Vụ sai phạm tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình
Sở Y tế TP.HCM sẽ phát thông báo xin lỗi bệnh nhân
SGTT.VN - Ngày 7.10, sở Y tế TP.HCM đã công bố kết luận chính thức thanh tra bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và bệnh viện Bình Dân. Việc thanh tra này liên quan đến vụ việc gian lận phim X-quang, phẫu thuật dịch vụ tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và những tiêu cực về quản lý tại bệnh viện Bình Dân mà báo chí từng nêu. TS.BS Bùi Minh Trạng, chánh thanh tra sở Y tế TP.HCM, đã trả lời báo chí.
Bệnh nhân chen chúc chờ lấy kết quả X-quang tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo |
Thưa ông, xin ông nói rõ một số cung cách gian lận về in phim X-quang tại khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và những thiệt hại gây ra?
Trước tiên là tráo kích thước phim A và B. Thực tế chênh lệch giá giữa phim A và B tại khu vực ngoại trú là 20.000 đồng, vì phim A lớn hơn phim B. Nếu bệnh nhân đóng tiền chụp phim A, bệnh viện in phim B và báo cáo sử dụng phim B thì bệnh nhân sẽ thiệt tiền chênh lệch. Còn nếu bệnh nhân đóng tiền phim A, bệnh viện in phim B và báo cáo sử dụng phim A, bệnh nhân thiệt hại tiền chênh lệch và bệnh viện sẽ thiệt hại tiền chênh lệch giá mua vào.
Cách gian lận thứ hai là cắt, ghép phim. Cụ thể người ta cắt một tờ phim A thành hai tờ phim B vì hai phim B mắc hơn một phim A. Việc cắt, ghép phim này sẽ tạo ra số lượng “phim thừa” tại khoa chẩn đoán hình ảnh so với tổng số lượng phim đã thu tiền của bệnh nhân, số “phim thừa” này chủ yếu là phim B, C. Việc sai kích thước phim in ra trong khu vực điều trị nội trú chủ yếu là việc đổi phim, còn việc ghép phim và cắt phim tuy có xảy ra nhưng chiếm tỷ lệ ít.
Với những bệnh nhân bị thiệt hại do gian lận phim, việc đền bù với họ giờ đây như thế nào?
Thật tình là không thể nào bồi hoàn lại tiền thiệt hại cho bệnh nhân do khó xác định ai bị thiệt. Nhưng UBND TP.HCM đã có ý kiến chỉ đạo giám đốc sở Y tế phát đi thông báo xin lỗi bệnh nhân. Tiền thất thoát sau khi thu hồi được sẽ sung vào công quỹ.
Liệu chuyện gian lận phim này có thể xảy ra ở những bệnh viện khác?
Khả năng này là rất lớn, vì thế ngay khi tiến hành thanh tra bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, sở Y tế đã ra ba văn bản yêu cầu các bệnh viện phải tự kiểm tra và chấn chỉnh tình trạng này, và sắp tới một đoàn nghiệp vụ y của sở Y tế cũng sẽ đi hết các bệnh viện để kiểm tra.
Ông nói không thể xác định thiệt hại cho bệnh nhân tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, nhưng cũng sự việc gần giống như thế ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bệnh viện này xác định được thiệt hại...
Vụ việc ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương xác định được thời gian cụ thể, liên quan đến việc chụp CT, thay vì chụp hai phim người ta chụp một phim, phim không chụp được đem bán ra ngoài. Nhưng sau khi thanh tra phát hiện, một bác sĩ và một kỹ thuật viên ở khoa chẩn đoán hình ảnh đã bồi hoàn số tiền bỏ túi 600 triệu đồng và xin nghỉ việc. Còn vụ việc của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình không biết xảy ra từ khi nào và số lượng phim chụp cũng quá nhiều. Bệnh nhân ở đây rất đông, mỗi bệnh nhân nội trú có ít nhất ba tờ phim. Nếu theo báo chí phản ánh, năm năm trước chuyện này có thể đã diễn ra rồi. Mặt khác, bệnh viện đã phủ nhận toàn bộ kết luận thanh tra.
Vì thế mà sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo thanh tra TP.HCM thanh tra toàn diện bệnh viện Chấn thương chỉnh hình?
Đúng thế.
Sở Y tế TP.HCM có thông tin gì trước đó về vụ việc tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình không, hay khi báo chí phản ánh sở mới biết?
Đây là những phản ánh nội bộ. Người tố cáo có đơn thư phản ánh cho lãnh đạo bệnh viện. Nhưng lãnh đạo cứ nói không có, vì thế họ phải tố cáo ở chỗ khác. Nếu lãnh đạo bệnh viện lắng nghe phản ánh và kịp thời chấn chỉnh thì chắc không xảy ra như hôm nay. Người tố cáo ở đây có danh tính hẳn hoi, họ cung cấp thông tin cho công an và công an mới chuyển qua cho sở Y tế. Từ vụ việc này, ngành y tế TP.HCM sẽ tiến hành chấn chỉnh để từ đây về sau sẽ không còn chuyện tương tự. Đây cũng có thể là bài học cho nhiều địa phương khác, cũng như bộ Y tế có thể ra một quy trình để quản lý chặt chẽ hơn việc chụp phim cho bệnh nhân.
Phan Sơn (ghi)
Một số kết luận của thanh tra tại hai bệnh viện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình: Ngoài khuất tất trong việc chụp phim X-quang, thanh tra còn phát hiện chuyện một số bác sĩ đang trực tham gia phẫu thuật theo yêu cầu. Qua xem xét, tìm hiểu thanh tra phát hiện chín trường hợp bác sĩ ở các khoa vẫn tham gia phẫu thuật theo yêu cầu, trong khi có lịch phân công thường trực theo quy chế bệnh viện, bảng chấm công trực (trong đó có cả hai bác sĩ phó giám đốc!). Tỷ lệ phẫu thuật yêu cầu (dịch vụ) chiếm tới 70% tổng số ca phẫu thuật, và đa số được thực hiện vào những ngày làm việc trong tuần. Bệnh viện Bình Dân: Liên doanh, liên kết với những đối tác bên ngoài không có chủ trương phê duyệt của sở Y tế dẫn đến nhiều thiệt hại tài chính cho bệnh viện, như thất thoát gần 150 triệu đồng từ ăn chia đặt máy X-quang kỹ thuật số, thất thu hơn 1,8 tỉ đồng trong bốn năm từ hợp tác của nhà thuốc bệnh viện, thất thoát gần 500 triệu đồng từ đặt máy siêu âm màu; mua nhiều trang thiết bị về nhưng không sử dụng làm lãng phí gần 800 triệu đồng; chi tiền bồi dưỡng cho ban điều hành các hoạt động liên doanh liên kết không dân chủ và công khai – cụ thể chi cho nguyên giám đốc, hai phó giám đốc, hai cá nhân phòng tài chính, kế hoạch gần 3 tỉ đồng. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét