Kiến nghị xã hội hoá công tác xử lý nợ xấu
SGTT.VN - Xã hội hoá công tác xử lý nợ xấu là một trong những kiến nghị của đại diện lãnh đạo công ty Mua bán nợ xấu và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, tại hội thảo về kinh nghiệm xử lý nợ xấu, tổ chức hôm qua (17.12), tại Hà Nội.
Tính đến nay, công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) đã mua và xử lý gần 10.000 tỉ đồng nợ xấu. Khác với công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hoạt động mua bán nợ của DATC gắn liền với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nợ hoạt động hiệu quả, tạo nguồn trả nợ.
Nợ xấu lớn
Theo phó tổng giám đốc DATC Phạm Mạnh Thường, đến cuối tháng 8.2013, số liệu của ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống là 142.270 tỉ đồng, chiếm 4,64% tổng dư nợ. Trong đó, tỉ trọng nợ xấu tập trung cao ở nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước: 48,6% tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Bức tranh nợ xấu của Việt Nam không bao gồm 290.000 tỉ đồng – các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ (ảnh minh họa). |
So với thời kỳ bùng nổ nợ xấu vào cuối năm 2011, đầu năm 2012 (nợ xấu chiếm 8,6% tổng dư nợ, tương ứng hơn 250.000 tỉ đồng), con số nợ xấu hiện tại đã giảm đáng kể cả về quy mô lẫn tỷ trọng. Tuy nhiên, bức tranh nợ xấu của Việt Nam không bao gồm 290.000 tỉ đồng – các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ; không bao gồm nợ đã chuyển ngoại bảng (bán cho công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam VAMC) cũng như nợ xấu của hai ngân hàng là ngân hàng Chính sách xã hội và ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) (kết quả kiểm toán 2011, nợ xấu của VDB chiếm tỷ trọng 12% trên tổng dư nợ, tương ứng khoảng 12.000 tỉ đồng). “Nếu tính cả những khoản nói trên, nợ xấu của Việt Nam phải xấp xỉ 10% tổng dư nợ. Còn theo báo cáo của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dư nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cao gấp ba, bốn lần con số công bố. Do vậy, nguy cơ bùng nổ nợ xấu của hệ thống ngân hàng khá cao”, ông Thường nhận định.
Mặt khác, ông Thường cho rằng, nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm tỷ trọng lớn, trong bối cảnh thị trường này suy giảm, là nguy cơ làm tăng khả năng mất vốn của các TCTD. Trong khi đó, dự phòng rủi ro chưa được trích lập đầy đủ và tương xứng với mức độ rủi ro. Mức độ tập trung tín dụng đối với một số khách hàng và nhóm khách hàng liên quan rất lớn, khi những khách hàng này gặp khó khăn về tài chính cũng có nghĩa là tăng rủi ro nợ xấu và tổn thất vốn đối với TCTD. Nhóm lợi ích và sở hữu chéo giữa các TCTD lớn làm cho tính lệ thuộc lẫn nhau giữa các TCTD và rủi ro hệ thống tăng cao...
Hiệu quả khi gắn với tái thiết doanh nghiệp
Trước đây, nợ xấu được xử lý theo mô hình phân tán, nghĩa là từng ngân hàng tự thành lập công ty quản lý nợ và từ 2006 – 2007 đã có khoảng 20 công ty quản lý nợ được thành lập, nhưng hiệu quả không được như mong đợi. Nợ xấu được tụ, kéo dài, trong đó có những khoản nợ dằng dai tới cả 10 – 15 năm. Việc thành lập công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) năm 2003 và công ty Quản lý tài sản (VAMC) mới đây góp phần thúc đẩy công tác xử lý nợ theo mô hình tập trung.
Ông Thường cho biết, từ khi thành lập đến nay, DATC đã mua 9.275 tỉ đồng nợ xấu (mua theo chỉ định 336 tỉ đồng), trong đó 90% là mua từ các NHTM Nhà nước. Giá mua nợ 2.700 tỉ đồng, bình quân xấp xỉ 30% mệnh giá. Số tiền thu hồi từ xử lý nợ đã mua 2.884 tỉ đồng, bằng 106% tổng số tiền đã chi ra để mua nợ.
Cách làm của DATC là sau khi mua nợ sẽ giúp doanh nghiệp tái cơ cấu tài chính, quản trị điều hành, hoạt động sản xuất kinh doanh… Đến nay, đã có gần 60 doanh nghiệp được tái cơ cấu, một số doanh nghiệp đã hoạt động ổn định trở lại, có lãi, trong đó có ba doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán và nằm trong Top những doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam.
Khác với VAMC là lấy thu bù chi, không đặt mục tiêu lợi nhuận, DATC phải đảm bảo kinh doanh hiệu quả, bảo toàn vốn Nhà nước (tổ chức tái thiết doanh nghiệp). Mặt khác, quy mô vốn của DATC còn hạn chế (cách thức của DATC đòi hỏi phải mua nợ xấu bằng tiền tươi thóc thật) cũng khiến cho công tác tái cấu trúc doanh nghiệp chậm hơn mong đợi. Bởi vậy, ông Thường kiến nghị, xem xét nâng cấp quy mô hoạt động, quy mô vốn và mô hình hoạt động của DATC theo hướng chuyển đổi mô hình và nâng cấp thành tổng công ty Xử lý nợ quốc gia trực thuộc Chính phủ. Bổ sung vốn điều lệ, cho phép DATC phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh để mua nợ các TCTD. Thành lập một số công ty cổ phần có vốn điều lệ khoảng 2.000 tỉ đồng do DATC nắm giữ cổ phần từ 43 – 49% nhằm xã hội hoá, thu hút sự tham gia góp vốn vào hoạt động xử lý nợ xấu của các thành phần kinh tế.
Thảo Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét