Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

“Trời chưa cho đi” vì hồi ký còn dang dở

“Trời chưa cho đi” vì hồi ký còn dang dở

Soạn giả Kiên Giang:


“Trời chưa cho đi” vì hồi ký còn dang dở


SGTT.VN - Bác sĩ cho biết cuộc phẫu thuật của ông có tỷ lệ rủi ro cao, gia đình cần chuẩn bị tâm lý đón nhận điều xấu nhất. Trước ngày phẫu thuật ông gọi điện dặn dò bạn bè, người thân nhờ lo hậu sự. Nhưng trời vẫn chưa cho ông về với đất mẹ. Giờ đây, hàng ngày nằm viện ông vẫn thao thức về những trang hồi ký còn dang dở.










Chị Ngọc Thuỳ đang giúp cha chép lại những bài thơ ông viết tặng người bệnh cùng phòng.



Trăng trối cả cây trồng trước mộ


Đến thăm ông vào một ngày đầu tuần khi sức khoẻ của ông tạm bình phục, tập vật lý trị liệu hai tháng nữa là có thể đi lại bình thường. Chị Trương Thị Ngọc Thuỳ, người con gái thứ ba của ông kể lại, đang ngồi làm việc tại nhà Truyền thống sân khấu (hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế – 133 Cô Bắc, quận 1, TP.HCM) thì ông đột nhiên té ngã, được mọi người đưa cấp cứu tại bệnh viện Nguyễn Trãi. Trong thời gian điều trị, dù tuổi cao sức yếu ông vẫn muốn tự phục vụ bản thân, không làm phiền con cháu. Ngày 27.11, khi ông tự thay quần áo trong nhà vệ sinh của bệnh viện thì bị vướng ngã xuống sàn khiến chân trái bị gãy mấu chuyển xương đùi bên trái (chân này bị yếu do ngày xưa ông bị bắt, tra tấn). Gia đình xin chuyển bệnh viện Chấn thương chỉnh hình để điều trị đúng chuyên môn. Ngày 5.12, bác sĩ bệnh viện Chấn thương chỉnh hình quyết định mổ cho ông, trước khi mổ gia đình được bác sĩ tư vấn: “Rủi ro có thể xảy ra nên người nhà suy nghĩ kỹ và ký vào đơn cam kết”. Nghe được, ông nhẹ nhàng nói với con: “Ba sẽ phẫu thuật và tự ký vào bản cam kết”! Trước khi mổ, ông điện thoại cho người thân, bạn bè nhờ lo hậu sự. Trong thư gửi một người bạn, ông còn căn dặn “Quê hương anh có cây đước, cây tràm, anh đề nghị gắn kết hai cây đó trước phần mộ”.









Nếu không mổ, bệnh nhân phải nằm một chỗ


BS.CK2 Nguyễn Quốc Trị, trưởng khoa Chi dưới, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho biết, soạn giả Kiên Giang bị rất nhiều bệnh: cao huyết áp, tim mạch, viêm thận mãn nên khi nhập viện bác sĩ phải điều chỉnh một số thuốc chờ sức khoẻ ông ổn định mới phẫu thuật. Khi chuyển đến bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, qua hình ảnh chụp CT, bác sĩ nhận định bệnh nhân bị gãy kín liên mấu chuyển xương đùi, phải mổ kết hợp bằng dụng cụ DHS ít xâm lấn dưới màn tăng sáng (CARM). Nếu không mổ, bệnh nhân phải nằm một chỗ lâu dài, sẽ phát thêm nhiều bệnh khác như lở loét dẫn đến viêm phổi. Kết quả phẫu thuật tốt, không mất máu nhiều. Hiện, bệnh viện cho ông đi nạng bên chân đau hoặc dùng khung nâng đỡ, khoảng hai tháng tập luyện bệnh nhân có thể đi lại bình thường.



Còn sống là còn viết, còn đi

Mổ xong, mọi người đến thăm, ông hóm hỉnh nói: “Trời chưa cho đi, còn phải viết xong hồi ký và đi làm từ thiện nữa”.


Nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn làm thơ tặng những bệnh nhân cùng phòng, tặng y bác sĩ và những người đến thăm. Đặc biệt, lúc nào ông cũng có cuốn sổ để ngay đầu giường, trong đó ghi chép đời sống của ông hàng ngày, những người đến thăm, những người đã tặng ông tiền chữa bệnh và những bài thơ ông sáng tác tặng mọi người, những lời dặn dò trước thời điểm cam go… Nằm một chỗ, ông thèm cái cảm giác tự do của những ngày tháng trước đây được cùng mọi người đi làm từ thiện ở những vùng sâu, vùng xa nghèo khó. Chị Ngọc Thuỳ kể, mặc dù sức khoẻ yếu nhưng ông thích đi làm từ thiện lắm. Bạn bè đến viện thăm cho ông biết một tháng nữa có đoàn đi từ thiện, ông bảo sẽ cố gắng luyện tập để chóng khoẻ góp sức cùng mọi người.


Với ông, chỉ cần làm thơ, ca hát cho mọi người vui là hạnh phúc rồi.


Mặc dù đã bước qua tuổi 86, ông vẫn thích “lang bạt” với chiếc xe cánh én đã sờn màu để sáng tác và hoàn thành cuốn hồi ký. Tâm nguyện của ông là sau khi chữa bệnh xong, ông sẽ về quê vợ ở An Giang sống và viết xong hồi ký của cuộc đời.


bài và ảnh: Hoàng Nhung









Soạn giả – nhà thơ Kiên Giang tên thật Trương Khương Trinh, sinh năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Kiên Giang là bút danh khi ông làm thơ, còn viết báo và soạn tuồng ông lấy tên Hà Huy Hà. Ông là tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng, trong đó có bài Hoa trắng thôi cài trên áo tím được phổ nhạc; và là soạn giả của nhiều vở cải lương: Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới... Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo Sài Gòn như Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Lập Trường, Điện Tín, Tia Sáng...







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN

Dịch Vụ