Nhật ký trên những đôi giày
Đến với mùa thu Sa Pa
SGTT.VN - Đến với thị trấn miền sơn cước xinh đẹp Sa Pa trong những ngày mùa thu với không khí lễ hội cho dịp kỷ niệm Sa Pa tròn 110 năm tuổi (1903 – 2013), du khách chắc hẳn phải ngẩn ngơ trước vẻ đẹp đến nao lòng của nơi này.
Sa Pa nhìn từ đỉnh Hàm Rồng. |
Phải công nhận một điều rằng, mùa nào Sa Pa cũng đẹp, cũng cuốn hút du khách bởi những nét đặc trưng riêng của từng mùa. Thế nhưng, có lẽ mùa đẹp nhất của thị trấn du lịch này phải là mùa thu.
Bốn mùa trong một ngày ở Sa Pa
Suốt từ khi rời ga Lào Cai, ngồi trên xe ca qua quãng đường dốc khúc khuỷu 30km, tính tới trung tâm thị trấn, tôi đã cảm nhận được nét thu mơn man qua làn gió se se lạnh ùa qua ô cửa kính cùng cảnh sắc vàng óng ả của lúa ngày mùa đã và đang gặt dở trên những thửa ruộng bậc thang chạy dài tít tắp ở những ngọn núi nối tiếp nhau. Buổi sáng Sa Pa không có nắng vì vậy mà tầm nhìn có chút hạn chế, thế nhưng khi xe lên đến trung tâm thị trấn tôi vẫn có thể phóng tầm mắt tới tận những bản làng mãi dưới tận thung sâu. Ở đó, những làn mây trắng mỏng manh trôi hững hờ, bao phủ khiến cho những nếp nhà sàn đơn sơ lúc ẩn lúc hiện trong mây mù, tạo nên một bức tranh thuỷ mặc đầy huyền hoặc. Dường như biết được mùa thu Sa Pa đẹp nên du khách ta, khách tây lên với nơi này đông hơn hẳn những mùa khác trong năm. Các nhà nghỉ, khách sạn luôn kín phòng, nhất là những ngày cuối tuần. May mắn, cùng mấy người bạn đi chung thì có một chủ ngôi biệt thự trên lưng chừng một ngọn núi của thị trấn thân quen nên chúng tôi có được nơi tá túc.
Thời tiết Sa Pa trong mấy ngày chúng tôi lưu lại thật tuyệt vời, nhiệt độ lúc nào cũng mát mẻ, và chỉ hơi se lạnh khi màn đêm buông xuống mà thôi. Một ngày ở đây luôn chia thành bốn mùa rõ rệt và mùa thu cũng vậy. Buổi sáng hơi sương lành lạnh có thể được coi là mùa xuân. Buổi trưa với nắng lên cũng có thể coi là khoảnh khắc hè, thế nhưng những vạt nắng nhạt màu mật ong không quá nóng khiến du khách cảm thấy dễ chịu. Lúc này những làn mây mù tan dần để lộ một khoảng không gian rộng lớn và du khách có thể thoả thích phóng tầm mắt ra xa, thậm chí đến tận đỉnh núi cao nhất Đông Dương: Phanxipăng. Khi chiều buông, nắng tắt dần sau núi và hơi sương bắt đầu lảng bảng nhẹ nhàng lúc này thị trấn chẳng khác nào tiết thu êm đềm thư thả. Và lúc thị trấn lên đèn cho tới tận gần sáng sớm của ngày hôm sau là khoảng thời gian có thể gọi là “mùa đông” của Sa Pa. Bởi cái lạnh cũng hơi thấu da, và nó chẳng kém gì cái lạnh của những ngày mùa đông bình thường ở dưới xuôi.
Ăn đồ nướng bên bếp than hồng
Đến Sa Pa mùa này, du khách không chỉ được sống trong tiết trời mát mẻ, dễ chịu, được ngắm cảnh sắc đẹp đến mê hồn với những dòng sông mây cuồn cuộn trôi…, mà còn được khám phá nét đẹp, sự độc đáo của trang phục, cũng như tìm hiểu phong tục tập quán của bà con các dân tộc nơi đây. Ai mà chẳng ngẩn ngơ, chẳng thấy lạ lẫm và ngồ ngộ trước các nàng thiếu nữ Mông với váy thổ cẩm sặc sỡ xuống núi, hay những bà, những chị địu con đi làm nương, xuống chợ… Và chắc một điều rằng, du khách sẽ muốn lưu lại hình ảnh như thế bằng cách xin chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm.
Đến Sa Pa mùa thu mà chỉ ngắm cảnh đẹp thôi thì quả còn thiếu sót, bởi thị trấn này luôn nổi tiếng với những món ẩm thực ngon đến khó quên, mà các món nướng là đặc trưng nhất. Dưới màn sương đêm lành lạnh, chỉ cần vài trăm ngàn đồng thì cả hội 4 – 5 người bạn có thể quây quần bên một quán nướng vỉa hè nào đấy để thưởng thức dăm, bảy món như: trứng, khoai, bắp, thịt heo lửng… nướng! Được tận mục sở thị chủ quán chế biến đồ ăn, và có khi tự tay khách cầm nướng lấy để ăn dưới chậu than hoa đỏ lửa càng cảm thấy thú vị. Các món nướng ăn dưới tiết trời lạnh tê tái của “mùa đông” Sa Pa có vẻ hợp và ấm cúng hơn. Chẳng vậy mà hầu như quán đồ nướng nào ở thị trấn, dù sang trọng đắt tiền, hay bình dân rẻ tiền cũng đều đông khách ở thời điểm này.
Chia tay Sa Pa, tạm biệt thị trấn nhỏ xinh như lòng bàn tay người con gái miền sơn cước này, tôi mang theo quá nhiều ấn tượng, bởi Sa Pa mùa thu quá đẹp, một vẻ đẹp đến nao lòng không dễ gì quên được…
bài và ảnh: Long Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét