NSƯT Chí Trung
Chinh phục giới trẻ Sài Gòn bằng kịch nhân văn
SGTT.VN - Nhân dịp đoàn kịch nhà hát Tuổi Trẻ lưu diễn tại phía Nam sau tám năm, phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có dịp trò chuyện cùng NSƯT Chí Trung, phó giám đốc phụ trách biểu diễn của nhà hát. Như mọi khi, anh luôn bận rộn từ việc tổ chức biểu diễn tới cả chuyện bán vé, nhưng nói về kịch thì anh “đắm đuối”.
NSƯT Chí Trung trong một vai diễn của kịch Lưu Quang Vũ. |
Lần này tại sao đoàn chọn kịch Lưu Quang Vũ để lưu diễn phía Nam?
Vì nhiều duyên cớ, như kỷ niệm 35 năm nhà hát kịch Tuổi Trẻ, 25 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ, nhưng lớn nhất có lẽ là tình yêu kịch với anh Vũ. Năm 2012, nhận thấy lớp diễn viên trẻ cứ suốt ngày diễn hài, tôi muốn luyện lại kỹ năng diễn chính kịch giàu cảm xúc, đưa diễn viên vào các nhân vật “lớn” để họ phải cố gắng lớn theo cùng nhân vật bằng kịch Lưu Quang Vũ, để các diễn viên thể hiện tính người – đời người của các nhân vật có đời sống nội tâm. Sau vài tháng luyện tập, khi công diễn, điều bất ngờ là khán giả đi xem đông, vỗ tay cho từng câu thoại, mọi chuyện trong kịch bản 30 năm trước dường như vẫn còn mang hơi thở thời sự. Nhà hát sáng đèn suốt tuần đó là sự kiện lâu rồi mới có.
Hợp đồng diễn kéo hết năm 2014.
Với kịch bản đã hơn 30 năm tuổi, khi dàn dựng anh phải xử lý thế nào và làm sao truyền cảm hứng cho diễn viên trẻ?
Cách đây hơn 30 năm, tôi đóng vai nhân vật dẫn chương trình trong vở Mùa hạ cuối cùng do NSND Phạm Thị Thành dàn dựng. Tôi cũng bị áp lực làm sao truyền tải được cái hồn của kịch bản. Tôi muốn kéo khán giả trẻ tới rạp, vì họ cần phải biết các vấn đề trong quá khứ mà nhìn nhận hiện tại và tương lai. Với khán giả trung niên, lớn tuổi thì họ đã hiểu và nắm vấn đề, vì họ sống cùng thời Lưu Quang Vũ. Khi dựng, tôi xử lý đưa ngôn ngữ điện ảnh vào trong kịch, ví dụ như để muốn diễn tả thân phận con người nhỏ bé, mong manh trong một vũ trụ bao la, một màn hình trên sân khấu chiếu vụ nổ big bang, zoom vào một đất nước, thành phố, sân trường và câu chuyện bắt đầu từ đấy. Thông điệp này sẽ không bao giờ cũ: “Trái đất có thể nổ tung nhưng lẽ phải, nhân cách và lòng trung thực phải là giá trị tuyệt đối mà con người truyền lại cho nhau”.
Tuổi trung niên, tôi càng hiểu anh Lưu Quang Vũ và nhận rõ tính công dân trong từng câu chữ của anh. Khi dựng vở tôi trở nên khắt khe, tôi muốn các diễn viên hoá thân vào nhân vật, cảm nhận nhân vật từ trong tim. Tôi bắt diễn viên phải đọc tài liệu để hiểu tính thời sự, hiểu câu chuyện trong kịch bản. Tôi cố gắng thổi lòng say nghề của mình, không ngờ cũng thổi được.
Nhà hát Tuổi Trẻ chắc hẳn sẽ phải ưu ái cho giới trẻ?
Chúng tôi sẽ lưu diễn một tháng ở phía Nam tại TP.HCM, Biên Hoà, Bình Dương, Cần Thơ. Tiếp tục với dự án 100 suất diễn miễn phí cho học sinh, sinh viên. Nhà hát Tuổi Trẻ mỗi tuần sẽ có hai buổi diễn dành cho khán giả trẻ, ngoài ra còn tới tận các trường giao lưu, thiết lập các câu lạc bộ kịch tại mỗi trường. Dự án này nhằm chinh phục khán giả trẻ. Những tác phẩm của anh Vũ có tinh thần nhân văn bất diệt, nhiệm vụ của tôi là nhân đà này đem đến cho các em học sinh, sinh viên tinh thần đó, để nuôi dưỡng niềm tin trong các em.
Đinh Thuỷ (thực hiện)
Khán giả TP.HCM có thể xem hai vở Lời thề thứ chín và Mùa hạ cuối cùng của nhà hát Tuổi Trẻ từ 14.12.2013 đến 10.1.2014 tại nhà hát TP.HCM và nhà hát Quân đội. Ngoài ra chùm Đời cười và Nụ cười chiến sĩ cũng được lần lượt trình diễn trong dịp này. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét