Quản trị tài nguyên khoáng sản Việt Nam:
Nộp 5 tỉ đồng, nhưng phá hỏng đường 30 tỉ đồng
SGTT.VN - “Chúng tôi đi khảo sát ở Tuyên Quang thấy thực trạng một doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản nộp ngân sách cho địa phương được 5 tỉ đồng một năm, thế nhưng, nguyên đoạn đường doanh nghiệp này sử dụng vận chuyển khoáng sản và làm hỏng, tỉnh phải đầu tư 30 tỉ đồng”, ông Phạm Gia Túc, phó chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chia sẻ tại hội thảo “Quản trị tài nguyên khoáng sản” do bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT), phòng thương mại công nghiệp Việt Nam và uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội tổ chức ngày 8.10 tại Hà Nội.
Một mỏ khai thác apatit. Ảnh: TLSGTT |
Theo ông Lại Hồng Thanh, cục trưởng cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản, tổng cục Địa chất, bộ TN&MT, Nhà nước hiện không nắm được thực trạng “tài sản” của mình cũng như không kiểm soát được sản lượng khai thác của doanh nghiệp. Kết quả điều tra đánh giá, thăm dò khoáng sản của Việt Nam thời gian qua phát hiện được trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau.
Đến nay, cấp trung ương đã có 14 quy hoạch cho 40 loại khoáng sản khác nhau, tuy nhiên, còn một số bất cập như: hầu hết các quy hoạch chỉ nêu tên mỏ, khu vực mỏ, mà không có toạ độ, diện tích cụ thể, gây khó khăn khi xem xét cấp phép. Phần lớn khoáng sản có tính đa công dụng như: đá hoa trắng, đá vôi, bentonit... nhưng cùng một mỏ, lại bị điều chỉnh bởi hai quy hoạch do hai bộ chủ trì lập, được phê duyệt ở thời điểm khác nhau. Một số quy hoạch có tính ổn định thấp, còn lệ thuộc vào nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, địa phương, chưa mang tính định hướng lâu dài. Đặc biệt, chỉ có 30 – 40% tổ chức cá nhân đang khai thác khoáng sản thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác, nhưng chế tài còn thấp, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, do sản lượng khai thác làm căn cứ tính thuế do doanh nghiệp tự kê khai, nên Nhà nước không kiểm soát được nguồn thu ngân sách từ thuế tài nguyên.
Tài sản của toàn dân, nhưng dân không được lợi!
“Khoáng sản là tài sản của toàn dân, nhưng dường như nơi nào có mỏ thì chỉ thấy hạ tầng cơ sở kém phát triển và dân nghèo đi”, ông Mai Xuân Hùng, phó chủ nhiệm uỷ ban Kinh tế Quốc hội phát biểu.
TS Lê Đăng Doanh cho biết: “Trong việc khai thác, quản lý tài nguyên khoáng sản, lợi ích nhóm đã quá rõ ràng. Cấp trung ương cấp phép hạn chế, nhưng địa phương lại cấp quá nhiều. Người ta sẵn sàng chia nhỏ mỏ để cấp phép, trong khi đó, năng lực giám sát của chúng ta quá kém. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, cấp nào chịu trách nhiệm? Tính công khai minh bạch không rõ ràng”. Ông Doanh cũng ủng hộ Sáng kiến quản trị tài nguyên khoáng sản (EITI) khi cho rằng, đây là kinh nghiệm rất quý báu, Quốc hội nên ủng hộ và sớm triển khai lộ trình để thực hiện. Theo ông Doanh, trong lĩnh vực này, người dân không thể có điều kiện tiếp cận thông tin, nên cần các tổ chức xã hội vào cuộc hỗ trợ.
Liên quan đến cơ chế chia sẻ lợi ích cho người dân vùng khai thác khoáng sản, theo ông Phạm Gia Túc, Nhà nước cần phải có quỹ khoáng sản để phân phối lại cho người dân. Hiện nay, việc phân phối lợi ích không hài hoà, doanh nghiệp có lợi nhuận cao, trong khi người dân không được gì.
Phân tích ở góc độ giám sát khoáng sản kém, thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên viện trưởng viện Chiến lược (bộ Công an) cho rằng, việc giám sát khai thác khoáng sản rất kém, chỉ có 30% doanh nghiệp báo cáo, vậy 70% còn lại xử lý thế nào? Theo ông Cương, khoáng sản có đến ba bộ tham gia quản lý (bộ TN&MT, bộ Công thương, bộ Xây dựng), nhưng lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không ai chịu trách nhiệm trước nhân dân; cần phải thống nhất cho bộ TN&MT, chứ hiện nay, bộ này chỉ làm quy hoạch, còn xuất khẩu thì giao bộ Công thương.
Thanh Tuyền
Sáng kiến quản trị tài nguyên khoáng sản (EITI) Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI) là một tiêu chuẩn quốc tế nhằm thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực khai khoáng, do cựu Thủ tướng Anh Tony Blair khởi xướng từ năm 2002. Hiện đã có 39 quốc gia thực thi. EITI sẽ giúp Việt Nam quản lý tốt hơn tài nguyên, góp phần tăng nguồn thu, giảm thất thoát, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét