Bến Tre:
Nhậu con đuông... hại cây dừa
SGTT.VN - Đuông dừa là loài côn trùng ký sinh trên đọt có khả năng giết chết cây dừa tại nhiều vùng trồng chuyên canh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chính vì vậy nó là “kẻ thù” của người trồng dừa. Tuy nhiên gần đây, nhộng đuông dừa trở thành món khoái khẩu, món đặc sản phục vụ thực khách trong các nhà hàng hạng sang, đuông dừa trở thành đối tượng nuôi của một vài hộ dân ở xứ dừa Bến Tre.
Ông Nguyễn Tấn Đắc, phó chủ tịch hiệp hội Dừa Bến Tre xác nhận: “Có nghe thông tin phong trào nuôi đuông dừa đang lan rộng ở Bến Tre,” nhưng cá nhân ông Đắc cũng chưa được nhìn thấy các mô hình nuôi loài côn trùng gây hại trên cây dừa này. Ông Nguyễn Văn Tuyến, phó chủ tịch UBND xã Lương Hoà (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết: “Tại địa phương cũng đã có thông tin về việc người dân gây nuôi con đuông dừa với mục đích kinh tế, tuy nhiên, chỉ có một trường hợp thừa nhận họ đang đầu tư nuôi”. Theo ông Tuyến, có thể còn một số hộ dân khác cũng đang nuôi nhưng họ không khai báo, bởi mới đây, cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản gởi sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, thu gom, tiêu huỷ toàn bộ; xác định nguồn gốc con giống để xử lý theo luật. Theo cục Bảo vệ thực vật, đuông dừa là loài nguy hiểm trên cây dừa, nên bị nghiêm cấm nhân nuôi, buôn bán dưới mọi hình thức theo điều 7 của pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2011.
Ông Huỳnh Văn Hoanh, người trồng dừa ở xã Lộc Thuận (huyện Bình Đại) cho biết: “Trước đây con đuông sau khi làm chết những cây dừa, nhộng đuông phát triển thành kiến dương (đuông dừa trưởng thành) phát tán tự nhiên, nhưng nay nhộng đuông dừa bán được 5.000 – 10.000 đồng/con, nên khi phát hiện cây dừa chết do đuông, người ta nhanh tay chẻ ngọn dừa ra, bắt sạch”. Do đuông tự nhiên không đáp ứng đủ cho nhu cầu ẩm thực, nên người dân tỉnh Bến Tre đã tìm cách gây nuôi đuông với mục tiêu kinh tế. Đã có những mô hình nuôi đuông “công nghiệp”, nuôi nhốt trong các thùng, xô nhựa, toàn khu vực nuôi quy mô vài chục thùng được bao kín bằng lưới nilon. Thức ăn nuôi là cám tự chế trộn với các bã mía, cọng bẹ dừa xay nát thay vì củ hủ dừa là môi trường sinh sản, phát triển của đuông dừa trong tự nhiên. Hỗn hợp nuôi nhân tạo này vừa là nguồn thức ăn, vừa làm nơi trú ẩn, tránh ánh sáng của ấu trùng, nhộng đuông. Phong trào nuôi đuông phát triển rộ từ cuối năm 2012, nhất là khi giá dừa khô nguyên liệu giảm thấp dưới 1.000 đồng/trái.
Hiện nay, có người nuôi đuông dừa theo “mô hình” gần giống với tự nhiên bằng cách thả nhiều ấu trùng đuông (con giống) vào các củ hủ dừa thu gom được với giá khoảng 30.000 – 50.000 đồng/củ hủ dừa. Sau từ hai đến ba tháng nuôi, có thể cho thu hoạch 1 – 2kg/ổ đuông (củ hủ dừa) tuỳ độ lớn củ hủ dừa – môi trường nuôi, và mật độ thả giống. Sản lượng nhộng khi thu hoạch sẽ được các đầu mối từ TP.HCM thu gom theo đặt hàng. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với một đầu mối cung ứng tại TP.HCM, đại diện của đơn vị này cho biết: “Chỉ thu gom đuông dừa có nguồn gốc tự nhiên!”
Ngọc Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét