Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Người hồi sinh men ngọc cho gốm Việt

Người hồi sinh men ngọc cho gốm Việt

Người hồi sinh men ngọc cho gốm Việt


SGTT.VN - “Trong 75 mùa xuân của Nguyễn Việt, múa chiếm 1/3, gốm chiếm 1/3, còn lại là khảo cổ”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương giới thiệu ngắn gọn song đầy đủ về tác giả của 50 chiếc bình gốm celadon Đông Thanh, dòng men ngọc thời Lý đã thất truyền, được trưng bày tại Gallery 39 (39A Lý Quốc Sư – Hà Nội, cũng chính là tư gia của anh) từ 28.9.










Nguyễn Việt cạnh mẻ gốm vừa mở lò, chưa dội men. Ảnh: Hoa Chanh



“Bật tất cả đèn lên, phải có đèn mới đẹp!”, vừa đón khách, Lê Thiết Cương vừa chỉ đạo cô nhân viên với khẩu khí một ông chủ kỹ tính. Sau tiếng bật công tắc lách tách, cả dãy bình gốm vụt hiện, phơi lộ màu men óng ả. Luồng sáng rọi đúng chỗ càng khiến màu men toát lên sắc độ xanh kỳ lạ: mát lành, trong suốt, huyền ảo. Có thể là ngẫu nhiên, bộ tranh panorama kích cỡ: 50cm x 1,5m Lê Thiết Cương vẽ theo lối tối giản, bày trên tường, “tiệp” một cách hoàn hảo với màu gốm, dáng gốm, khiến người ta có cảm giác đang chiêm ngưỡng một tác phẩm sắp đặt tranh – gốm. Trò chuyện với Lê Thiết Cương mới rõ, mức độ cộng hưởng giữa tranh và gốm ấy, có được phần do ngẫu nhiên, phần nhờ hữu ý. Là bởi năm 2007, khi bắt tay vào series tranh panorama, Lê Thiết Cương bỗng dưng nghiêng về bảng màu “nhã”. Chẳng ngờ, những hình hoạ được thể hiện như một ý niệm lại khiến nghệ nhân Nguyễn Việt rung cảm, và rồi tạo nên những hoạ tiết tương đồng trên gốm celadon Đông Thanh bằng kỹ thuật khắc chìm cổ xưa, không ngờ làm thành một thứ vân gốm riêng có.










Gốm men ngọc của Nguyễn Việt.



Trên hành trình Nguyễn Việt tìm lại gốm celadon Đông Thanh, Lê Thiết Cương xuất hiện rất đúng lúc. Năm 1986, chú cháu tình cờ hội ngộ sau nhiều năm không gặp, Nguyễn Việt khi ấy là một doanh nhân, đi đâu có xe hơi đón rước, còn trước đấy thì là một biên đạo múa nổi tiếng với rất nhiều vở ballet. Ông lấy từ trong cặp xách một chiếc bình gốm men ngọc, khoe với Lê Thiết Cương: “Tự tay chú làm đấy!” Hoạ sĩ sửng sốt: “Chú đã tạo ra thứ gốm quý như thế, sao không chuyên tâm vào gốm mà còn làm doanh nhân!” Không ngờ, sau câu nói ấy, Nguyễn Việt bỏ múa, bỏ kinh doanh, về làng Đông Hồ mở lò gốm, nối nghiệp nhà (một dòng họ làm gốm ở Móng Cái, Quảng Ninh) sau nửa đời lãng du cùng múa, và làm gốm cho đến tận bây giờ. Tất nhiên, con đường hồi sinh gốm celadon Đông Thanh không hề suôn sẻ, vì dòng men ngọc này đã vắng bóng. Nguyễn Việt phải bôn ba khắp chốn, sang tận Pháp, Bỉ, tìm đến bảo tàng Bruxelles, nơi duy nhất trên thế giới có trọn bộ sưu tập đồ cổ celadon Đông Thanh, do một tay buôn đồ cổ người Bỉ mua tại Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20. Nghiền ngẫm ra công thức rồi cũng chưa chắc đã thực hành thành công. Men ngọc hớp hồn người ta ở sắc độ trong suốt, ở sự mềm mại và độ “chảy” màu tinh tế như một dải sóng lụa, nhưng đó cũng là thách thức vô cùng lớn với người làm gốm. Chưa kể, khi ra lò, men hay bị co. Để khắc phục nhược điểm này, không ít lò gốm dùng hoá chất, nhưng Nguyễn Việt thì không. Toàn bộ nguyên liệu ông dùng 100% có nguồn gốc tự nhiên. Ông chấp nhận thử nghiệm nhiều lần, đổ đi hàng chục mẻ gốm hỏng để dần đúc kết ra công thức chuẩn.


Trên giấy mời khai mạc triển lãm gốm “Hà Nội mùa thu” không thấy đề ngày bế mạc. Có thể chủ nhân Gallery 39A Lý Quốc Sư đã dự đoán trước mức độ hiếu kỳ của “dân” sành gốm và mê di sản, triển lãm phải mở cửa dài dài!


Hương Lan






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ