Kinh tế vẫn trên đường gập ghềnh
SGTT.VN - Kinh tế vĩ mô, dù đã có một số tín hiệu cải thiện, như tăng trưởng GDP tăng dần qua các quý, tiêu dùng dân cư tăng, vốn đầu tư cao… song rủi ro, thách thức vẫn lớn, trong đó đáng ngại là lạm phát có nguy cơ trở lại, nợ xấu vẫn cao, tiền nhiều không cho vay được…
Những thách thức
Theo tổng cục Thống kê, chín tháng đầu năm 2013, tăng trưởng GDP của nền kinh tế đạt 5,14%, trong đó riêng quý 3 đạt 5,54%, cho thấy sự cải thiện của nền kinh tế qua từng quý (quý 1 và quý 2 tăng lần lượt là 4,89% và 5%; chín tháng cùng kỳ đạt 5,1%). Một số dấu hiệu tích cực khác, tiêu dùng của dân cư chín tháng năm 2013 tăng 5,34% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2011 và 2012 chỉ tăng lần lượt là 4,4% và 4,59%); vốn đầu tư thực hiện, tăng 6,1% so cùng kỳ năm trước và ở mức 31,2% GDP...
Tuy nhiên, bên cạnh một vài dấu hiệu tích cực kể trên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Theo đó, chỉ số giá cả (CPI) tháng 9 tăng 1,05% so với tháng 8, tính chung lại trong chín tháng tăng 6,3% so với cuối năm 2012. Theo thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia Trần Du Lịch, nguy cơ lạm phát trở lại vẫn rình rập bởi những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế chưa được giải quyết. Ông Lịch cũng bày tỏ e ngại trước tình trạng nợ xấu chưa cải thiện, thừa tiền thiếu vốn kéo dài, những nỗ lực làm ấm thị trường bất động sản cũng chưa thể mang lại kết quả nên thanh khoản khó được cải thiện, thâm hụt ngân sách do nguồn thu thấp hơn kế hoạch…
Xuất nhập khẩu – lĩnh vực thế mạnh của nền kinh tế trong một vài năm trở lại đây, thì nay khá “phập phù”. Theo đó, tám tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu thặng dư nhẹ 176 triệu USD – theo thống kê của tổng cục Hải quan, thì đã chuyển sang thâm hụt 226 triệu USD, tính đến hết ngày 15.9 (riêng trong 15 ngày đầu tháng 9, cán cân thương mại hàng hoá của Việt Nam thâm hụt 374 triệu USD).
Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng chung góc nhìn kém lạc quan, khi nhận xét, quỹ đạo cũ của nền kinh tế vẫn còn nguyên, dư địa chính sách ít. Ông Thiên chỉ ra bốn thách thức ngắn hạn nền kinh tế đang phải đối diện là nguy cơ tái lạm phát cao, kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm; tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài; khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều, do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng thương mại; những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện kéo theo việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại cũng sẽ khó khăn.
Tín dụng tăng chậm làm nợ xấu tăng
Chánh thanh tra ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cũng thừa nhận, dư nợ tín dụng tăng chậm cũng là nguyên nhân làm tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ tín dụng tăng liên tục từ 4,08% cuối năm 2012 lên 4,64% vào tháng 8.2013.
Theo đó, tám tháng đầu năm 2013, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng hơn 20,15% so với cuối năm 2012, và tăng 59,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Ông Nghĩa cũng cho biết, hệ thống ngân hàng đã tích cực thực hiện các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu. Trong năm 2012 và tám tháng đầu năm 2013, ước tính các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 95.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng rủi ro.
Trả lời về khả năng giảm lãi suất, đại diện lãnh đạo vụ Chính sách tiền tệ, ngân hàng Nhà nước cho rằng, tính đến hết tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm khoảng 9 – 12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 – 2006. Hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 7 – 9%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9 – 11%/năm.
Mặc dù lãi suất cho vay giảm mạnh, song tín dụng đầu ra vẫn ì ạch trong khi dòng vốn vẫn dồi dào đang là thách thức lớn với hệ thống ngân hàng. Cũng theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước, đến giữa tháng 9.2013, tiền gửi VND của dân cư tăng 13,78% so với cuối năm 2012. Dư vốn, nhiều ngân hàng buộc phải chấp nhận cho vay liên ngân hàng với mức lãi suất thấp, nhiều kỳ hạn chỉ bằng một nửa so với trần lãi suất huy động.
Thảo Nguyễn
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô được uỷ ban Kinh tế Quốc hội dẫn lại tại diễn đàn Kinh tế mùa thu đang tổ chức tại Huế, trong trường hợp kiên định mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô trong toàn bộ giai đoạn 2013 – 2015, nhiều khả năng kịch bản tăng trưởng thấp sẽ xảy ra. Dự báo, GDP năm 2013 sẽ 4,92%, năm 2014 là 5,17% và 2015 là 5,33%. Lạm phát năm 2013 có thể trong khoảng 7,32 – 8,84%. Còn năm 2014 và 2015, dự báo lạm phát ở mức 7,81% và 8,4%. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét