Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Cùng hợp tác để đổi mới công nghệ

Cùng hợp tác để đổi mới công nghệ

Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao


Cùng hợp tác để đổi mới công nghệ


SGTT.VN - Doanh nghiệp Việt Nam nào cũng xem việc đổi mới sáng tạo về sản xuất, sản phẩm và công nghệ quản trị là một yếu tố then chốt trong hành trình phát triển doanh nghiệp, nhưng không mấy doanh nghiệp đủ sức đầu tư và theo đuổi một cách bài bản, dài hạn.










Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng doanh số và lợi nhuận. Trong ảnh: sản xuất tại công ty bánh phồng tôm Sa Giang, một doanh nghiệp có nhiều nỗ lực đầu tư công nghệ trong thời gian qua, có sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.



Ngày 25.9, sở Khoa học và công nghệ TP.HCM phối hợp với hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp và vấn đề sống còn: đổi mới công nghệ và quản trị”. Với đề án hợp tác “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế”, bộ Khoa học và công nghệ cùng hội Doanh nghiệp HVNCLC sẽ giúp doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững hơn.


Biết lợi ích nhưng thiếu nguồn lực đầu tư


Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã công bố khảo sát hơn 100 doanh nghiệp về hiện trạng đổi mới sáng tạo được thực hiện trong tháng 9.2013. Khảo sát cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam nào cũng xem việc đổi mới sáng tạo về sản xuất, sản phẩm và công nghệ quản trị là một yếu tố then chốt trong hành trình phát triển doanh nghiệp, nhưng chỉ có chưa đến 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát có tổ chức bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), mà theo họ là đủ khả năng sáng tạo cho những cú đột phá của doanh nghiệp.


Quan tâm phát triển sản phẩm, nhưng ít doanh nghiệp ưu tiên việc tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất và cải tiến công nghệ, nhất là khi tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chỉ tận dụng công nghệ, thiết bị sẵn có. Nhiều doanh nghiệp chưa xác định ngân sách rõ ràng cho đổi mới sáng tạo, việc ước tính chi phí không dễ dàng. Đa số doanh nghiệp đầu tư cho đổi mới sáng tạo dưới 5% hay 10% doanh số. Cũng có hơn 10% doanh nghiệp được khảo sát có mức đầu tư cho đổi mới sáng tạo trên 10% doanh số, đây là các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, do áp lực cạnh tranh đòi hỏi phải đổi mới sản phẩm, mẫu mã, bao bì liên tục.


Quan hệ với các cơ quan nghiên cứu viện trường chưa thực sự tốt, khoảng 16% doanh nghiệp được khảo sát có mối quan hệ thường xuyên. Tuy nhiên, ít doanh nghiệp chú ý xem xét kết quả nghiên cứu được chào hàng hay chủ động đặt hàng các nhà khoa học và các cơ quan nghiên cứu. Điều này cho thấy các nhà khoa học và đơn vị nghiên cứu chưa đáp ứng tốt được yêu cầu hay mong đợi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi mua máy móc, công nghệ mới, họ chú ý nguồn gốc từ nước ngoài nhiều hơn trong nước.


Đa số doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo giúp mở rộng thị trường, tăng doanh số và lợi nhuận, có lợi thế trong dài hạn, là đường phải đi. Tuy nhiên, việc này không phải dễ thực hiện vì vừa phải thay đổi công nghệ vừa phải điều chỉnh tổ chức, nhân lực, quy trình làm việc để phát huy tối đa khả năng của công nghệ...


Mở đường rộng hơn cho doanh nghiệp


Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp tự thân vận động, bứt phá đi lên bằng những cải tiến không phải là quá lớn về mặt công nghệ nhưng lại có sự đầu tư chỉn chu và bền bỉ về mặt chiến lược như Thiên Long, Điện Quang, Vĩnh Tiến, Saigon Food, Rạng Đông… Ông Cổ Gia Thọ, chủ tịch công ty Thiên Long cho rằng chỉ cần 20% các nghiên cứu được ứng dụng thành công là đủ để Thiên Long vượt lên phía trước.


Bên cạnh nỗ lực tự thân, doanh nghiệp cần Nhà nước có các chính sách thực sự tạo nền và khuyến khích như hỗ trợ vốn (vay ưu đãi), cải thiện cơ chế chính sách, cung cấp thông tin công nghệ mới kịp thời, tạo điều kiện thiết lập và điều phối vận hành thị trường công nghệ. Các cơ quan nghiên cứu, viện, trường cần nắm sát nhu cầu của doanh nghiệp để có những công trình nghiên cứu thiết thực, tham vấn cho doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ.


Thực ra, từ bộ đến một số địa phương đã có nhiều chương trình, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng rất ít doanh nghiệp biết cách tiếp cận cũng vì thiếu bộ phận nghiên cứu và phát triển.


Nhằm kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các chương trình, dự án phát triển và đổi mới công nghệ, bộ Khoa học và công nghệ cùng hội doanh nghiệp HVNCLC đã thoả thuận hợp tác “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế”.


Theo thoả thuận, hàng năm bộ và hội sẽ tổ chức một số hội thảo, khảo sát để thúc đẩy việc thực hiện các chính sách của Nhà nước, bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Công tác truyền thông sẽ được đẩy mạnh để cung cấp kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp các chính sách phát triển khoa học công nghệ của nhà nước, các hoạt động của bộ Khoa học và công nghệ dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đề án chú tâm kết nối cục Sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp như tư vấn, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.


Giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán chi phí, đề án cũng quan tâm xúc tiến thị trường công nghệ như tổ chức hội chợ thành tựu công nghệ mới, sản phẩm mới; hỗ trợ một số doanh nghiệp tiếp nhận sự trợ giúp của bộ Khoa học và công nghệ từ tài chính đến các thủ tục để tiến hành đổi mới công nghệ.


Một câu lạc bộ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được thành lập để doanh nghiệp học hỏi nhau về cách tổ chức bộ phận nghiên cứu và phát triển hiệu quả, cách tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ. Câu lạc bộ cũng sẽ là đầu mối kết nối giữa các tổ chức nghiên cứu thích hợp với doanh nghiệp.


Hy vọng chương trình hợp tác này sẽ tìm được các giải pháp kích hoạt hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.


bài và ảnh: Nguyệt Hồng






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ