Người ấy là anh Văn
SGTT.VN - Tôi là một người lính, nhưng tôi không nghĩ về Võ Nguyên Giáp như vị đại tướng số một của dân tộc ta, mà giản đơn và thân quý nghĩ rằng người ấy là anh Văn, từ “anh” không viết hoa.
Dòng người xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng trên đường Hoàng Diệu ngày 6.10. Ảnh: Getty Images |
Sáng nay thứ hai, 7.10, cùng với lớp lớp người Việt Nam thuộc các lứa tuổi, tôi đi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng ở 30 đường Hoàng Diệu, nơi tôi đã đến gặp và làm việc với Đại tướng biết bao nhiêu lần trong những năm qua, nơi tôi quen thuộc từng căn phòng, từng khoảng sân, từng chùm cây cỏ, nơi tôi được nghe và ghi lòng tạc dạ những điều Đại tướng dạy bảo tôi.
Lòng tôi ngập tràn xúc động, với những kỷ niệm ân tình, những suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời, về sự sống, về những giá trị người, mà theo cảm nhận của tôi, Võ Nguyên Giáp là một tấm gương nhân văn thấm thía, sâu xa, chính vì hồn nhiên, giản dị.
Tôi là một người lính, nhưng tôi không nghĩ về Võ Nguyên Giáp như vị đại tướng số một của dân tộc ta, mà giản đơn và thân quý nghĩ rằng người ấy là anh Văn, từ “anh” không viết hoa.
Tôi nhớ có một dịp, cách đây chừng 15 năm, tôi dẫn một đoàn chuyên gia kinh tế cao cấp người Canada, trong đó có những người từng là bộ trưởng, có người đảm nhiệm cùng lúc mấy bộ lớn của Chính phủ Canada, đến thăm Đại tướng. Câu chuyện diễn ra bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng xen tiếng Anh, trong hơn một giờ. Ra về và mãi đến hôm sau, cả đoàn nhiều lần tỏ lòng khâm phục Đại tướng, thấy được Đại tướng là một nhà lãnh đạo và một con người toàn diện, hiểu biết đa dạng nhiều chiều cạnh, có tầm vóc lịch sử, nhiều chuyên gia nói rằng được gặp Đại tướng là sự kiện lớn nhất đời mình.
Tôi thì được hiểu về anh Văn đúng như một câu nói của anh: “Tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”. Đó là câu anh trả lời khi có những người chân thành vinh danh anh là vị tướng huyền thoại, nên anh nói về quân sự. Nói rộng ra trong cuộc đời, tôi hiểu anh Văn sâu xa, trong tâm khảm của mình, khắc ghi và luôn sống như một người Việt Nam, được nuôi dạy bởi dân tộc Việt Nam, được nhân dân giao việc và hết lòng hết sức làm việc theo phương châm anh thường nhắc: “Dĩ công vi thượng”.
Từ trong phẩm hạnh của mình, anh Văn có những cách ứng xử, những việc làm, những lời nói của tâm và của trí, tâm trong sáng, trí anh minh, yêu thương, gần gụi, quý trọng con người, dễ tạo thân tình và sẵn sàng trao thân tình với đồng bào, đồng chí và với bạn bè quốc tế.
Đi trong đoàn người vào viếng anh Văn, trong tôi dâng lên niềm tin dân tộc ta sẽ còn sản sinh ra, bồi dưỡng nên những con người cao cả về đức, kiệt xuất về tài, như anh Văn, tiếp nối sự nghiệp của anh Văn, giữ gìn truyền thống và nâng cao vị thế của nước Việt Nam ta trong thế giới thời đại ngày nay.
Việt Phương, nguyên thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét