Du lịch đường sông – tài nguyên theo con nước
Bài 3: “Sản phẩm cần gắn kết yếu tố văn hoá”
SGTT.VN - Sau hai kỳ cung cấp đến độc giả bức tranh du lịch đường sông Sài Gòn còn nhiều ngổn ngang chưa tương xứng với giá trị tài nguyên mang lại, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với ông Võ Xuân Nam, phó trưởng phòng lữ hành, sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM về câu chuyện quản lý và hướng giải pháp.
Sông Sài Gòn là tài nguyên vô giá cho khai thác du lịch nhưng đang bị bỏ phí. Ảnh: N.T |
Ông Nam nói: Từ trước đến nay các doanh nghiệp du lịch TP.HCM thường tổ chức tour cho người Sài Gòn đi các tỉnh khác. Người nước ngoài cũng coi Sài Gòn là điểm trung chuyển để đi đến các tỉnh. TP.HCM là một đô thị nên phần tài nguyên thiên nhiên còn lại không thể so sánh bằng các tỉnh khác. Nhưng tại sao cái phần còn lại đó cũng chưa phát huy giá trị? Ví dụ như sông Sài Gòn và các chi của nó từ lâu đã là những luồng lạch chính để các tàu biển vào các cảng nội đô. Nhưng không rõ vì lý do lịch sử thế nào, trước tới nay đường sông chỉ tập trung vận chuyển hàng hoá. Thêm vào đó, việc vận chuyển trên sông khó cạnh tranh với đường bộ, nên ít được các doanh nghiệp du lịch chú trọng khai thác. Thậm chí, nếu khai thác, họ cũng không biết nên chú trọng vào điều gì trên dòng sông này. Cần Giờ rộng 34.000ha, nhưng chỉ rừng đước bạt ngàn. Tài nguyên tự nhiên lớn nhưng rừng tái sinh, khu dự trữ sinh quyển, khi vào chỉ có tham quan không mua sắm được gì, nên doanh nghiệp cũng khó “móc túi” được khách tham quan, từ đó họ cũng không hứng thú với tour sông.
Ông nghĩ gì về sự gắn kết giữa mục tiêu phát triển du lịch đường sông với việc giới thiệu hình ảnh đời sống, văn hoá Sài Gòn?
Đặt ra vấn đề văn hoá thực sự cần thiết lúc này. Nó là mục tiêu mà từ góc độ trách nhiệm quản lý, chúng tôi cần đạt tới, coi đây là giải pháp để tạo ra chuyển biến trong phát triển sản phẩm du lịch đường sông.
Thưa ông, mọi thứ xuất phát từ nhu cầu. Bản thân nhu cầu du lịch đường sông nội địa cũng chưa cao...?
Như báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phản ánh (trong hai kỳ trước – NV), và chúng ta đã có câu trả lời. Theo tôi, một trong những nhược điểm của du lịch đường sông Sài Gòn là thời gian đi lại. Những tour tầm trung (Sài Gòn – Cần Giờ hay Củ Chi) đi đường thuỷ ba tiếng, lại vướng cầu, nên chỉ có cách dùng đến canô, mà canô thì chở được ít người, không tổ chức được dịch vụ nhà hàng trong khi di chuyển; chỉ đơn thuần như một phương tiện vận chuyển công cộng, nhưng ngặt nỗi chi phí xăng nhớt lớn, giá vé cao. Hiện nay, những đơn vị bắt đầu kinh doanh bằng canô phải chấp nhận bù lỗ ở giai đoạn đầu, đợi khi lượng khách tăng lên thì mới quân bình và bù lỗ, bằng không, sẽ khó cạnh tranh được với các phương tiện khác. Giá tour cao, tốn thời gian di chuyển – đó là những điểm yếu “chết người” của sản phẩm này. Ngoài ra, các điểm đến không mới mẻ với khách nội, lại ít dịch vụ tiêu xài, giải trí.
Nếu đẩy mạnh yếu tố văn hoá trong tour du lịch đường sông Sài Gòn, tôi nghĩ sẽ giải quyết được vấn đề trên. Du lịch đường sông không cách nào khác phải bám vào yếu tố văn hoá, tự nhiên, môi trường.
Nhưng trên thực tế, có những chướng ngại của phát triển du lịch đường sông Sài Gòn lại thuộc thẩm quyền xử lý của các ngành khác, ngoài tầm tay ngành du lịch và doanh nghiệp?
Những vấn đề đó thuộc trách nhiệm Nhà nước, doanh nghiệp không thể xử lý được. Chúng tôi đặt vấn đề này và cách giải bài toán chỉ có thể là một chủ trương phối hợp. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND TP.HCM xây dựng chiến lược cụ thể và chỉ ra rằng, nếu không giải quyết hết các bất cập thì mọi hô hào chỉ đạo phát triển du lịch đường sông chỉ mang tính phong trào nhất thời, không giải quyết được gì. Trong bản dự thảo đó, thì hai vấn đề cần giải quyết mang tính nền tảng là cơ sở hạ tầng và môi trường. UBND thành phố đã thông qua kế hoạch xây dựng 12 cầu tàu du lịch từ nay đến 2015 và tiếp tục nghiên cứu giải pháp môi trường.
Và thành phố sẽ đầu tư 11.000 tỉ đồng cho du lịch đường sông?
Đó chỉ là ước lượng, dự toán của sở Văn hoá – thể thao và du lịch TP.HCM, là đơn vị chấp bút viết và trình Dự thảo chiến lược phát triển du lịch đường sông 2013 – 2015. Nhưng vốn đầu tư từ ngân sách chỉ là một phần nhỏ, như con giun móc vào lưỡi câu, khoảng 1.000 tỉ đồng, còn lại 10.000 tỉ là từ nguồn vốn xã hội hoá.
Dự toán kinh phí ấy đặt ra trong bối cảnh kinh tế khó khăn này liệu có ổn không?
Trước hết chúng tôi cũng khuyến khích và thuyết phục các doanh nghiệp kềm giá cho khách và tiếp thị tốt sản phẩm và đã có hiệu quả ban đầu. Một khi sản phẩm khai thác có hiệu quả, thì người ta sẵn sàng tham gia đầu tư. Bắt đầu từ số 0 thì sẽ chỉ có đi lên chứ đâu thể đi xuống được nữa!
Nguyễn Nguyên Thảo (thực hiện)
TS Nguyễn Thị Hậu (phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM): Phát triển du lịch đường sông Sài Gòn, cần chú trọng yếu tố địa văn hoá. Sông ngòi, kênh rạch nội đô đóng vai trò lưu thông, giao thương quan trọng trong lịch sử, gắn bó với đời sống văn hoá của người dân. Ngoài ra, cố gắng giữ lại những không gian kiến trúc Sài Gòn xưa: nhà cổ dọc bến Bình Đông, khu chợ Lớn, những cây cầu cổ, các bến tàu, di tích lò gốm, chuyển chức năng để giữ các nhà kho... và gắn kết chúng với sản phẩm du lịch. Sông Sài Gòn cũng có đặc điểm là ngày hai con nước. Nếu khai thác được tất cả các tài nguyên văn hoá vật thể và phi vật thể sẽ rất hay. Nên chăng phục dựng lại khu chợ nổi ở những ngã ba sông, tái hiện đời sống văn hoá Sài Gòn xưa trên bến dưới thuyền? Trên tất cả, cần đặt trọng tâm văn hoá lên trên mục tiêu kinh tế trước mắt nhất thời. Và cần nhất là sự phối hợp đồng bộ, trong đó ai đóng vai trò chính quyết định để có giải pháp cụ thể. Ông Trần Thế Dũng (phó giám đốc công ty Thế Hệ Trẻ) Tour đường sông Sài Gòn, ngoài đích đến chính, còn cần kết hợp với dịch vụ các tỉnh lân cận để khai thác tốt hơn những điểm đến phụ mang tính hỗ trợ ven bờ (ví dụ như qua Bình Dương thì có vườn trái cây, bến gốm Lái Thiêu, dinh Đốc phủ sứ... còn qua Đồng Nai thì phải ghé làng bưởi Tân Triều, Cù Lao Phố...) Có như vậy mới đa dạng sắc thái, hấp dẫn du khách. Ông Hoàng Cẩm Giang (phụ trách mảng tour đường sông Sài Gòn, Saigontourist) Theo tôi, hướng phát triển hay nhất là tour nội đô Bạch Đằng – Chợ Lớn. Chỉ cần tái hiện được chợ nổi trên bến Bình Đông sẽ thu hút được khách không chỉ nước ngoài mà cả khách Việt. Hiện nay thành phố đã có chủ trương và giao cho Saigontourist thực hiện. Chúng tôi đang có các bước đẩy mạnh quảng bá tour sông Sài Gòn trên toàn hệ thống chi nhánh của mình trong cả nước. Chúng tôi cần một lộ trình ít nhất đến cuối năm để đúc rút vấn đề một cách toàn diện và trình lên Nhà nước để đề xuất hướng đầu tư phát triển tiếp tục. Nguyễn Vinh (ghi) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét