kỹ thuật, khi mà tác phẩm như là (nhấn mạnh chữ này) sự kết hợp giữa âm bản, dương bản của tranh khắc gỗ truyền thống với kỹ thuật đồ hoạ, kỹ thuật số thời nay. Về ấn tượng thị giác, xem lướt qua thì có vẻ như vậy, nhưng thực chất, nó không chỉ dùng các kỹ thuật này, bởi Ngô Văn Sắc vừa căn bản, vừa phức tạp hơn khá nhiều.
Căn bản vì tranh đốt gỗ (hay dùng lửa khắc gỗ) vốn là kỹ thuật xa xưa của người Việt. Thế nhưng khi dùng lại, Ngô Văn Sắc vừa trung thành vừa phản bội nó, nên có chỗ y như cũ, có chỗ phá cách. Nếu chỉ tuân thủ một kỹ thuật thì tác phẩm dễ nhận biết, sẽ đơn điệu và nhiều tính mỹ nghệ hơn. Ngô Văn Sắc kết hợp nhiều kỹ thuật truyền thống với hiện đại, đồng thời liên tục thay đổi cách tạo hình qua từng tác phẩm, nên thật khó “bắt giò”.
Tác phẩm Khu vườn yên tĩnh 2, sơn ta và đốt gỗ, 160 x 90cm, 2013. |
Còn phức tạp, vì tranh chân dung của hoạ sĩ này (mà hình như Ngô Văn Sắc chỉ vẽ người) vừa là dấu chỉ của một lịch sử tạo hình dài lâu, vừa là cách tư duy mới của thời đồ hoạ, lắp ghép kỹ thuật số. Nó giống như các poster quảng cáo phim ảnh hay ca nhạc, nơi nhân vật trung tâm và các nhân vật phụ chia nhau một diện tích, một hướng nhìn. Trong nhiều tác phẩm, nhân vật trung tâm và các nhân vật phụ cũng là một, nó dường như phân thân để trong một người có nhiều thân phận và nhiều thân phận dùng chung một mặt người. Nó cũng giống như một tác phẩm vừa được nhìn tổng thể, vừa được nhìn đặc tả chi tiết – điều lý thú là chúng cùng lúc hiện lên bề mặt.
Xét về thân phận, các nhân vật của Ngô Văn Sắc thuộc loại đa nhân cách, giống như tác phẩm Khu vườn yên tĩnh 2, tổng thể là cái cây cổ thụ, trên thân cây lại có nhiều khuôn mặt (dường như tự hoạ) của một người, mà mỗi gương mặt là một tính cách, một thân phận. Đây là điểm khác biệt lớn về tư duy giữa tranh đốt gỗ của Ngô Văn Sắc với tranh đốt gỗ trước kia. Nhờ đồ hoạ, Ngô Văn Sắc đã đứng ra ngoài cách kể chuyện đơn tuyến, mà gần đến với đa tuyến, nó giống như nhiều thước phim, hay nhiều bức ảnh được bày hết lên mặt tranh, với một cấu trúc được tính toán cụ thể.
Cuối cùng, về tâm cảnh, dùng lửa đốt trên gỗ tươi cũng là cách để hồi ức lại thuở nguyên sơ của con người, nơi thân thể và thiên nhiên còn hoà đồng. Trong quá trình rời xa thiên nhiên để bước vào phố thị, giữa cõi lạ và quen, con người luôn có cảm giác bơ vơ, lạc lõng. Tranh của Ngô Văn Sắc trong triển lãm này, dù không trực tiếp “nói ra”, nhưng cũng là hành trình hồi nhớ một miền sống tươi xanh đã qua. Để nơi đây, một cõi người vừa lạnh lùng vừa mang màu đen của khói lửa, màu nâu xám của thớ gỗ đã bị thiêu đẽo tinh vi.
Hiền Hoà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét