Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch
Cần giải quyết cái lùng nhùng của tập đoàn, tổng công ty
SGTT.VN - Việc cơ quan điều tra mới đây phát hiện những vụ án tham nhũng lớn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như Vinashin, Vinalines… cũng khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại. Bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 22.10, uỷ viên thường trực uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, TS Trần Du Lịch đã trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị:
Thưa ông, nhiều người dân đang tỏ ra giận dữ về mức độ tham nhũng lớn ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt là vụ Dương Chí Dũng ở Vinalines. Theo ông, tình trạng tham nhũng ở khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải chăng, đang ngày càng nghiêm trọng?
Thực sự những vụ tham nhũng lớn, từ Vinashin, Vinalines và một số nơi khác ví dụ như liên quan đến ngân hàng, nông nghiệp đang được truy tố, xét xử, sẽ quyết liệt trong xử lý. Tuy nhiên, để khắc phục một cách căn cơ, tôi đã nhiều lần đề nghị kể cả từ Quốc hội khoá XII, đó là chúng ta phải công khai minh bạch hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nó phải minh bạch ít nhất bằng các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán về các hoạt động, thông tin, để có thể giám sát.
Thứ hai, tôi cũng đề nghị từ khoá XII phải xây dựng đạo luật về quản lý vốn kinh doanh nhà nước, làm rõ mối quan hệ chủ sở hữu là Nhà nước với những người quản lý ở công ty, quyền và nghĩa vụ rõ ràng, minh bạch. Đổi mới cơ chế quản lý, những cái như vậy đề xuất cho tới nay trong nhiều năm không có, chưa thực hiện. Thành ra những vấn đề căn cơ như vậy mà chúng ta chưa thực hiện, thì cũng khó có thể nói được là vấn đề chống tham nhũng là tiến bộ. Dĩ nhiên, việc trừng trị, xử lý, thanh tra, xử lý như báo cáo thanh tra là khá nhiều, nhưng tôi cho rằng phải giải quyết từ gốc vấn đề. Đây là vấn đề chậm trễ.
Theo ông, với thực tế như hiện nay, có nên đặt ra vấn đề thu hẹp mạnh hơn nữa khối DNNN chứ không thể để khối này làm “chủ đạo” hay “nòng cốt”?
Tôi cũng ủng hộ phải thu hẹp bớt số lượng các DNNN. Chủ trương của Đảng từ lâu là những loại nào Nhà nước không cần nắm giữ thì nên cổ phần hoá. Tôi thấy hoàn toàn có thể cổ phần hoá ngay một số tổng công ty, chứ không phải công ty nhỏ, và chúng ta cũng không nên nghĩ rằng do thị trường khó khăn hiện nay, thị trường chứng khoán này nọ không làm được. Dường như chúng ta chưa dứt khoát. Tôi rất tâm đắc phát biểu của Thủ tướng hôm qua, trong câu chúng ta dường như chưa có sự thống nhất cao, còn gì đó hơi lùng bùng, nhận thức vai trò của Nhà nước và vai trò kinh tế nhà nước, trong đó có DNNN.
Chính phủ cũng đã nhận ra có sự lùng bùng về nhận thức trong khối DNNN thì cách nào, theo ông, để xử lý mối lùng bùng đó?
Nhưng vấn đề của chúng ta không chỉ có Chính phủ. Tôi nghĩ phát biểu của Thủ tướng có bài học, nguyên nhân rất đáng chú ý, thế thì bây giờ giải quyết cái lùng nhùng ấy đi. Muốn giải quyết vấn đề đó phải làm rõ: Nhà nước cần giữ DNNN để làm gì, phục vụ mục tiêu gì, minh bạch, rõ ràng, cái gì là để.
Những đề xuất của ông rất hay nhưng từ Quốc hội khoá XII đến giờ không được thực hiện thì theo ông, nó có những cản trở nào?
Tôi không rõ nhưng mà tôi không dám suy diễn cái gì cả, phát biểu của Thủ tướng tôi thấy dường như cái gì đó chưa rõ ràng. Hay là có thể, bây giờ các bộ ngành, chủ quản các doanh nghiệp không muốn nhả ra!
Khi nghe kết quả điều tra việc ông Dương Chí Dũng tham nhũng, kê khống tiền mua tài sản doanh nghiệp rồi lấy tiền mua nhà cho bồ nhí, cá nhân ông có cảm giác thế nào?
Cái đó liên quan đến công tác cán bộ, do lỏng lẻo cơ chế trong công tác cán bộ, đó là suy đồi đạo đức, thường tham nhũng gắn liền với suy đồi đạo đức. Tôi cho là sự suy đồi quá lớn, hư hỏng.
Ở nhiều nước trên thế giới, Quốc hội của họ còn trực tiếp giám sát, kiểm tra các tập đoàn, có quyền buộc lãnh đạo các tập đoàn phải báo cáo. Theo ông, ở ta cũng nên làm như vậy?
Tôi cũng có nghiên cứu vấn đề này. Tập đoàn, tổng công ty lớn ở các nước, điều lệ hoạt động có tính chất đạo luật, phải báo cáo trực tiếp cho Quốc hội, vì chính cơ quan Quốc hội mới là đại diện chủ sở hữu. Ngay cả bán cổ phần, làm ăn thế nào Quốc hội quyết, thậm chí đầu tư… Mình đang dần dần tiến tới việc quy định, hoạt động trong một số lĩnh vực quan trọng, phải báo cáo, ít ra cũng là Uỷ ban thường vụ Quốc hội, thường xuyên để giám sát hoạt động đó, quyết định cả việc đầu tư, không đầu tư, chứ không phải như chúng ta đang làm hiện nay. Những kỳ trước tôi nhớ có năm bổ sung vốn cho tập đoàn dầu khí là 3.500 tỉ đồng, bằng lợi nhuận, bằng tiền khai thác dầu, nhưng bổ sung xong giờ hoạt động ra sao không ai báo cáo cả.
Theo ông có nhiều vấn đề tiêu cực trong khối tập đoàn, tổng công ty nhà nước như vậy, còn do các nguyên nhân nào?
Nếu như đầu tiên minh bạch báo cáo, thông tin thì làm gì có chuyện lùng bùng. Như những câu chuyện ở tập đoàn Điện lực (EVN) mới đây do Thanh tra Chính phủ phát hiện thì đó là do không minh bạch. Tôi nghĩ quan trọng nhất là minh bạch. Muốn quản lý hiệu quả, giám sát được thì phải tổ chức làm sao giống như anh làm việc trong phòng có kính trong suốt, ai đi qua cũng nhìn thấy anh đang làm hay anh đang chơi. Đối với các tổ chức của nhà nước đòi hỏi phải là như vậy, phải có kính trong suốt như phòng pha lê, để người ta đi bên ngoài, xin lỗi, biết anh đang làm việc hay ngồi giũa móng tay, thế thôi. Còn bây giờ, với các đơn vị đó, cơ quan thanh tra, điều tra muốn vào phải gõ cửa thì làm sao thấy được, giám sát cái gì?
Theo ông, công tác giám sát của Quốc hội với các tập đoàn lớn hiện nay có được tốt?
Làm sao giám sát được (khi chỉ) đi tới một bữa, nghe báo cáo.
Mạnh Quân (thực hiện)
THANH TRA, KIỂM TOÁN KHÔNG PHÁT HIỆN ĐƯỢC THAM NHŨNG Theo tin từ Văn phòng Quốc hội (QH) ngày 22.10, uỷ ban Tư pháp của QH đã chuyển đến các ĐBQH kết quả giám sát về tình hình chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ tại bảy tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương, Quảng Bình. Theo đó, ngay trong khâu giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) liên quan đến tham nhũng hiện nay, vẫn còn tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn, né tránh gây bức xúc trong nhân dân. Tỷ lệ số vụ việc tham nhũng phát hiện thông qua giải quyết KNTC còn rất thấp. Trong lĩnh vực thanh tra, nhiều tỉnh, thành phố hàng năm tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý nhà nước với thất thoát nhiều tỉ đồng, nhiều hecta đất, nhưng lại không phát hiện được tham nhũng hoặc có phát hiện được thì rất ít. Tuy nhiên, sau đó báo chí, cơ quan điều tra lại phát hiện ra (Vinashin, Vinalines). Theo uỷ ban Tư pháp của QH, “mặc dù vậy, các đoàn thanh tra, kiểm toán, thanh tra viên, kiểm toán viên… lại không bị xem xét trách nhiệm và không phải chịu trách nhiệm về việc thanh tra, kiểm toán nhiều nhưng không phát hiện ra tham nhũng”. Trong điều tra, việc xử lý đối với nhiều vụ án về tham nhũng, chức vụ còn kéo dài từ 2 – 3 năm, thậm chí có vụ sau 12 năm mới đưa ra xét xử được, gây bức xúc trong nhân dân”. Ngành toà án cũng không có tiến bộ nhiều. Tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ còn chiếm tỷ lệ cao, có nơi việc tuyên dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc cho hưởng án treo chiếm tới 80%, thậm chí là 100%. Hà Giang |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét